10 điều ít biết về thủ lĩnh đế chế Mông Cổ - Thành Cát Tư Hãn

TRUNG HIẾU| 11/01/2018 06:55

Thủ lĩnh đế chế Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn vô cùng tàn bạo với kẻ địch nhưng lại khoan dung với tôn giáo và rất trọng người tài.

10 điều ít biết về thủ lĩnh đế chế Mông Cổ - Thành Cát Tư Hãn

Từ năm 1206 đến khi chết vào năm 1227, thủ lĩnh Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn đã chinh phục gần 31 triệu kilomet vuông lãnh thổ, nhiều hơn bất cứ cá nhân nào trong lịch sử. Trên hành trình chinh phục của mình, ông ta đã xẻ một đường tàn bạo xuyên qua châu Á và châu Âu, với hậu quả là hàng chục triệu người chết. Mặt khác, ông cũng hiện đại hóa văn hóa Mông Cổ, bảo đảm tự do tôn giáo và giúp mở ra mối giao lưu giữa phương Đông và phương Tây.

Dưới đây là 10 thông tin đáng chú ý về thủ lĩnh vĩ đại tầm thế giới này, nhân vật hội tụ đồng thời cả tài năng quân sự, bản lĩnh chính khách và sự khủng bố đẫm máu:

1. Thành Cát không phải là tên thật

Người đàn ông sau này trở thành “Đại Hãn” của dân tộc Mông Cổ được sinh ra bên bờ sông Onon vào khoảng năm 1162. Ban đầu ông được đặt tên là Thiết Mộc Chân (Temujin), có nghĩa là “sắt thép” hoặc “thợ rèn”.

Mãi đến năm 1206 ông mới mang cái tên khủng khiếp Thành Cát Tư Hãn. Khi đó ông được phong làm lãnh đạo của người Mông Cổ tại một cuộc họp bộ lạc có tên là “kurultai”.

Thuật ngữ Hãn (Khan) là danh hiệu truyền thống dùng để chỉ “thủ lĩnh” hoặc “người thống trị”. Còn về cái tên “Thành Cát Tư” (Genghis) thì các sử gia vẫn chưa rõ nguồn gốc.  Từ này có thể nghĩa là “đại dương” hoặc “chính nghĩa”. Trong ngữ cảnh của nhân vật này, từ này thường được dịch thành “đấng cai trị tối cao/toàn cầu”.

2. Tuổi thơ dữ dội

Từ tấm bé, Thành Cát đã bị buộc phải đấu tranh sinh tồn một cách khắc nghiệt trên thảo nguyên Mông Cổ. Cha của ông đã bị các đối thủ Tatar đầu độc khi ông lên 9. Bộ lạc của ông sau đó đã đuổi gia đình của ông đi và khiến cho mẹ ông phải một thân một mình nuôi 7 đứa con.

Lớn lên, Thành Cát Tư Hãn phải đi săn bắn và hái lượm để kiếm ăn. Đến tuổi vị thành niên, ông có lẽ còn phải sát hại cả một người anh em cùng mẹ khác cha trong một vụ tranh giành miếng ăn.

Thời thanh niên, các bộ tộc đối thủ thậm chí còn bắt cóc ông và người vợ trẻ của ông. Thành Cát sau đó phải sống như nô lệ trước khi thực hiện một cuộc đào tẩu táo bạo.

Bất chấp những khó khăn thuở đầu, ở độ tuổi trên 20, ông đã khẳng định được vị thế của mình là một chiến binh và thủ lĩnh đáng gờm.

Sau khi tập hợp được một đội quân những người ủng hộ, Thành Cát bắt đầu xây dựng liên minh với người đứng đầu các bộ lạc quan trọng. Vào năm 1206 ông đã củng cố thành công các liên minh thảo nguyên dưới ngọn cờ Thành Cát. Giờ đây ông bắt đầu chuyển hướng chú ý sang chinh phục ở bên ngoài.

3. Không có ghi chép rõ ràng nào về ngoại hình của Thành Cát

Dù Thành Cát Tư Hãn là một nhân vật rất có ảnh hưởng, người ta chỉ biết rất ít về cuộc sống riêng tư của ông và thậm chí cả ngoại hình của ông nữa.

thanh-cat-tu-han-1-doanhnhansa-2408-9761

Một bức họa về Thành Cát Tư Hãn. Ảnh: Biography

Hiện không còn bức chân dung hay điêu khắc nào về Thành Cát Tư Hãn từ thời đó tồn tại đến bây giờ. Những thông tin ít ỏi mà giới sử gia có được về ông thì lại thường mâu thuẫn với nhau hoặc không đáng tin cậy. Đa số các ghi chép đều mô tả ông là một người cao, khỏe với mái tóc dài và bộ ria rậm.

Có lẽ mô tả gây ngạc nhiên nhất là của sử gia Ba Tư thế kỷ 14 Rashid al-Din. Theo người này, Thành Cát Tư Hãn có tóc đỏ và mắt xanh. Tuy nhiên ghi chép của al-Din có thể không đáng tin cậy lắm vì ông chưa bao giờ gặp trực tiếp Đại Hãn. Tuy nhiên những đặc điểm này không phải là chưa từng được nói tới trong cộng đồng Mông Cổ.

4. Một số vị tướng thân tín nhất của ông lại là cựu thù

Đại Hãn rất giỏi phát hiện người tài. Ông thường thăng chức cho các chỉ huy quân sự dựa trên trình độ và kinh nghiệm của họ hơn là dựa trên đẳng cấp, gốc gác hay việc họ trung thành với ai trước đây.

Một trường hợp kinh điển về niềm tin mà Thành Cát Tư Hãn đặt vào tài năng thực sự của con người là sự việc diễn ra vào năm 1201 trong một trận đánh với bộ tộc Taijut đối địch.

Trong trận đó, Thành Cát suýt chết sau khi ngựa chiến của ông bị bắn hạ từ phía sau bằng một mũi tên. Khi ông nói chuyện với các tù binh Taijut và yêu cầu họ nói người nào đã bắn tên, một tù binh can đảm đứng dậy và thừa nhận mình là cung thủ.

Ấn tượng mạnh trước sự gan dạ của cung thủ này, Thành Cát đã bổ nhiệm anh ta làm chỉ huy trong quân đội của mình. Sau này Thành Cát đặt cho anh ta biệt danh “Triết Biệt (Jebe)” (có nghĩa là mũi tên) nhằm kỷ niệm cuộc gặp đầu tiên giữa 2 người trên chiến trường.

Cùng với viên tướng nổi tiếng Tốc Bất Đài, Triết Biệt sau này trở thành một trong các tư lệnh trận mạc vĩ đại nhất của người Mông Cổ trong quá trình chinh phục châu Á và châu Âu.

5. Diệt tận gốc

Thành Cát Tư Hãn thường trao cho các vương quốc khác một cơ hội quy phục đế chế Mông Cổ một cách hòa bình. Song ông cũng không ngần ngại dùng lưỡi gươm để trấn áp không thương tiếc bất cứ lực lượng nào dám chống lại ông.

thanh-cat-tu-han-2-doanhnhansa-3195-9158

Đội quân Mông Cổ năm xưa nổi tiếng về tài bắn cung và phi ngựa. Ảnh: io9

Một trong các chiến dịch trả thù nổi tiếng nhất của ông là vào năm 1219, sau khi vua của Đế chế Khwarezmid phá vỡ một hiệp ước với người Mông Cổ.

Ban đầu, Thành Cát Tư Hãn đã đề xuất với vị vua của Khwarezmid một thỏa thuận thương mại có giá trị cao liên quan tới việc trao đổi hàng hóa dọc theo Con đường Tơ lụa. Nhưng khi các sứ giả của ông bị sát hại, vị Đại Hãn Mông Cổ đã nổi cơn thịnh nộ và đáp trả bằng toàn bộ sức mạnh của đội quân Mông Cổ.

Cuộc chiến sau đó đã khiến hàng triệu người bỏ mạng, và vương quốc Khwarezmid (ở Ba Tư) bị phá hủy hoàn toàn.

Thế nhưng Đại Hãn không chịu dừng lại ở đó. Nối tiếp chiến thắng trên, Thành Cát Tư Hãn quay trở lại phía Đông và phát động chiến tranh nhằm vào người Đảng Hạng của quốc gia Tây Hạ, những người không tuân lệnh Thành Cát Tư Hãn yêu cầu cấp quân cho ông xâm lược Khwarizm.

Sau khi đánh bại các lực lượng Đảng Hạng và tàn phá kinh đô của họ, Đại Hãn hạ lệnh hành quyết toàn bộ hoàng gia Đảng Hạng để trừng phạt việc họ dám thách thức ông.

6. Chịu trách nhiệm về cái chết của 40 triệu người

Mặc dù không thể biết chắc chắn có bao nhiêu người đã thiệt mạng trong thời kỳ chinh phục của Mông Cổ, nhiều sử gia ước tính con số này vào khoảng 40 triệu người.

Con số thống kê từ thời Trung Cổ cho thấy, dân số Trung Quốc sụt giảm hàng chục triệu người trong thời kỳ Đại Hãn còn sống. Các học giả ước tính ông ta có thể đã giết chết một lượng người bằng 3/4 dân số Iran ngày nay trong cuộc chiến với đế chế Khwarezmid.

Theo nhiều số liệu, các cuộc tấn công của người Mông Cổ có thể đã làm giảm dân số toàn thế giới (thời đó) đi 11%.

7. Khoan dung với các tôn giáo khác nhau

Không như nhiều vị xây dựng nên các đế chế khác, Thành Cát Tư Hãn chấp nhận sự đa dạng trong các lãnh thổ mà ông mới chinh phục. Ông đã thông qua các đạo luật thừa nhận tự do tôn giáo cho tất cả mọi người và thậm chí còn miễn thuế cho những nơi thờ cúng.

Sự khoan dung này có một ý nghĩa chính trị - Đại Hãn biết rằng các chủ thể của đế chế nếu hạnh phúc thì họ sẽ ít khi nổi loạn. Nhưng vấn đề không chỉ vậy. Bản thân người Mông Cổ có một thái độ tự do đặc biệt đối với tôn giáo.

Thành Cát Tư Hãn và nhiều người Mông Cổ khác tôn thờ thần trời, gió và núi. Bản thân Thành Cát Tư Hãn rất tin vào yếu tố tâm linh. Người ta kể rằng ông đã cầu nguyện trong lều của mình trong nhiều ngày trước các chiến dịch quan trọng. Ông thường gặp gỡ với các lãnh đạo tôn giáo khác nhau để trao đổi chi tiết về niềm tin của họ.

Khi về già, Thành Cát Tư Hãn thậm chí còn cho vời thủ lĩnh đạo Lão là Qiu Chuji đến trại của mình. Hai bên sau đó đàm đạo rất lâu về sự bất tử và triết lý.

8. Tạo ra một trong các hệ thống thư tín quốc tế đầu tiên

Cùng với cung tên và ngựa, vũ khí mạnh nhất của Mông Cổ có thể là mạng lưới liên lạc rộng khắp của họ.

Một trong các sắc lệnh sớm nhất của Đại Hãn là về việc hình thành một dịch vụ đưa tin bằng ngựa, có tên gọi là “Yam”.

Dịch vụ này bao gồm một chuỗi các chú ngựa và trạm bưu chính được tổ chức chặt chẽ trải rộng trong đế chế Mông Cổ. Những người cưỡi ngựa này có thể đi xa tới 322km mỗi ngày.

Hệ thống nói trên cho phép chuyển hàng hóa và thông tin với tốc độ nhanh chưa từng có tiền lệ. Ngoài ra hệ thống đó còn đóng vai trò tai mắt cho Đại Hãn.

Nhờ có Yam, Thành Cát Tư Hãn có thể dễ dàng theo kịp với các diễn biến quân sự - chính trị và duy trì liên lạc với mạng lưới gián điệp và do thám. Yam cũng có vai trò bảo vệ các quan chức và nhà buôn nước ngoài trong quá trình đi lại.

9. Không ai biết ông chết như thế nào và được chôn ở đâu

Trong tất cả những bí ẩn quanh cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn, có lẽ mối quan tâm lớn nhất là ông này đã chết ra sao.

Chính sử nói rằng ông chết vào năm 1227 do các vết thương sau một cú ngã ngựa. Các nguồn khác thì đưa ra một danh sách các nguyên nhân từ sốt rét cho đến vết thương vì mũi tên bắn vào đầu gối.

Dù Thành Cát Tư Hãn chết như thế nào thì ông cũng đã hết sức công phu trong việc giữ bí mật nơi an nghỉ của mình.

Theo truyền thuyết, đám rước tang lễ của ông đã thảm sát tất cả những ai họ gặp trên đường rồi phi ngựa liên tục qua mộ của ông để xóa các dấu vết.

Lăng mộ của ông nhiều khả năng nằm ở trên hoặc xung quanh một ngọn núi Mông Cổ có tên gọi là Burkhan Khaldun. Nhưng cho đến ngày nay người ta vẫn không biết đích xác vị trí mộ của Thành Cát Tư Hãn.

10. Hạn chế ký ức về Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ

Thành Cát Tư Hãn được xem là một anh hùng dân tộc và người cha sáng lập ra quốc gia Mông Cổ. Nhưng trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của Liên Xô trong thế kỷ 20, người ta đã cấm đề cập đến tên ông.

Đến đầu thập niên 1990, Thành Cát Tư Hãn được khôi phục trở lại trong lịch sử Mông Cổ.

Tên của Thành Cát Tư Hãn được đặt cho sân bay chính của Mông Cổ ở thành phố Ulan Bator. Chân dung của ông cũng xuất hiện trên đồng tiền Mông Cổ.

(Theo VOV)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 điều ít biết về thủ lĩnh đế chế Mông Cổ - Thành Cát Tư Hãn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO