![]() |
Theo Bộ GTVT, sẽ đầu tư xây dựng 11 dự án, với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố. Trong đó có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, hợp đồng BOT. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư sẽ được thực hiện đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Hai tư vấn giao dịch quốc tế là Deloitte và Ernst & Young, đây là các tư vấn hàng đầu thế giới, tham gia hỗ trợ Bộ GTVT rà soát cấu trúc tài chính của dự án, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng...
Tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia là 55 nghìn tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công, hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và góp một phần vốn xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi của các dự án.
Tại Hội nghị, Bộ GTVT, đơn vị tư vấn cung cấp đầy đủ các thông tin dự án cho nhà đầu tư, đồng thời cùng đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tư vấn dự án giải đáp tất cả các câu hỏi được các nhà đầu nêu ra, đồng thời cam kết tạo cơ chế tốt nhất cho nhà đầu tư.
![]() |
Quyết liệt giải phóng mặt bằng cho những dự án cao tốc Bắc- Nam |
Nhà nước cam kết giao mặt bằng sạch
Hiện nay trong 11 dự án, đến 20/5 cơ bản các tư vấn bàn giao mốc GPMB cho địa phương thực hiện. Công tác GPMB đang được triển khai rất quyết liệt. Trả lời câu hỏi của đại diện một số nhà đầu tư lo ngại rủi ro về chậm bàn giao mặt bằng, sự biến động của tỉ giá ngoại tệ, các cơ quan chức năng có giải pháp gì về vấn đề này?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nói: Về GPMB, Nhà nước cam kết giao mặt bằng cơ bản sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Mức giá bồi thường, hỗ trợ GPMB được các địa phương quy định, thực hiện theo luật định.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết: Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua toàn bộ số vốn GPMB dùng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Chính phủ cũng chỉ đạo rất quyết liệt các tỉnh, thành phố có dự án đi qua triển khai đáp ứng kịp thời tiến độ đầu tư dự án. Với sự quyết liệt đó, hi vọng sau khi ký hợp đồng, mặt bằng sẽ được bàn giao đầy đủ cho nhà đầu tư. Đây là một trong những rủi ro đã được Chính phủ nhận diện.
Về bảo lãnh ngoại tệ, hiện nay pháp luật Việt Nam đã ban hành đầy đủ trong việc hướng dẫn các nhà đầu tư đến kinh doanh tại Việt Nam có quyền mua ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép, được chuyển phần lợi nhuận vốn cũng như nguồn thu hợp pháp về nước.
Trong trường hợp các nguồn thu bằng đồng Việt Nam, nhà đầu tư có thể mua ngoại tệ ở các tổ chức tín dụng được phép để chuyển về nước và Chính phủ Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu, chính sách duy trì được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để các nhà đầu tư, DN yên tâm làm ăn tại Việt Nam.
Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện các giải pháp để ổn định cho phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ từng thời kỳ nên các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm về tỷ giá hối đoái và kết quả điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian qua, tỷ giá được duy trì rất ổn định.
Dự án BOT: công khai mức phí, lộ trình tăng phí, thời gian thu phí
8 đoạn cao tốc kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công- tư, BOT:
Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Đối với dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam, lộ trình tăng phí đã được quy định rõ ràng, không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng PPP.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP: Trong quá trình tham gia dự án, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu. Nhà đầu tư có trách nhiệm nghiên cứu kỹ điều kiện giao dịch với ngân hàng. Đây là quan hệ giao dịch dân sự.
Về quản lý nhà nước, chúng tôi thấy có trách nhiệm cần hỗ trợ nhà đầu tư dự án BOT hụt doanh thu, để đảm bảo hiệu quả tài chính, cũng tránh các khoản vay tín dụng thành nợ xấu, ảnh hưởng đến toàn hệ thống tín dụng.
Về cam kết của Chính phủ trong việc các dự án lớn tăng phí theo lộ trình, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài Chính trả lời: Các dự án BOT thời điểm triển khai đã quy định phí và lệ phí theo Thông tư 90 và Thông tư 159 dự kiến 3 năm tăng một lần trong bối cảnh CPI thay đổi.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam lần này, từ ngày 1/1/2018 được điều chỉnh theo Luật Giá. Trong nghị quyết của Quốc hội xác định rõ lộ trình tăng phí tối đa lên 3.400 đồng/xe tiêu chuẩn/km, cam kết của Chính phủ được Quốc hội thông qua. Vấn đề tăng phí của BOT đã được giải quyết.
Cụ thể, Bộ GTVT công bố công khai mức phí, lộ trình tăng phí, thời gian thu phí áp dụng với các dự án BOT cao tốc này. Theo đó, mức phí khởi điểm thấp nhất là 1.500 đồng/km với xe tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ ngồi), và tối đa là 3.400 đồng/km với xe tiêu chuẩn. Mức phí áp dụng ổn định trong thời hạn 3 năm, sau đó sẽ tăng 1 lần. Thời gian thu phí bình quân mỗi dự án khoảng 24 năm.
Giai đoạn 2021- 2023 (khi dự án hoàn thành và bắt đầu thu phí) mức phí nhà đầu tư được thu là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn; giai đoạn 2024- 2026 là 1.700 đồng/km, giai đoạn 2027- 2029 là 1.900 đồng/km;
Giai đoạn 2030- 2032 là 2.100 đồng/km, giai đoạn 2033- 2035 là 2.400 đồng/km, giai đoạn 2036- 2038 là 2.700 đồng/km, giai đoạn 2039- 2041 là 3.000 đồng/km, giai đoạn 2042- 2044 là 3.400 đồng/km.
Với mức phí trên, theo tính toán của Bộ GTVT, mức lợi nhuận của nhà đầu tư khoảng 11,7%. Mức lợi nhuận này được tính toán trên cơ sở lạm phát khoảng 3%/năm, lãi vay ngân hàng khoảng 6,5%/năm.