Hướng đến 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 -13/10/2019): Một đội ngũ - một tầm nhìn

Phương Hà| 07/10/2019 01:43

Vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng được xã hội ghi nhận và đang trở thành động lực xây dựng nền kinh tế đất nước. Nhiều năm qua, hầu hết địa phương trong cả nước đều lấy ngày 13/10 để hướng về doanh nhân, động viên doanh giới làm ra ngày càng nhiều của cải cho mình và cho Tổ quốc.

Hướng đến 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 -13/10/2019): Một đội ngũ - một tầm nhìn

Sau ba năm rưỡi xuất bản ổn định Doanh Nhân Sài GònDoanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần, đầu tháng 4/2004, Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền họp với những cán bộ chủ chốt của Báo, nêu ra ý tưởng chọn một ngày để tôn vinh những người kinh doanh giỏi và vì cộng đồng. Ngay sau đó, Ban biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn gửi công văn trực tiếp đến Thủ tướng Phan Văn Khải, đến lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị lấy ngày 13/10 - là ngày mà năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương, nhấn mạnh vai trò to lớn của công thương gia trong công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc - làm Ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm.

Bắt đầu từ số báo 38 ra ngày 14/4/2004, Doanh Nhân Sài Gòn đăng đề xuất ấy cùng với rất nhiều ý kiến đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, ngày 7/5/2004, Báo nhận được bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó Đại tướng viết: “Doanh nhân - người đứng đầu và là “nhạc trưởng” doanh nghiệp phải có ý chí vươn lên theo tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn, tiếp cận những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến”, và “Để phát huy truyền thống doanh nhân Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, tự cường, thông minh, sáng tạo, tinh thần nhân ái, thương dân, nên có Ngày Doanh nhân Việt Nam và Giải thưởng Doanh nhân Việt Nam làm ngày truyền thống hằng năm, trao cho những doanh nhân tiêu biểu không chỉ giỏi sản xuất, kinh doanh, làm giàu mà còn đóng góp tích cực vào cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...”.

Từ những hồi âm rất nhiệt thành đó, ngày 26/7/2004, TS. Phạm Hảo Hớn - Chủ tịch HUBA, đại diện doanh giới cả nước gửi công văn đề xuất lên Quốc hội và Chính phủ lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam và đã được Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định công nhận (Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 19/9/2004).

Trang bìa số 64 ra ngày 13/10/2004, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã đăng mẫu thiệp chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (BUSINESSMAN’S DAY) đầu tiên với dòng chữ Kính chúc toàn thể doanh giới và quý quyến Buôn may bán đắt, Phúc lộc tràn trề, Hanh thông thương trường, Rỡ ràng thương hiệu.

Nên nhớ là trước khi có Báo Doanh Nhân Sài Gòn, các loại từ điển tiếng Việt không có từ “doanh nhân” để thấy rằng để có một ngày tôn vinh doanh giới và lời chúc như trên là cả một quá trình xây dựng “ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết.

Ngày 13/10/2019, tròn 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, những người làm Báo Doanh Nhân Sài Gòn và những doanh nhân thế hệ đầu tiên kể từ khi đất nước bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường không khỏi bồi hồi nhớ lại Lễ hội Tôn vinh Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu lần đầu tổ chức vào đêm 13/10/2005. Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu là một danh hiệu tôn vinh những doanh nhân TP.HCM kinh doanh giỏi, có đạo đức, đúng pháp luật và có trách nhiệm với xã hội, với môi trường do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức và được HUBA thông qua, UBND TP.HCM ra quyết định công nhận. 

Từ đó, hằng năm, cho đến năm 2009, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã 5 lần tổ chức bình chọn mỗi năm bình quân 100 doanh nhân và tổ chức Lễ hội Tôn vinh Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu. Từ năm 2010 đến nay, HUBA trực tiếp tổ chức các sự kiện ấy với quy mô ngày càng lớn hơn, thay đổi về tên gọi là Doanh nhân TP.HCM tiêu biểu và thêm ba danh hiệu là Doanh nghiệp TP.HCM tiêu biểu, Doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu (trao danh hiệu cách năm), Doanh nghiệp Phát triển bền vững trên 30 năm (hai năm trao danh hiệu một lần) với hàng ngàn lượt doanh nhân, doanh nghiệp được bình chọn.

“Doanh nhân - người đứng đầu và là “nhạc trưởng” doanh nghiệp phải có ý chí vươn lên theo tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn, tiếp cận những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng được xã hội ghi nhận và đang trở thành động lực xây dựng nền kinh tế đất nước. Ngày Doanh nhân Việt Nam không chỉ được tổ chức ở các thành phố lớn mà mươi năm trở lại đây, các tỉnh, các huyện trong cả nước đều lấy ngày 13/10 để hướng về doanh nhân, động viên doanh giới làm ra ngày càng nhiều của cải cho mình và cho tổ quốc.

Doanh nghiệp là khu vực kinh tế đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đến nay, nước ta có khoảng 730.000 doanh nghiệp, cho dù mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp có thể chưa đạt, nhưng tin chắc rằng con số ấy là “trong tầm tay” chỉ một vài năm sau, bởi tư tưởng làm giàu chân chính vừa riêng, vừa chung ngày càng được Đảng và Nhà nước khơi dậy trong dân chúng.

Ngày Doanh nhân Việt Nam không chỉ là ngày vui mà qua đó, đội ngũ doanh nhân càng thấy trọng trách trong việc đổi mới quản trị, ứng dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số, người máy, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, kinh doanh để phát triển doanh nghiệp bền vững.

Ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm còn là ngày kết nối các thế hệ doanh nhân, kết nối doanh nghiệp để mở rộng tình thân ái, mở rộng thị trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hướng đến 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 -13/10/2019): Một đội ngũ - một tầm nhìn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO