Mỹ báo động hiện tượng đánh cắp tài sản trí tuệ từ Trung Quốc

LHCT| 25/11/2017 00:56

Sau nhiều năm theo dõi chặt chẽ, mới đây, Nhà Trắng đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc trước hiện tượng đánh cắp tài sản trí tuệ xuất phát từ Trung Quốc thông qua các hình thức bán hàng giả, vi phạm bản quyền, vi phạm bằng sáng chế, xâm nhập bất hợp pháp tài khoản người khác…

Mỹ báo động hiện tượng đánh cắp tài sản trí tuệ từ Trung Quốc

Ủy ban phụ trách về việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ Mỹ ước tính, mỗi năm kinh tế Mỹ bị thiệt hại từ 225 đến 600 tỷ USD do các loại hàng hóa giả, đánh cắp phần mềm và lấy cắp bí mật thương mại.

Trong những năm qua, chính phủ Mỹ từng khẳng định chính quyền Trung Quốc đã khuyến khích một số hành động như trên và coi đó là một phần của chiến lược an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của họ, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng không không gian, người máy và công nghệ sinh học.

Cuộc điều tra do Mỹ tiến hành liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có các chính sách của Trung Quốc nhằm tạo áp lực lên các công ty, buộc họ phải chia sẻ thông tin với các đối tác thương mại trong nước và có thể cả hoạt động gián điệp trong lĩnh vực điều khiển học do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.

Tuy nhiên, những việc làm do chính quyền Washington dự kiến tiến hành đã vấp phải phản ứng của các công ty Mỹ trong nước. Theo ông Levy - nhà kinh tế học cao cấp dưới thời Tổng thống George W. Bush, để khẳng định Trung Quốc có những vi phạm trên và có những phản ứng thích đáng thì trước hết Washington cần có đầy đủ tài liệu về những vấn đề này, và muốn thế thì phải hợp tác với các công ty có liên quan.

Còn theo Lee Branstetter - giáo sư kinh tế học và chính sách công thuộc Trường Đại học Carnegie Mellon, vấn đề lớn nhất mà chính phủ Mỹ phải đối mặt là nhiều công ty không có thiện chí cung cấp thông tin nên sẽ khó mà đạt được những hiệu quả trong hành động.

>>Bảo hộ sở hữu trí tuệ theo TPP có gì khác?

Về phần mình, Trung Quốc khẳng định là họ đã đáp ứng với những mối quan tâm của Mỹ và phương Tây, đưa ra những đạo luật cấm đoán sự đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và chứng tỏ các nỗ lực chống lại tội phạm không gian mạng. Tháng 9 vừa qua, sau khi chính quyền Donald Trump tiến hành cuộc điều tra, Trung Quốc tuyên bố một kế hoạch hành động kéo dài 4 tháng nhằm trừng trị các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong một ý nghĩa tích cực, nhiều nhà phân tích người Mỹ muốn rằng chính phủ Mỹ sẽ phối hợp với chính phủ Trung Quốc cùng nhiều nước khác để tìm ra những đối sách phù hợp, đưa vấn đề ra một diễn đàn kinh tế quốc tế như của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) chẳng hạn. Một trận chiến thương mại là điều ngoài mong muốn của nhiều người.

Mặt khác, một số doanh nghiệp vẫn lo rằng chính sách của Nhà Trắng có thể làm tổn thương mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm thỏa mãn những người theo chủ nghĩa biệt lập trong thành phần ủng hộ ông Donald Trump.

Erin Ennis - thành viên Hội đồng Thương mại Mỹ – Trung cho biết, trong những năm vừa qua, 20% công ty thành viên của tổ chức này từng chịu sức ép của Trung Quốc phải chuyển giao những công nghệ then chốt, nhưng bà cũng thêm rằng gần đây môi trường thương mại ở Trung Quốc đã có những cải tiến đáng kể. Bà thúc giục chính quyền Washington hãy nhắm đến những thay đổi chủ yếu ở Trung Quốc thay vì chỉ áp dụng những biện pháp chế tài hay trừng phạt. Trong khi đó, có những người chủ trương khác, như giáo sư Branstetter, thì cho rằng muốn chấm dứt việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ cần có những biện pháp mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ báo động hiện tượng đánh cắp tài sản trí tuệ từ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO