Hàng triệu công nhân ngành may ở nước nghèo lao đao vì các hãng thời trang Âu-Mỹ “bùng” cả chục tỷ USD

Ngọc Thoại| 08/10/2020 00:03

Các số liệu thương mại vừa chỉ ra một sự mất cân bằng quyền lực lớn khi các nhà cung cấp và công nhân ở những nơi nghèo nhất trên thế giới lại đang phải gánh chịu thiệt hại của suy thoái do dịch Covid-19 gây ra, chứ không phải là các nhãn hàng thời trang ở các nước giàu.

Hàng triệu công nhân ngành may ở nước nghèo lao đao vì các hãng thời trang Âu-Mỹ “bùng” cả chục tỷ USD

Ở Bangladesh, hơn một triệu công nhân may mặc đã bị sa thải do đơn đặt hàng bị hủy.

Các thương hiệu thời trang nổi tiếng Âu - Mỹ từ chối trả khoản tiền nợ lên đến hàng tỷ USD cho các nhà cung cấp và công nhân tại các nước đang phát triển, The Guardian trích dẫn một báo cáo trích dẫn các phân tích dữ liệu nhập khẩu mới được công bố.

Trung tâm Quyền của Người lao động Toàn cầu (CGWR) và Hiệp hội Quyền của Người lao động (WRC) đã sử dụng các cơ sở dữ liệu nhập khẩu để tính toán các nhà máy may mặc và các nhà cung cấp trên toàn thế giới mất ít nhất 16,2 tỷ USD doanh thu từ tháng 4 và tháng 6 năm nay. Lý do là các thương hiệu thời trang hủy đơn đặt hàng hoặc từ chối thanh toán cho các đơn hàng quần áo mà họ đã đặt trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Điều này khiến các nhà cung cấp ở các nước như Bangladesh, Campuchia và Myanmar không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm hoạt động hoặc đóng cửa hoàn toàn. Hàng triệu công nhân phải đối mặt với tình trạng giảm giờ làm và thất nghiệp.

Scott Nova, giám đốc WRC và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, hệ thống thanh toán lệch lạc này đã cho phép các thương hiệu phương Tây củng cố vị thế tài chính của họ bằng cách cơ bản là từ chối thanh toán cho các nhà cung cấp ở nước đang phát triển của họ.

Mặc dù khiến các nhà cung cấp và công nhân phải đối mặt với tình trạng đình đốn và suy sụp, nhưng một số nhà bán lẻ đã trả hàng triệu cổ tức cho các cổ đông. Vào tháng 3, Kohl’s, một trong những nhà bán lẻ quần áo lớn nhất của Mỹ, đã trả 109 triệu USD tiền cổ tức chỉ vài tuần sau khi hủy các đơn đặt hàng lớn từ các nhà máy ở Bangladesh, Hàn Quốc và các nơi khác.

Trong một thư ngỏ được công bố vào tháng 4, Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc ở Campuchia đã kêu gọi người mua tôn trọng các hợp đồng của họ để bảo vệ 750.000 công nhân đang phụ thuộc vào ngành công nghiệp may mặc Campuchia.

“Tất cả các bên trong chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu đang cảm thấy gánh nặng cực độ do Covid-19 gây ra,” bức thư viết.

Ở Bangladesh, hơn một triệu công nhân may mặc đã bị sa thải do đơn đặt hàng bị hủy và người mua từ chối thanh toán, theo CGWR. Mặc dù Chính phủ tung ra gói hỗ trợ hơn 500 triệu USD cho các nhà máy nhằm giảm thiểu tình trạng mất việc làm, nhưng công nhân Bangladesh vẫn cho biết họ không được trả lương trong hai tháng trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng triệu công nhân ngành may ở nước nghèo lao đao vì các hãng thời trang Âu-Mỹ “bùng” cả chục tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO