Doanh nhân Việt Nam và khát vọng hùng cường

Mỹ Hạnh| 12/10/2019 06:00

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế. Trên mặt trận kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ công. Đó là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao đổi với Báo Doanh Nhân Sài Gòn.

Doanh nhân Việt Nam và khát vọng hùng cường

* Ngày Doanh Nhân Việt Nam năm nay là tròn 15 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ông đánh giá thế nào sự phát triển của đội ngũ doanh nhân cả nước 15 năm qua?

- Hành trình 15 năm và xa hơn là hơn ba thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đội ngũ doanh nhân Việt Nam - những người lính thời bình - đã có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc đưa hàng chục triệu người thoát khỏi nghèo đói, và hôm nay, đang đứng trước sứ mệnh xây dựng đất nước mạnh giàu, sánh vai các cường quốc năm châu. Trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp (DN), doanh nhân là lực lượng chủ công.

Sau 1/3 thế kỷ đổi mới, chúng ta đã có một đội ngũ DN, doanh nhân đông đảo. Đó không chỉ là trên 700.000 DN theo Luật Doanh nghiệp mà còn bao gồm cả trên 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký). Xét về bản chất kinh tế, đó là những thực thể kinh doanh trong nền kinh tế, là DN theo quan niệm phổ biến của các nền kinh tế thị trường.

Link bài viết

Nếu từ góc nhìn như vậy, chúng ta có thể thấy rằng: Xét về số lượng DN trên đầu dân, chúng ta không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Nhưng điều đáng nói là về chất lượng: Chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN. Chúng ta đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số đó còn quá ít ỏi. Chúng ta có những doanh nhân riêng lẻ có sức cạnh tranh cao nhưng chưa có được cả một thế hệ DN, doanh nhân hùng mạnh, đặc biệt các DN Việt khó kết nối với nhau và các chuỗi giá trị toàn cầu. Kết quả xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị của ASEAN của các DN niêm yết - bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế - chúng ta xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN. Năng lực DN theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới, chúng ta cũng mới chỉ được xếp ở hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động chúng ta cũng chưa cao so với các nước trong khu vực.

Vì vậy, nâng cấp DN đang trở thành yêu cầu bức thiết ở Việt Nam. Các định hướng và nỗ lực của chương trình quốc gia phát triển DN do vậy không chỉ tập trung vào số lượng DN mà quan trọng hơn, là phải tập trung vào nâng cao chất lượng của các DN. Chiến lược phát triển của DN phải xem phát triển bền vững là nền tảng, và chuyển đổi số là động lực. Không ai đứng ngoài cuộc cách mạng này, bất kể là DN quy mô lớn hay vừa, nhỏ và siêu nhỏ. DN nhỏ mà kinh doanh bền vững sẽ thành công, DN lớn mà ăn xổi, ở thì sẽ thất bại.

* Đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại với các nước trên thế giới và khu vực. Ông nhận xét kinh tế Việt Nam đạt được gì khi tham gia các Hiệp định thương mại này?

- Đến nay, Việt Nam đã ký 13 hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới rất quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp, sự xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa đơn phương đã và đang trực tiếp đe dọa đến năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh và khả năng thâm nhập thị trường của sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, việc ký kết các FTA được đánh giá sẽ góp phần tăng cường nền tảng cho hội nhập của Việt Nam.

Những FTA được ký kết thực sự là những cơ hội quý giá. Không chỉ là mở cửa thị trường hàng hóa, chúng ta cũng kỳ vọng nhiều vào cơ hội hoàn thiện thể chế từ các FTA này. Các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực, đồng thời là áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh.

* Ông suy nghĩ gì về sự sẵn sàng, đáp ứng các yêu cầu, điều kiện thực hiện các FTA của cộng đồng doanh nhân, DN cả nước?

- DN Việt Nam có lý do để mừng rỡ khi mỗi FTA được ký kết. Nhưng không thể không lo lắng về nguy cơ các cơ hội này có thể không trở thành hiện thực. Bài học từ việc thực hiện 10 FTA đang cho thấy rất rõ điều này. Các FTA từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% (chủ yếu thuộc về các FDI). Hơn 60% còn lại, vì nhiều lý do khác nhau, đã “tuột” khỏi tay DN Việt Nam.

Điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 mà VCCI tiến hành cho thấy, tỷ lệ DN Việt Nam có mức độ hiểu biết về các FTA nói chung còn rất hạn chế. Có đến 63% DN dân doanh không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Với CPTPP và EVFTA, con số này (lần lượt) lên tới 71% và 77%. Rõ ràng là rất khó để các DN Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế, khi mà họ chưa nắm được thông tin gì về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực đàm phán trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên sân nhà lại ngày một gia tăng khốc liệt hơn khi quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế đang diễn ra nhanh chóng.

Đây sẽ là vấn đề rất thiệt thòi cho các DN nếu để mất cơ hội mà các FTA mang lại chỉ vì thiếu tìm hiểu thông tin. Đơn cử, trong lĩnh vực nông sản xuất khẩu, cà phê là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, thế nhưng cho đến thời điểm này, nhiều DN ngành cà phê vẫn còn rất mơ hồ, thậm chí không biết khi nào mình sẽ được hưởng mức thuế 0% hoặc nếu được hưởng sẽ trong thời gian bao lâu. Yếu tố quan trọng nhất hiện nay là các DN phải chủ động tìm hiểu thông tin cụ thể về các FTA thế hệ mới. Đơn cử riêng với EVFTA, khi nắm rõ và hiểu về hiệp định, về thị trường châu Âu, DN sẽ có cơ sở để lên kế hoạch, chiến lược kinh doanh, cơ cấu lại sản phẩm, đầu tư công nghệ, tìm kiếm đối tác và thị trường mới, từng bước thâm nhập và cạnh tranh được ngay tại sân nhà và gia tăng xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

* Ông có lời gửi gắm gì đối với cộng đồng doanh nhân cả nước nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay?

- Chúng ta hy vọng Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ hai, tạo hệ sinh thái cho sự bừng nở của lứa doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo. Từ tầm nhìn Việt Nam hùng cường đến năm 2045, hôm nay, chúng ta sẽ xây dựng cùng với nhau diện mạo của đội ngũ doanh nhân Việt cho chặng đường 25 năm tới, khuyến nghị chính sách và hành trang cần có của các doanh nhân. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang nghe “Tổ quốc gọi tên mình”, mỗi doanh nhân hãy góp phần làm giàu cho đất nước, không chỉ bằng lòng với “giấc mơ nho nhỏ” riêng cho gia đình mình và DN mình. “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng” (theo cách nói của Bác Hồ) phải là mục tiêu, là đích đến của mỗi doanh nhân.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Việt Nam và khát vọng hùng cường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO