3 trở lực thách thức mục tiêu tăng trưởng kinh tế TP.HCM

Hồng Nga| 10/03/2023 06:00

Vấn đề lớn hiện nay đối với kinh tế của Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng là phục hồi của thị trường bất động sản, thị trường tài chính và các vấn đề về lãi suất ngân hàng.

3 trở lực thách thức mục tiêu tăng trưởng kinh tế TP.HCM

Hai tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội TP.HCM thu được những kết quả tích cực, tuy nhiên để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, có rất nhiều việc thành phố cần phải làm ngay từ bây giờ.

TP.HCM chọn chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu cụ thể như tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5-8%, khu vực dịch vụ chiếm trên 60% GRDP... Mục tiêu tăng trưởng này có thể đạt được dù còn nhiều thách thức. Bởi TP.HCM luôn phát huy vai trò đầu tàu, không chỉ trong giai đoạn khó khăn mà trước nay luôn thế.

Chia sẻ tại một hội nghị hồi cuối tháng 2/2023, TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, có nhiều điều kiện để kinh tế Việt Nam phát triển. Trong đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu tháng 1/2023, kinh tế nhiều nước phục hồi nhanh hơn, lạm phát giảm nhanh hơn dự báo, việc đẩy mạnh đầu tư công giai đoạn 2022-2023 tạo nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và DN TP.HCM nói riêng. Ngay trong tháng 1/2023, chỉ số PMI đã bắt đầu phục hồi dần so với tháng trước, nhiều DN trong ngành dệt may, điện tử, gỗ đã có đơn hàng cho quý III/2023.

Bên cạnh cơ hội, theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá chịu sức ép tăng, giải ngân đầu tư công chưa có đột phá; DN còn nhiều khó khăn như nguồn vốn, nhân sự, rủi ro về trái phiếu, nhất là DN bất động sản, cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa.
Với vai trò là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam, sự phục hồi và phát triển của TP.HCM đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước.

Link bài viết

Trong năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 1,3-1,5 lần so với mức bình quân của cả nước. Để làm được điều này, thành phố cần thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN, rà soát giãn, hoãn thuế cho DN song song với việc đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm. Bên cạnh đó, phải có giải pháp hỗ trợ, tiết kiệm chi phí, cải cách quy trình, thủ tục trong quản lý nhà nước về hoạt động kinh tế. Việc này cần làm song song với việc cải thiện minh bạch thị trường, tránh các trường hợp tiêu cực như đã xảy ra trong năm 2022 ở thị trường bất động sản, trái phiếu DN và chứng khoán.

Cải thiện việc liên thông dữ liệu giữa các bên liên quan, từ đó quản trị rủi ro và ra quyết định dựa trên dữ liệu. Đây là điều kiện quan trọng, là nền tảng để nâng cấp quản trị song hành với việc tăng tốc phát triển kinh tế số. Càng cần có chính sách cụ thể kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ DN nhỏ và vừa, thúc đẩy chuyển đổi số, hỗ trợ chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái, xúc tiến đầu tư trực tiếp, tháo gỡ khó khăn vẫn còn tồn tại đối với DN FDI...

TS. Trần Du Lịch cho rằng, việc hạn chế đà suy giảm, giữ vững tăng trưởng kinh tế phải là mục tiêu then chốt trong năm 2023 của TP.HCM. Bởi trong bối cảnh hiện tại, kinh tế của thế giới đã “sáng sủa hơn” so với dự báo cuối năm ngoái. Vấn đề lớn hiện nay đối với kinh tế của Việt Nam là phục hồi của thị trường bất động sản, thị trường tài chính và các vấn đề về lãi suất ngân hàng. Đó là những thách thức rất lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% của cả nước và từ 7,5-8% của TP.HCM.

Trong điều kiện lạm phát trên 4% và lãi suất cao như hiện tại có thể làm thui chột mọi nỗ lực trong đầu tư phát triển, do đó TP.HCM cần tìm kiếm dư địa để phát triển, cố gắng giữ tốc độ tăng trưởng như kế hoạch. Thành phố cần tập trung sản xuất, kinh doanh để kết quả của 6 tháng cuối năm sẽ bù đắp tăng  trưởng không cao trong 6 tháng đầu năm. Muốn vậy, UBND TP.HCM cần giao Viện Nghiên cứu phát triển, Cục Thống kê, Sở Công Thương, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tập trung đánh giá cụ thể ngành công nghiệp, dịch vụ có đóng góp nhiều nhất cho thành phố, từ đó đề ra các biện pháp thúc đẩy thương mại, tài chính, bất động sản, du lịch, logistics, xây dựng.

Trong công tác điều hành, UBND TP.HCM cần công bố các công trình chậm trễ thủ tục khởi công, nguyên nhân chậm trễ để tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân, DN.

Ngoài sự nỗ lực của chính quyền thành phố, các chuyên gia  cho rằng cần có sự chung tay của DN. DN thành phố phải thích ứng linh hoạt bằng cách tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, quản lý rủi ro tài chính, minh  bạch dòng tiền trong kinh doanh, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Trong nhiều hội nghị bàn về phát triển TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi luôn khẳng định, để triển khai các mục tiêu của năm, ngoài nguồn lực nội tại, thành phố rất cần sự đồng hành của các cơ quan lãnh sự, các tổ chức quốc tế, hiệp hội DN nước ngoài trong việc xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh, trung tâm kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực, bởi TP.HCM xác định sẽ phát triển xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, là điểm đến thân thiện của bạn bè quốc tế, là địa phương có nhiều điều kiện, tiềm năng để DN, các nhà đầu tư và cộng đồng người nước ngoài làm việc, sinh sống ổn định, lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 trở lực thách thức mục tiêu tăng trưởng kinh tế TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO