Mạng 5G có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu

HT| 01/03/2023 07:00

Tính đến hết năm 2022, đã có hơn 1 tỷ thuê bao di động trên toàn cầu kết nối mạng 5G, mở ra tiềm năng thay thế mô hình Internet cố định tại gia đình hiện nay nhờ hiệu quả cao hơn.

Mạng 5G có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu

Mạng 5G ra đời để kế thừa 4G, nhờ đó mà tốc độ tải xuống nhanh hơn, truyền phát dữ liệu mượt mà hơn. Và nhiều hơn thế nữa, 5G không chỉ về tốc độ mà sẽ mở ra những ứng dụng hoàn mới, tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong các năm tiếp theo.

5G cũng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành ICT (công nghệ thông tin và truyền thông). Các nhà mạng cũng cần liên tục đổi mới để mở rộng nhiều giải pháp, ứng dụng để tận dụng kết nối tốc độ cao này. Hàng loạt nhà mạng hàng đầu trên thế giới đã tích cực phát triển các loại dịch vụ số khác nhau. Một số nhà mạng kết nối với dịch vụ OTT địa phương, mở ra những thị trường có doanh thu tốt. Các sản phẩm mới kết hợp với những dịch vụ số khác như mạng xã hội, giúp nhà mạng trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ số trọn gói.

Trong tương lai, từ giải trí cá nhân, công việc hay sản xuất công nghiệp đều được kết nối thông minh. Khi đó, tốc độ mạng hiện hữu phát triển lên tốc độ 10Gbps phổ biến của 5G, nhiều tỷ kết nối và cảm biến được tích hợp gây sức ép về tiêu thụ năng lượng, bảo vệ môi trường.

Các nhà cung cấp thiết bị viễn thông khẳng định đã có hơn 1 tỷ thuê bao di động trên toàn cầu kết nối với 5G, tính đến hết năm 2022. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với thuê bao 4G ở mức khoảng 5 tỷ thuê bao vào năm 2022. Tuy nhiên, lượng thuê bao 4G được cho đã đạt đỉnh vào cuối năm 2022 và 5G đang dần thay thế như là tiêu chuẩn kết nối phổ thông trên toàn cầu.

Theo dự báo, đến cuối năm 2028 sẽ có 5 tỷ thuê bao 5G trên toàn cầu, chiếm 55% tổng số thuê bao. Trong cùng khung thời gian đó, phạm vi phủ sóng 5G dự kiến sẽ đạt 85% trong khi mạng 5G dự kiến sẽ chiếm khoảng 70% lưu lượng truy cập di động và chiếm toàn bộ mức tăng trưởng lưu lượng truy cập hiện tại.

Theo nghiên cứu của IHS Markit (Anh), công nghệ 5G sẽ có những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, dự báo công nghệ này tạo ra khoảng 13,1 nghìn tỷ USD và cung cấp hơn 22,3 triệu việc làm mới vào năm 2035. Với tốc độ tối đa lý tưởng nhanh hơn gấp 100 lần 4G, mạng 5G được kỳ vọng mang đến cho người dùng trải nghiệm học tập, mua sắm và làm việc trực tuyến nhanh nhất.

Mục tiêu phát triển 5G không chỉ là nâng cao năng lực băng thông rộng của các mạng di động, mà còn cung cấp kết nối vô tuyến chất lượng cao phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất với các dây chuyền tự động hóa và điều khiển bằng robot.

Các doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ 5G công nghiệp để theo dõi hàng hóa và vật liệu trong suốt quá trình sản xuất, đồng thời mô phỏng quy trình hoạt động của nhà máy; sử dụng để giao tiếp M2M (Machine-to-Machine) theo thời gian thực, các ứng dụng thực tế tăng cường cũng như giám sát sản phẩm và dữ liệu tài sản. Mạng 5G hoàn toàn có khả năng tạo ra giá trị kinh tế - xã hội. Đồng thời, tác động của công nghệ 5G sẽ rất lớn đối với các ngành công nghiệp, dịch vụ.

5 ngành công nghiệp hàng đầu dự kiến thu được lợi nhuận lớn nhất nhờ vào công nghệ 5G: Sản xuất, chế tạo máy móc, thiết bị (4.771 tỷ USD); thông tin và truyền thông (1.493 tỷ USD); phân phối thương mại (1.144 tỷ USD); các dịch vụ công cộng (961 tỷ USD) và xây dựng (730 tỷ USD). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mạng 5G có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO