Gỡ ngay 6 nút thắt để nối lại chuỗi cung ứng nông sản

TS. Nguyễn Thanh Trọng*| 15/08/2021 07:48

Tình trạng ùn ứ nông sản ở các địa phương, vùng sản xuất nông nghiệp là vấn đề rất cấp bách cần xử lý.

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy, gián đoạn nhiều kết nối thương mại nông sản của nước ta với nhiều nước trên thế giới. Vì vậy mà ở nhiều vùng quê đến mùa thu hoạch lại ùn ứ nông sản, doanh nghiệp và người dân càng thêm khó khăn. Hiện tại, thanh long, lúa gạo ở ĐBSCL, sầu riêng ở Đắk Lắk… không bán được khiến giá giảm sâu, người nông dân lại đứng trước tình cảnh “được mùa, mất giá”. 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ở khâu nuôi trồng, sản xuất hiện đang thiếu nhân công chăm sóc, thu hoạch, sơ chế. Ở khâu thu mua, các trung gian cũng thiếu nhân công, thậm chí nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Những doanh nghiệp còn duy trì hoạt động thu mua, sơ chế, đóng gói, vận chuyển… cũng đối diện với nhiều khó khăn về tài chính, chi phí phát sinh để phòng chống dịch bệnh.

Khâu bán bán hàng cũng khó khăn vì các kênh phân phối truyền thống, chợ đầu mối đóng cửa. Trong khi đó, các nhà bán lẻ lớn thiết lập kênh cung ứng hàng từ các doanh nghiệp, HTX với yêu cầu sản phẩm phải qua sơ chế nên nông sản của nhà nông, các trung gian thu mua chưa có kênh kết nối. Những sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu không thể đi thẳng đến siêu thị, cửa hàng của những nhà bán lẻ này.

Khâu tiêu dùng cũng không khá hơn. Nhiều tỉnh thành trong cả nước áp dụng biện pháp giãn cách, cách ly xã hội nên việc mua hàng của người tiêu dùng phát sinh nhiều khó khăn. Thêm vào đó, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu nên các khoản chi tiêu dần hạn hẹp.

Và khi mắt xích kết nối các khâu sản xuất - lưu thông - phân phối và tiêu dùng đều bị trục trặc, đứt đoạn và tình trạng “thất bại thị trường” ở ngành hàng nông sản càng trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, để giải quyết vấn đề này, cấp thiết có sự hỗ trợ, can thiệp của Nhà nước mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. 

[Caption]mắt xích kết nối các khâu sản xuất - lưu thông - phân phối và tiêu dùng đều bị trục trặc, đứt đoạn

Các mắt xích kết nối các khâu sản xuất - lưu thông - phân phối và tiêu dùng đều bị trục trặc, đứt đoạn

Có một số giải pháp có thể giúp cải thiện vấn đề ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến tiêu dùng mà các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cần triển khai. 

Một là, cần tháo gỡ những rào cản, tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hoá, không để tiếp diễn tình trạng “ngăn sông cấm chợ”. Không chỉ là tháo gỡ việc lưu thông giữa các tỉnh, thành mà còn giải quyết việc lưu thông giữa các thôn, xã, huyện trong mỗi địa phương. Trên thực tế, sản phẩm của nhà nông không đi thẳng ra chợ, cửa hàng hay siêu thị mà phải qua khâu trung gian nên trước hết, cần xử lý vấn đề lưu thông tại địa phương. Không để tình trạng “phép vua thua lệ làng” ngăn việc người nông dân ra đồng ruộng chăn nuôi, thu hoạch, vận chuyển hàng hoá đến các nơi thu mua. 

Hai là, cần sớm thực hiện các hỗ trợ về tài chính, trợ giá nông sản để khuyến khích các thương lái, doanh nghiệp thu mua và tổ chức sơ chế đáp ứng yêu cầu cung ứng hàng ra thị trường. Đồng thời thu mua dự trữ với các nông sản phẩm có thể sơ chế, chế biến, dự trữ được như lúa, gạo, mì, khoai,…

Ba là, cần có hợp tác giữa các bên dưới sự hỗ trợ, kết nối của Nhà nước để giảm chi phí, gắn lại các mắt xích để nông sản đến được các thị trường. Các địa phương cần thiết lập cơ chế hỗ trợ kết nối cung - cầu sản phẩm, hợp tác với các trang thương mại điện tử để hỗ trợ giới thiệu, bán nông đặc sản bản địa đến người tiêu dùng. Vì trong điều kiện giãn cách, người dân mua hàng nhiều hơn qua các trang mạng nên việc này cần xúc tiến nhanh nhất có thể. 

Bốn là, thiết lập các vùng an toàn, các vùng đệm và các điều kiện đảm bảo phòng chống dịch để có thể mở cửa lại các chợ, các kênh phân phối truyền thống phục vụ trong nội bộ vùng an toàn và dần mở rộng ra phù hợp với tình hình kiểm soát dịch. 

Năm là, nỗ lực tháo gỡ những khó khăn trong việc lưu thông, kiểm dịch, thông quan ở các cửa khẩu để duy trì hoạt động xuất khẩu nông sản.

Sáu là, cần tính toán triển khai gói trợ cấp mua hàng cho người dân nhằm hỗ trợ khó khăn và đồng thời kích cầu tiêu dùng đối với các ngành hàng, trong đó hướng đến các sản phẩm từ ngành nông nghiệp được coi là nhu yếu phẩm để giải quyết nhu cầu của tiêu dùng của người dân. 

 *Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gỡ ngay 6 nút thắt để nối lại chuỗi cung ứng nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO