Cần có luật để quản 30 tỷ USD Nhà nước đầu tư vào kinh doanh

KIM HOA| 11/11/2009 08:30

Còn 25% tập đoàn, tổng công ty nhà nước lỗ hoặc lợi nhuận dưới 5%.

Cần có luật để quản 30 tỷ USD Nhà nước đầu tư vào kinh doanh

Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2010, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,5% so với năm 2009. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2009. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.

Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu tại kỳ họp thứ 6

Lần đầu tiên, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn (TĐ), tổng công ty nhà nước (TCT) được đưa ra thảo thuận tại Quốc hội với nhiều lo ngại về mô hình kinh doanh đặc thù này. So với các loại hình DN khác, TĐ và TCT nhà nước có nhiều lợi thế. Họ đang nắm giữ lượng vốn lên tới 1 triệu 241 nghìn tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nguồn vốn của DN toàn xã hội. Gần 366.000ha đất đang nằm trong tay nhóm DN này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả sử dụng vốn của các TĐ không cao, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2007 chỉ là 3%, và 2008 âm 11% nếu tính tới cả yếu tố trượt giá. Trong khi đó, tỷ lệ nợ vay rất cao, có đơn vị lên đến 21 lần so với vốn chủ sở hữu, nợ quá hạn có trường hợp lên đến 60% tổng dư nợ.

Nguyên nhân được phân tích là do sự phát triển của TĐ và TCT nhà nước thời gian qua đã vượt tầm quản lý của Nhà nước, vượt quá cơ sở pháp luật và vượt khả năng điều hành của chính DN, dẫn đến tình trạng đi lệch hướng so với nhiệm vụ chính, sự lập lờ giữa nghĩa vụ công ích và hiệu quả kinh doanh.

Vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hộ đề nghị sớm có một văn bản quy định rõ về việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại các TĐ, TCT. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh để quản lý, đầu tư vốn nhà nước. Về mặt trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vốn và tài sản tại TĐ, TCT, sẽ được xác định rõ theo nguyên tắc một đầu mối chịu trách nhiệm chính. Đại biểu cũng đề nghị phải rà soát lại từng người đứng đầu các TĐ và các TCT. Vị đại biểu này cho rằng, cần phân định rõ trách nhiệm để tránh tình trạng mập mờ người đứng đầu vừa là nhà chính trị, vừa làm kinh doanh, hoặc vừa là nhà chính trị vừa là nhà thương mại, vừa là nhà xã hội...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần có luật để quản 30 tỷ USD Nhà nước đầu tư vào kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO