Châu Á: Tiếp tục chịu thêm áp lực lạm phát

HOÀNG HÀ| 15/04/2011 09:20

Các diễn biến mới tại Trung Đông cũng như thị trường dầu mỏ và vàng tạo thêm sức ép lên nguy cơ lạm phát cao tại châu Á.

Châu Á: Tiếp tục chịu thêm áp lực lạm phát

Các diễn biến mới tại Trung Đông cũng như thị trường dầu mỏ và vàng tạo thêm sức ép lên nguy cơ lạm phát cao tại châu Á.

Lạm phát tại Trung Quốc tăng 5,2% trong tháng 3

Hội nghị các bộ trưởng tài chính ASEAN tại Bali (Indonesia) diễn ra ngày 8/4 đã nhấn mạnh tới giá lương thực, thực phẩm và giá dầu tăng cao có thể đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn thế giới.

Vì vậy, trong chương trình nghị sự, vấn đề nóng nhất là “tiền nóng” (hot money) và lạm phát. Hiện nay, các nước châu Á có tăng trưởng cao, đang thu hút nguồn đầu tư trên thế giới là nhờ lãi suất cao hơn và tăng nhanh hơn tại châu Âu hay Mỹ.

Thị trường này đang tạo điều kiện cho lạm phát bùng phát ở châu Á. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), trong bản báo cáo thường niên vừa công bố, đã khuyến cáo các nước châu Á phải “ưu tiên’’ cho việc kiểm soát sự tăng giá trong năm 2011. Theo ADB, lạm phát sẽ tăng 5,3% tại châu Á, so với 4,4% trong năm 2010.

Thời gian qua, giải pháp ngăn chặn lạm phát mà các nước thường sử dụng là tăng lãi suất ngân hàng và ngăn chặn tiền nóng tràn vào thị trường trong nước.

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu Quỹ đầu tư thị trường mới trỗi dậy của Mỹ (EPFR) công bố ngày 25/3, từ đầu năm 2011 tới nay, các công ty quản lý quỹ của các nước mới trỗi dậy đã mua tới 26,8 tỷ USD tiền nóng tràn vào nước họ.

Nhưng tất cả biện pháp quyết liệt trên vẫn chưa thể trị được căn bệnh lạm phát, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến với tình hình kinh tế thế giới hiện nay khó có thể kiềm chế được lạm phát thời gian tới.

Nguyên nhân là do tình trạng bất ổn ở Trung Đông và cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản sau trận động đất ngày 11/3, đã đẩy giá dầu thô lên cao.

“Nền kinh tế thế giới sẽ trải qua cơn sốc nếu giá dầu mỏ tăng đến mức 200 và thậm chí 300USD/thùng”, cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Ảrập Saudi Zaki Yamani, người đã giữ chức vụ này trong 26 năm liền, dự đoán.

Tuy nhiên, theo lời ông này, diễn biến sự kiện có thể phát triển như vậy chỉ trong trường hợp cuộc cách mạng bùng nổ trên địa bàn Ả rập Saudi, nước lớn nhất thế giới xuất khẩu “vàng đen”.

Làn sóng bạo loạn ở các nước cận Đông và Bắc Phi đã làm cho giá dầu mỏ gia tăng đến mức cao kỷ lục. Giữa lúc thế giới tập trung theo dõi chiến sự tại Libya thì tình hình biểu tình ở Syria, Yemen, Ai Cập, Bahrain vẫn tiếp diễn. Làn sóng xuống đường đã đồng loạt diễn ra hôm 8/4 khiến thế giới Ả rập rúng động.

Giá dầu tăng cao đang đe dọa các nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật và Trung Quốc. Nguy cơ lạm phát do giá dầu cao khiến các nhà đầu tư tìm đến vàng như sản phẩm đầu tư chống lạm phát.

Vì vậy, giá vàng tăng lên mức kỷ lục mới do các nhà đầu tư lo lắng về áp lực lạm phát toàn cầu nên chuyển sang đầu tư vàng để đảm bảo giá trị tài sản: giá vàng giao tháng 6/2011 tăng 6USD/ounce lên 1.458,5USD/ounce - mức cao nhất lịch sử.

Trong khi đó, ngoài áp lực lạm phát, giá vàng cũng đang chịu sức ép từ chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều quốc gia. Đối phó với tình trạng lạm phát, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thắt chặt tín dụng. Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng đưa ra chính sách tương tự.

Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đưa ra các tuyên bố về việc rút dần các gói kích thích kinh tế và thắt chặt tiền tệ, có thể thúc đẩy đồng EUR cao hơn so với đồng USD. Và nếu đồng USD yếu hơn sẽ hỗ trợ giá vàng tiếp tục tăng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á: Tiếp tục chịu thêm áp lực lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO