Quy mô thị trường Cloud ở Việt Nam sẽ đạt mức 1 tỷ USD vào năm 2025

HT| 09/03/2023 06:00

Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường mới nổi trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu (Data Center) và điện toán đám mây (Cloud) với tốc độ tăng trưởng trung bình 20-30%/năm trong giai đoạn 2020-2026.

Quy mô thị trường Cloud ở Việt Nam sẽ đạt mức 1 tỷ USD vào năm 2025

Thị trường Việt Nam hiện có hơn 40 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây, bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Microsoft, Amazon, các doanh nghiệp trong nước như Viettel, VNPT, CMC, FPT… và một số doanh nghiệp nhỏ.

Cùng với sự chuyển dịch của công nghệ, xu hướng sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời kỳ qua. Theo Hypercycle of Future Market Insights, từ nay đến năm 2031, thế giới mới ở “giai đoạn chín muồi” và khu vực châu Á - Thái Bình Dương APAC mới chỉ ở “giai đoạn phát triển”.

Theo phân tích của Frost & Sullivan, năm 2023 thị trường này tại khu vực APAC sẽ tăng trưởng 30%, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Chuyển đổi số lĩnh vực tài chính hàng hóa, viễn thông, công nghệ ngân hàng thông tin, bán lẻ và tiêu dùng, nội dung số ngày càng tăng cường sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, tối ưu hóa hóa quy trình làm việc, gia tăng trải nghiệm khách hàng…

Đám mây là khoảng không gian cơ hội rất mở rộng và hiện tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Hiện nay, quy mô thị trường Cloud ở Việt Nam đạt khoảng hơn 400 triệu USD nhưng dự báo đến năm 2025, sẽ đạt mức 1 tỷ USD. Đây là một dư địa tăng trưởng rất lớn cho các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ cloud.

Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường mới nổi trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trung bình 20-30%/ năm trong giai đoạn 2020-2026. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ làm chủ được khoảng 20% thị phần, 80% thị phần còn lại đang thuộc về các Big Tech.

Do đó, để định hướng phát triển hạ tầng nền tảng kinh tế số, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 100% các cơ quan sử dụng điện toán đám mây, trong đó 70% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.

Theo đánh giá, các nhà cung cấp dịch vụ Cloud trong nước đã đáp ứng tốt hạ tầng lưu trữ, sao lưu dự phòng phục vụ nhu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp không ít thách thức, đặc biệt là cạnh tranh về thương hiệu và hệ sinh thái sản phẩm. Đây là một thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Cloud trong thời gian tới để có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Phát triển hạ tầng số mà trọng tâm là hạ tầng viễn thông băng rộng, phát triển các nền tảng hạ tầng điện toán đám mây là mục tiêu được xác định và đặt ra trong nhiều chương trình, đề án, chiến lược của Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.

Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm dữ liệu, là tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, bảo vệ dữ liệu cá nhân, là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ, bảo mật dữ liệu… Các chuyên gia cho rằng, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thay vì tự đầu tư, vận hành các trung tâm dữ liệu nhỏ thì hãy chuyển sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây với chi phí hợp lý, tối ưu, đảm bảo an toàn an ninh mạng…

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có nhu cầu cũng nên nghiên cứu, lựa chọn các đơn vị cung cấp các dịch vụ Cloud Việt Nam cung cấp, để đáp ứng yêu cầu, bảo vệ an toàn dữ liệu và chủ quyền số , thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp số Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quy mô thị trường Cloud ở Việt Nam sẽ đạt mức 1 tỷ USD vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO