Đã khắc họa được nhiều chân dung thương lái

NGUYỄN THANH MINH| 07/09/2010 09:56

Cuộc thi “Vai trò thương lái trong nền kinh tế thị trường” đã khép lại với Đêm hội thương lái tổ chức long trọng và ấm cúng tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8/9/2010. Các tác phẩm dự thi, dù đoạt giải hay không đều đã khắc họa được rất nhiều chân dung thương lái có thể nói là khá tiêu biểu của tầng lớp này.

Đã khắc họa được nhiều chân dung thương lái

Cuộc thi “Vai trò thương lái trong nền kinh tế thị trường” đã khép lại với Đêm hội thương lái tổ chức long trọng và ấm cúng tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8/9/2010. Các tác phẩm dự thi, dù đoạt giải hay không đều đã khắc họa được rất nhiều chân dung thương lái có thể nói là khá tiêu biểu của tầng lớp này.

Thương lái là ai và hiểu thương lái như thế nào, họ khác gì với thương nhân? Câu hỏi ấy đã được Ban biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn đưa ra ngay từ đầu khi quyết định tổ chức Đêm hội thương lái Cuộc thi viết và chụp ảnh với chủ đề “Vai trò thương lái trong nền kinh tế thị trường”, sau khi đã được sự đồng thuận của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương mại và một số cơ quan, ban ngành hữu quan của TP.HCM.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, thương lái là một bộ phận của giới doanh nhân. Qua cứ liệu lịch sử, ông khẳng định: Thương lái là một tầng lớp có lý do để tồn tại theo sự phân công xã hội. Thương lái chính là người đảm đương công việc mua và lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu hằng ngày ngày càng đa dạng của đời sống, từ tư liệu sản xuất đến hàng hóa tiêu dùng. Họ chính là một bộ phận của doanh nhân Việt Nam. Những vấn đề đặt ra với thương lái cũng là những vấn đề đặt ra với thương nhân Việt Nam nói chung.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị đánh giá: “Thương lái như cây đòn gánh, một đầu là "gánh" với nông dân, đầu kia là "gánh" với công ty, mà nếu không qua vai họ thì nông sản không thành hàng hóa".

Nhà báo Trần Hoàng Tuyên so sánh thương lái và thương nhân ngày nay tương đối cụ thể: thương lái mua nguyên liệu, còn người bán hàng tinh chế thì gọi là thương nhân. Thương lái thường tính nhẩm, nhiều lắm là có chiếc máy tính nhỏ, giao dịch đơn giản, còn thương nhân áp dụng công nghệ tiên tiến trong giao dịch.

Thương lái có tinh thần tự lực, mua bán bằng vốn tự có, một số trong họ chính là nhà đầu tư, nhưng chưa được nhìn nhận vai trò nhà đầu tư (mua ghe, mua máy móc, thuê nhân công, ứng vốn cho người sản xuất), trong khi đó, thương nhân, mà nhất là thương nhân từ doanh nghiệp nhà nước, luôn trông chờ được hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Thương lái tự tạo thị trường, chi phí cơ hội của họ rất cao, trong khi thương nhân có vốn nhà nước cấp hoặc được vay ngân hàng, khi khó khăn còn được vay ưu đãi lãi suất, cơ hội thị trường thuận lợi hơn nhiều. Thương lái tự nghĩ cách quản lý, thương nhân biết tranh thủ chuyên gia cùng tìm ý tưởng kinh doanh.

Thương lái tự tìm đối tác liên kết, còn thương nhân dựa vào cơ chế để xác lập đối tác. Thương lái tự chịu rủi ro, còn thương nhân khi rủi ro có thể kêu Nhà nước giúp. Quan hệ xã hội cấp cơ sở của thương lái thì thân thiện vì đó là nền tảng làm ăn, sinh sống của họ, thương nhân chú ý quan hệ ở cấp cao hơn. Thương lái kinh doanh bằng kinh nghiệm, thương nhân vận dụng bằng tri thức và cao kiến. Mong đợi của thương lái là trở thành doanh nhân, nhưng thương nhân thì không muốn ai gọi mình là lái buôn, là thương lái...

Vai trò lớn nhất của thương lái là cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, giữa người sản xuất với người tiêu dùng và góp phần gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Vậy nhưng đã có một thời gian dài, tầng lớp thương lái, hay còn gọi là “đầu nậu”, bị cấm hoạt động, bị gọi một cách miệt thị là “con buôn”, là “bọn phe phẩy”, là “kẻ bóc lột”, hàng hóa của họ bị tịch thu, thậm chí có người còn bị tù tội.

Từ khi nước ta xác định, muốn phát triển và hội nhập với thế giới thì phải chuyển sang nền kinh tế thị trường, những từ ngữ "con buôn", “tư thương” dần dần bớt được dùng để chỉ thương lái, thái độ miệt thị “kẻ trục lợi”, “ép giá”, “tranh mua” cũng được thay bằng sự nhìn nhận công bằng của xã hội về vai trò không thể thiếu của thương lái trong hệ thống phân phối không chỉ đối với nông - thủy sản mà còn với nhiều hàng hóa khác.

Ngoại trừ số ít làm ăn không uy tín, còn hầu hết thương lái tổ chức thu mua của người sản xuất khá tốt. Nhiều thương lái không ngại vào tận đồng sâu, lên đồi cao để thu mua hàng, thậm chí đầu tư vốn cho người sản xuất, điều mà nhiều doanh nghiệp chưa làm được. Không bao biện cho thương lái, nhưng cần tôn trọng và đối xử bình đẳng với họ.

Rất mừng là thời gian qua, tại nhiều hội nghị bàn về tiêu thụ hàng hóa, nhất là tiêu thụ lúa, thương lái đã được nhắc đến một cách trân trọng. Chính lãnh đạo các bộ, chính quyền, sở, ngành địa phương cũng lên tiếng đề nghị không lên án, chỉ trích thương lái, mà hãy nhìn nhận vai trò của họ, khuyến khích họ tính toán lợi nhuận hợp lý để chia sẻ với nông dân. Song bù lại, họ cần được hưởng những cơ chế thuận lợi để phát huy sự linh hoạt trong thu mua, lưu thông hàng hóa.

Từ những nhận thức ấy và để góp phần cùng xã hội đánh giá, nhìn nhận tầng lớp thương lái chưa thể thiếu trong nền kinh tế thị trường còn manh mún hiện nay, Báo Doanh Nhân Sài Gòn mở Cuộc thi viết và chụp ảnh với chủ đề "Vai trò thương lái trong nền kinh tế thị trường", mà địa bàn chỉ khuôn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ.

Sau 6 tháng phát động, từ đầu tháng Ba đến cuối tháng 8/2010, Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm tác phẩm, vừa bài, vừa ảnh, video clip của các nhà báo, nhà văn, người viết, người chụp ảnh không chuyên và bạn đọc.

Báo Doanh Nhân Sài Gòn và Doanh Nhân Sài Gòn Online đã đăng tải một số tác phẩm các tác giả dự thi gửi đến và Ban tổ chức cuộc thi đã thành lập Hội đồng chấm giải, chọn ra các tác phẩm tiêu biểu để trao giải đúng theo thể lệ cuộc thi đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Báo Doanh Nhân Sài Gòn cùng Nhà xuất bản Trẻ đã xuất bản tập sách Nhọc nhằn mua mão bán đong, tập hợp những tác phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi. Qua tập sách này, bạn đọc có thể hình dung được toàn cảnh thương lái xưa và nay.

Cuộc thi “Vai trò thương lái trong nền kinh tế thị trường” đã khép lại với Đêm hội thương lái tổ chức long trọng và ấm cúng tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8/9/2010. Các tác phẩm dự thi, dù đoạt giải hay không đều đã khắc họa được rất nhiều chân dung thương lái có thể nói là khá tiêu biểu cho tầng lớp này.

Chúng tôi xin cám ơn các tác giả đã tìm ra những thương lái giỏi, dù rất khó, bởi nhờ các cơ quan nông nghiệp, thương mại địa phương giới thiệu thì chưa chắc các đơn vị này nắm được, người viết, người chụp ảnh phải lặn lội vào đồng sâu, núi cao hỏi nông dân, hỏi giới kinh doanh trong ngành hàng để được gặp họ, gặp được rồi, nhiều thương lái không cho viết về mình, không muốn hình mình lên báo. Thật đáng mừng, chính sự đồng cảm với thương lái đã thôi thúc những người viết viết về họ, những người chụp ảnh phản ảnh trung thực công việc hằng ngày của họ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đã khắc họa được nhiều chân dung thương lái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO