Đường Trường Sơn - Những con số

THANH KHÊ| 13/05/2009 05:40

Cách đây 50 năm, vào ngày 19/5/1959, được lệnh của Bộ Chính trị, 500 chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn”, mở thông đường ra tiền tuyến lớn. Những ngày đầu thật gian khổ, mọi hoạt động phải tuân thủ kỷ luật: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”!

Đường Trường Sơn - Những con số

Cách đây 50 năm, vào ngày 19/5/1959, được lệnh của Bộ Chính trị, 500 chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn”, mở thông đường ra tiền tuyến lớn. Những ngày đầu thật gian khổ, mọi hoạt động phải tuân thủ kỷ luật: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”!

Thượng tá Võ Bẩm là người đầu tiên được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ tổ chức con đường chiến lược trọng yếu này. (Ông Võ Bẩm sinh năm 1915 tại Quảng Ngãi, mất tháng 7/2008 tại Hà Nội với cấp bậc Thiếu tướng). Trong hồi ký của mình, Thiếu tướng Võ Bẩm nhớ lại lời dặn của Bác Hồ trước lúc các chiến sĩ đi mở đường Trường Sơn: Bí mật, bí mật và bí mật. Sống để dạ, chết mang theo. Khi nào thống nhất nước nhà, nếu ai còn sống sót thì làm thơ, viết sách nói lại, kể lại cho mọi người biết, cho con cháu đời sau thấy rõ, để chúng tự hào về cha ông”.

Con đường được mang tên “Đường Trường Sơn” và một tên khác “Đường 559” (vì bắt đầu được mở tháng 5/1959), có điểm mở đầu ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Sáu năm sau, máy bay trinh thám của Mỹ phát hiện giữa đại ngàn có dấu hiệu một con đường chiến lược của Việt Cộng. Hãng Reuters gọi là “The Hochiminh Trail Supply- System” (đường Hồ Chí Minh).

Đại tá Đồng Sỹ Nguyên (sinh năm 1923 tại Quảng Bình), là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn từ 1967-1975. Năm 1974, ông được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Tính đến 30/4/1975, đường Trường Sơn hoạt động 6.000 ngày đêm gồm 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường chống Mỹ có tổng chiều dài 20.000km đường ô tô, 1.445km đường ống xăng dầu (nếu tính từ biên giới Việt - Trung đến Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước thì đường ống xăng dầu dài khoảng 5.000km), 3.140km đường kín cho xe chạy ban ngày, hàng ngàn cầu, ngầm bắc qua hàng trăm dòng sông, suối. Mở đường Trường Sơn, mặt trận cầu đường đã huy động trên 1,6 triệu ngày công lao động trực tiếp, hơn 13.000 kíp máy, 200.000 chuyến xe ben, 2.600 tấn thuốc nổ, 300.000 tấn sắt thép, 150.000 tấn xi măng. Đường dây thông tin có tổng chiều dài một đôi dây đủ vòng quanh đường xích đạo trái đất.

Để mở đường, bảo vệ, sửa chữa đường trong ngần ấy năm, đã có hơn 120.000 người bám trụ giữa Trường Sơn, bắt đầu từ tỉnh Quảng Bình vào đến Tây Ninh, tỉnh Bình Phước.

Chỉ tính 7 năm, từ 1965-1972, đế quốc Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chiếc máy bay đánh phá khoảng 152.000 trận, ném xuống các tuyến đường Trường Sơn khoảng 4 triệu tấn bom, đạn. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến đã hy sinh, hơn 30.000 người bị thương, 14.500 xe các loại, hơn 700 khẩu pháo bị hư hỏng, hơn 90.000 tấn hàng hoá bị đánh cháy. Trong 16 năm (1959-1975), các lực lượng hậu cần Trường Sơn đã chuyển được hơn một triệu tấn hàng gồm vũ khí, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm từ miền Bắc vào phục vụ tiền tuyến miền Nam; vận chuyển 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường và trở ra Bắc.

Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa rõ mình với bao tên núi, tên sông gắn liền với biết bao chiến công oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đường Trường Sơn - Những con số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO