Ukraine ở ngã ba đường

LAM HỒNG| 25/02/2014 00:30

Có nhiều lý do địa chính trị khiến Nga không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại nước láng giềng Ukraine.

Ukraine ở ngã ba đường

Có nhiều lý do địa chính trị khiến Nga không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại nước láng giềng Ukraine.

> Ukraine giằng xé giữa EU và Nga
> Ukraine chưa nguôi sóng gió

Hơn một tuần qua, đợt bạo lực "tồi tệ nhất châu Âu kể từ cuộc chiến Balkans" đã diễn ra tại Kiev, Ukraine. Hàng ngàn người biểu tình tiếp tục trụ lại trung tâm thủ đô, bất chấp thỏa thuận vừa được ký kết giữa chính phủ và các lãnh đạo phe đối lập nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị cướp đi tính mạng hàng chục người. Thỏa thuận sơ bộ được ký hôm 21/2 giữa Tổng thống Viktor Yanukovych và phe đối lập đề ra việc thành lập một chính phủ liên minh và tổ chức bầu cử tổng thống dự kiến tổ chức vào tháng 5.

Với tình hình bạo động gia tăng trong những ngày qua, theo nhận định của Viện Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế, Ukraine ngày càng có nguy cơ rơi vào "nội chiến" và "chia rẽ làm hai quốc gia". Bởi vì, Quốc hội Ukraina đã thông qua nghị quyết về việc truất phế ông Yanukovych và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn ngày 25/5 tới.

Tuy nhiên, tại thành phố Kharkiv, ông Yanukovych, đắc cử tổng thống năm 2010 và trên nguyên tắc đến tháng 3/2015 mới hết nhiệm kỳ, tuyên bố là ông không hề có ý định từ chức, đồng thời lên án điều ông gọi là "một cuộc đảo chính". Vì vậy, cùng với hy vọng thoát khỏi khủng hoảng là mối lo về nguy cơ nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này bị tan rã.

Tình huống này khiến các nhà quan sát phải trông đợi vào sự can thiệp của Nga và Mỹ. Nga và Hoa Kỳ đã thống nhất về thỏa thuận giải quyết các vấn đề của Ukraine và cho rằng nó cần được thực hiện nhanh chóng. Với ông Putin và Nga, việc kiểm soát toàn diện Ukraine là chiến lược sống còn. Chính quyền Kiev hiện đang trong tình thế nan giải: theo Nga thì bị phương Tây cấm vận kinh tế, còn nếu quay lưng lại với nước Nga thì kinh tế sẽ phá sản và sụp đổ. Với mức sống và trình độ kinh tế non yếu khiến lộ trình gia nhập EU của Ukraine còn xa vời. Trong khi đó, sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine cũng còn rất chung chung.

Theo nhật báo Vedemosti "điện Kremlin có vẻ đã làm đủ mọi cách để Nga trở thành niềm hy vọng duy nhất của chính quyền Kiev". Dường như chính quyền Kiev hiện thời không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngả về người láng giềng khổng lồ Nga với những ràng buộc về lịch sử và địa lý lâu đời.

Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, hơn 90% người dân Ukraine bỏ phiếu ủng hộ con đường độc lập khỏi Moscow. Dù đã độc lập hơn 20 năm nhưng các dấu ấn lịch sử trong quan hệ với Nga vẫn còn ảnh hưởng đến tâm trí của người dân và lãnh đạo của Ukraine. Ngày nay, người dân phía Đông có nhiều cảm tình với Nga, nhưng người dân phía Tây tiếp tục nghi ngờ chủ nghĩa Đại Nga.

Khác biệt ngôn ngữ, văn hóa hai vùng Đông Tây bị đẩy lên cao khi ông Yanukovych được bầu làm Tổng thống nhờ sử ủng hộ từ những người gốc Nga phía Đông. Ông này đã thổi bùng lên xung khắc vùng miền khi bác bỏ một hiệp định liên kết với EU và ngả về phía Nga, khiến các phe đối lập cáo buộc ông phản quốc, đồng thời làm thổi bùng lên làn sóng bạo lực mấy tuần qua. Quốc gia có 46 triệu dân này đang có nguy cơ bị phân làm hai, một bên là miền Đông, với dân nói tiếng Nga và thân Nga, chiếm đa số và bên kia là miền Tây, với dân nói tiếng Ukrain và có tinh thần dân tộc rất mạnh.

Dù tình hình có vẻ vượt ra khỏi tầm kiểm soát nhưng thật khó để tưởng tượng rằng Putin có thể để Ukraine vượt ra khỏi quỹ đạo Nga. Dưới đây là những lý do:

- Lợi ích thương mại: Putin muốn Nga tham gia liên minh thương mại còn non trẻ với với Belarus, Kazakhstan, Armenia. Liên minh này là đối trọng thương mại lớn hơn nhiều so với Liên minh Châu Âu. Các cuộc biểu tình hiện nay nổ ra sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych ngả về phía Nga và từ chối các đàm phán thương mại với EU hồi cuối tháng 11.

- "Tiểu bang Nga": Trong năm 2008, Kommersant dẫn lời Putin nói với Tổng thống George W. Bush rằng "Ukraine thậm chí còn không phải là một nhà nước". Ngay cả đối với lịch sử 900 năm cho đến trước khi độc lập vào năm 1991, Ukraine cũng không phải là một nhà nước độc lập. Các bộ phận của Ukraine hiện nay trước đó nằm trong kiểm soát của Ba Lan, Lithuania, Áo, Hungary, Đức và Nga. Năm 2009, Putin trích dẫn mô tả của Ukraine là "tiểu Nga". Người Nga không chỉ tin rằng tổ tiên họ đến từ vùng Kiev thuộc Ukraine ngày nay, mà vùng đất này còn đóng vai trò hàng đầu trong chiến lược Phục hưng không gian Liên Xô cũ mà ông Putin đang theo đuổi.

- Crimea: Crimea, phần phía Nam Ukraine, là một phần lãnh thổ của của Nga cho đến năm 1954, rồi được trao lại cho Liên Xô để tăng cường mối quan hệ anh em, mặc dù vùng đất này phần lớn là người Nga. Các nhà sử học đến nay vẫn không giải thích được quyết định này của người Nga. Có vẻ như ông Putin đang muốn đòi lại món quà này.

- Hải quân: Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại thành phố Crimea, Sevastopol (phía Tây Bắc của Sochi). Nếu một chính phủ Ukraine không thân thiện kết thúc hợp đồng thuê quân cảng này, Nga sẽ buộc phải di chuyển trụ sở chính về phía đông tới Novorossiysk. Tháng 12 năm ngoái, Nga đã đề nghị bán khí rẻ hơn cho Ukraine để đổi lấy việc tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê quân cảng Crimea.

- Năng lượng: Các hợp đồng bán khí đốt tự nhiên sang châu Âu là một nguồn thu cực kỳ quan trọng đối với Nga. Một phần lớn khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu hiện đi qua lãnh thổ Ukraine. Đề phòng rủi ro, Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga đã xây dựng một đường ống dẫn South Stream đi qua Biển Đen, nối từ Nga qua Bulgary, bỏ qua Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ukraine ở ngã ba đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO