FTA VN-EAEU: Doanh nghiệp làm gì để được hưởng ưu đãi thuế quan

TĂNG KHÁNH| 23/11/2016 09:05

Những lưu ý quan trọng để doanh nghiệp (DN) Việt được hưởng ưu đãi thuế quan và nhanh chóng tiếp cận thị trường EAEU mà chủ yếu là thị trường Nga.

FTA VN-EAEU: Doanh nghiệp làm gì để được hưởng ưu đãi thuế quan

Tại Hội thảo “Tiếp cận thị trường Liên Bang Nga trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (FTA VN-EAEU) có hiệu lực” , do Trung tâm WTO và Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư TP.HCM tổ chức, các diễn giả chia sẻ những lưu ý quan trọng để doanh nghiệp (DN) Việt được hưởng ưu đãi thuế quan và nhanh chóng tiếp cận thị trường EAEU mà chủ yếu là thị trường Nga.

Cần cẩn trọng với cơ chế nhóm T

FTA VN-EAEU có hiệu lực từ 5/10/2016, tháo bỏ những khó khăn cho các DN Việt Nam như bị áp thuế cao và quy định pháp lý phức tạp khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Đây là một thị trường đông dân, nhu cầu tăng cao, đặc biệt là với các mặt hàng nông sản, thủy sản.

Cánh cửa tiếp cận thị trường đã được mở rộng hơn, cụ thể thủy sản Việt Nam thắng lớn trong ký kết khi được mở cửa có lộ trình đối với 95% tổng số dòng thuế, trong đó 71% được xóa bỏ thuế hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 100% kim ngạch xuất khẩu trung bình 3 năm từ 2010-2012 của Việt Nam.

Ngành nông sản được giảm thuế về 0% ngay đối với hạt điều, hạt tiêu, chè nguyên liệu và cà phê nguyên liệu (chưa rang); mặt hàng rau củ quả được cắt giảm theo lộ trình 10 năm. Tuy nhiên, mặt hàng gạo được xếp vào loại nhạy cảm và có hạn ngạch 10.000 tấn/năm.

Đối với mặt hàng dệt may, 82% tổng số dòng thuế được cắt giảm, trong đó có 42% xóa bỏ hoàn toàn có lộ trình tối đa 10 năm, 36% xóa bỏ hoàn toàn ngay sau khi FTA có hiệu lực. Dù Việt Nam có lợi thế trong ngành này nhưng thị phần vẫn còn rất nhỏ khi EAEU nhập khẩu 17 tỷ USD/năm thì Việt Nam chỉ xuất được 136 triệu USD/năm vào thị trường này. Một số mặt hàng khác được cắt – giảm thuế là: giày dép túi xách 73% dòng thuế nhưng cần phải đáp ứng yêu cầu về mô tả hàng hóa trên C/O, đồ gỗ là 76%, nhựa – cao su là 100%.

Ông Trần Việt Phương – Phó trưởng phòng Nga-SNG, Vụ thị trường Châu Âu, Bộ Công Thương lưu ý: ở FTA VN-EAEU có điểm đặc biệt chưa từng có ở các FTA khác đó là áp dụng cơ chế “Nhóm T” đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam. Bản chất, thị trường EAEU vẫn mở cửa cho DN Việt nhưng dành bảo lưu đóng cửa trong trường hợp nhập khẩu tăng quá nhanh. Cơ chế này áp dụng đối với những mặt hàng là lợi thế của Việt Nam lẫn EAEU. Ví dụ, EAEU áp dụng bảo hộ đối với đồ mùa đông và một số mặt hàng khác cho các DN nội địa. Vì thế, DN Việt Nam cần nắm bắt danh mục các sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan để có cách tiếp cận hợp lý với thị trường.

Theo đó, EAEU đặt ra ngưỡng nhập khẩu cho các mặt hàng từ Việt Nam, dựa theo mức trung bình trong năm 2013-2015. Nếu nhập khẩu đạt mức ngưỡng, EAEU sẽ điều tra, thu thập số liệu để xem xét việc nhập khẩu từ Việt Nam có ảnh hưởng đến thị trường nội địa không. Nếu có, DN sẽ bị áp mức thuế hiện hành, không được hưởng ưu đãi thuế quan. Ông Phương lưu ý DN cần quan tâm đến mức ngưỡng này để có phòng vệ trong kinh doanh đồng thời các cơ quan chức năng có trách nhiệm theo dõi và thông báo kịp thời cho các DN nếu nhận được thông báo vượt ngưỡng nhập khẩu từ EAEU. DN cần tra phụ lục của FTA này để biết thêm các mặt hàng cụ thể được áp dụng cơ chế thuế như thế nào.

Về phía Việt Nam cũng sẽ mở cửa cho các mặt hàng từ EAEU như cắt giảm 16.000 dòng thuế (tương đương 90% số dòng thuế - 90% kim ngạch xuất khẩu), cùng 12% dòng thuế không cam kết mở cửa thị trường. Trong đó, Việt Nam áp dụng lộ trình ngắn đối với các sản phẩm trong nước có thế mạnh xuất khẩu hoặc cho các sản phẩm Việt Nam đã xóa bỏ thuế nhập khẩu cho các đối tác trong các FTA khác. Lộ trình dài hơn 10 năm đối với các sản phẩm nhạy cảm cần có thời gian chuẩn bị và gia tăng khả năng cạnh tranh.

Trả lời câu hỏi liệu các DN Việt có nên lo lắng bị mất thị phần bởi sự tấn công của EAEU không, ông Trần Việt Phương cho biết, các cơ quan quản lý đã có sự tính toán nhằm hỗ trợ DN Việt trong quá trình hội nhập bằng cách cắt giảm thuế quan có lộ trình, chọn những ngành hàng là thế mạnh của DN nội địa, quy định thành lập công ty liên doanh Nga – Việt, chuyển giao công nghệ… Vì thế, DN cần tra phụ lục của FTA này để biết thêm các mặt hàng cụ thể được áp dụng cơ chế thuế như thế nào, lộ trình thực hiện, nắm bắt và phát huy thế mạnh của mình mà không nên quá lo lắng.

Thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Nga

Tiến sĩ Trần Đức Hạnh, chuyên viên nghiên cứu thị trường cho biết, DN có thể sử dụng công cụ phân tích thị trường trực tuyến qua cổng thông tin của ITC: www.intracen.org để có cơ sở dữ liệu về thương mại, hàng hóa dịch vụ theo năm, quý, tháng của các quốc gia, lãnh thổ.

Ví dụ, từ công cụ phân tích cho thấy trong năm 2015, Việt Nam xuất vào thị trường Nga hơn 2.500 triệu USD, chiếm 1,1% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, đứng thứ 21 trong số các quốc gia nhập khẩu vào Nga. Từ các yếu tố như nhu cầu nước nhập khẩu, khả năng xuất khẩu, năng lực cạnh tranh, hàng rào thuế quan và phi thuế quan, các chính sách ngoại thương hai nước, DN xác định lợi thế và tiềm năng các mặt hàng Việt Nam vào thị trường Nga.

Ví dụ, những ngành hàng như mây tre lá, rơm… là những mặt hàng Nga nhập siêu nhưng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thì đó là tiềm năng của Việt Nam và cần đẩy mạnh khai thác. Tiến sĩ Trần Đức Hạnh cũng chỉ ra những thách thức khi tiếp cận thị trường Nga như: vấn đề về thanh toán, khoảng cách vận chuyển, tập quán văn hóa kinh doanh, ngôn ngữ, vấn đề thông tin công khai – minh bạch, năng lực của DN Việt Nam.

Đáp ứng quy tắc xuất xứ là cách duy nhất để DN được hưởng ưu đãi thuế

Bà Bùi Kim Thùy – Phó trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh Việt Nam đang có lợi thế lớn khi FTA VN- EAEU có hiệu lực vì là nước đầu tiên ký kết hiệp định thương mại với khối liên minh này. Do đó, các DN cần nhanh chóng tận dụng lợi thế cạnh tranh duy nhất, tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu vào Nga. Theo bà Kim Thùy, cách duy nhất để DN được hưởng ưu đãi thuế quan từ FTA là phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Lộ trình để được hưởng lợi từ FTA bao gồm: DN xác định mã số HS, đáp ứng quy tác xuất xứ, có C/O ưu đãi (căn cứ pháp lý quan trọng nhất chứng minh quốc tịch của hàng hóa), hưởng ưu đãi thuế, kích thích việc tìm kiếm nguyên phụ liệu và sản xuất tại các nền kinh tế thành viên FTA.

>>Ưu đãi thuế quan cho hàng Việt xuất khẩu sang EU

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FTA VN-EAEU: Doanh nghiệp làm gì để được hưởng ưu đãi thuế quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO