Harley-Davidson: "Né đòn" đáp trả thuế

KHỞI THỨC| 09/07/2018 06:00

Việc dời một số hoạt động ra hải ngoại được hãng mô tô Harley-Davidson cho là một trong những giải pháp né tránh những thiệt hại gây ra bởi sự trả đũa của Liên minh Châu Âu (EU) về thuế quan.

Ngày 30/8 tới là sinh nhất thứ 115 của Harley-Davidson. Trong ảnh là cuộc diễu hành nhân sinh nhật thứ 105 của Hãng tại Milwawkee, bang Wisconsin

Ngày 30/8 tới là sinh nhất thứ 115 của Harley-Davidson. Trong ảnh là cuộc diễu hành nhân sinh nhật thứ 105 của Hãng tại Milwawkee, bang Wisconsin

Theo bà Jaime Katz - nhà phân tích về vốn của hãng Morningstar, Harley-Davidson - hãng sản xuất loại xe mô tô biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ đã bị dồn vào chân tường trước khó khăn do doanh số sụt giảm và rất có khả năng bị thiệt hại lớn bởi Liên minh Châu Âu (EU) trả đũa việc Tổng thống Donald Trump tăng mức thuế thép và nhôm từ EU nhập vào Mỹ.

Bà Katz phân tích: "Để không bị người tiêu dùng ở nước ngoài xa lánh thì phải sản xuất với giá cạnh tranh nên Harley-Davidson dời một số hoạt động ra hải ngoại có thể là giải pháp hợp lý”.

Ngày 25/6, hãng Harley-Davidson (có trụ sở chính tại Milwaukee, Wisconsin, Mỹ) thông báo đã chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài nhằm né sự trả đũa của EU về thuế quan, bởi EU cho biết sẽ nâng mức thuế từ 6% lên 31%, đánh trên hàng hóa nhập từ Mỹ. Điều đó có nghĩa mỗi chiếc Harley-Davidson ở châu Âu sẽ phải đội giá thêm 2.200 USD, tức 40.000 USD/chiếc - một mức giá ngoài tầm với của nhiều người.

Trong đơn nộp cho Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ, Harley-Davidson ước tính cuộc tranh chấp thương mại đang diễn ra sẽ làm thiệt hại cho hãng khoảng từ 90 đến 100 triệu USD trong năm 2018. Cổ phiếu của Harley-Davidson giảm ngay sau khi có thông tin này.

Tổng thống Trump nhanh chóng phản ứng, ông cho rằng việc chuyển ra hải ngoại chỉ là "một cái cớ" vì Harley-Davidson đã chuyển một phần sang Thái Lan vào tháng 5/2017, rất lâu trước khi ông công bố mức thuế quan mới.

Ông Trump viết trên Twitter: "Một chiếc Harley-Davidson chớ bao giờ sản xuất ở một nước khác - chớ bao giờ!". Tại một cuộc họp báo, ông Trump nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng những người chạy xe Harley không hài lòng với Harley-Davidson".

Thực chất, Harley-Davidson đã phải "lên bờ xuống ruộng" trong mấy năm gần đây để thu hút các giới chơi xe người Mỹ vì người tiêu dùng cốt lõi của hãng, thế hệ baby boomer nay đã già. Mô tô Harley-Davidson không được nhiều người trẻ coi là thời thượng, giá lại quá cao đối với những đối tượng khác. Trong khi đó, doanh số của các dòng xe Nhật như Yamaha, Honda, Kawasaki, Suzuki, cũng như các loại xe máy của Thụy Điển đã tăng lên. Số lượng người chạy mô tô của các hãng này cũng tăng theo trong những năm gần đây.

Nỗ lực giữ thị phần, Harley-Davidson đã tìm sang các thị trường ngoài nước, trong đó có châu Âu và châu Á. Năm 2017, Harley-Davidson bán gần 40.000 mô tô ở châu Âu - thị trường lớn nhất, ngoài Mỹ, chiếm 16% tổng doanh số của hãng. Harley-Davidson cũng đã sản xuất tại các nhà máy ở Brazil, Ấn Độ và Úc.

"Tổng thống dường như nghĩ rằng chi phí không phải là một vấn đề thực sự. Nhưng đúng là thực sự -Veronique De Rugy - nghiên cứu sinh của Trung tâm Mercatus, Đại học George Mason nói - Khi áp đặt thuế quan quá cao không những làm cho người tiêu dùng Mỹ bị tổn thương mà các doanh nghiệp Mỹ cũng phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để giữ thị phần".

Ngày 26/6, trong một tweet, Tổng thống Donald Trump dường như ngụ ý rằng Harley-Davidson sẽ bị trừng phạt nếu dời hoạt động ra hải ngoại: "Nếu họ di dời, để rồi xem, đó là khởi đầu của sự kết thúc và họ sẽ bị đánh thuế nhiều hơn bao giờ hết".

Nhưng Katz lại không cho rằng đó là ý định của Harley, cụ thể là sản xuất ở hải ngoại rồi nhập hàng về Mỹ. Việc di chuyển hoạt động ra hải ngoại là một trong những giải pháp để hạ chi phí đối với sản phẩm xuất sang các nước khác. Nơi sản xuất phải là nơi có lợi thế cạnh tranh, nên thật khó để trừng phạt Harley Davidson về điểm này.

Harley-Davidson cho biết, việc tăng sản lượng mô tô ở nước ngoài để giảm bớt gánh nặng thuế quan do EU trả đũa Mỹ không phải là ưu tiên của hãng, mà là sự lựa chọn bền vững để khách hàng châu Âu kham được giá và hãng duy trì mối làm ăn lâu dài.

Châu Âu là một thị trường sống còn của Harley-Davidson. Chuyển nhà máy sang châu Âu, hãng phải chi phí đáng kể, ước tính trong nửa năm 2018 là 30 đến 45 triệu USD. Nhưng hãng không tăng giá mô tô để ngăn chặn những tác động bất lợi đối với doanh số sau này.

Harley-Davidson cũng cho biết việc di chuyển sản xuất từ Mỹ ra các cơ sở ở nước ngoài phải kéo dài ít nhất từ 9 đến 18 tháng mới xong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Harley-Davidson: "Né đòn" đáp trả thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO