Luận bàn về "Kế nghiệp"
Qua mấy câu chuyện phiếm bên ly cà phê tôi được biết gần đây, có không ít CEO trẻ kế nghiệp đế chế kinh doanh của gia đình, đã quyết định rời bỏ chức vụ một cách đột ngột.
Một trong những lý do chính là “burn out” (quá tải). Quá tải về mặt trách nhiệm, năng lực cũng như khả năng chịu đựng.
Tôi không mấy ngạc nhiên, vì để trở thành một CEO của một công ty lớn thông thường người ta phải đi qua một hành trình đủ dày về mặt thời gian và kinh nghiệm, còn đằng này đa số CEO kế nghiệp gia đình đã được dọn sẵn con đường “đi tắt đón đầu” mỏng te.
Thật vậy, con đường đi tới vị trí lãnh đạo CEO điển hình tuy mỗi người mỗi khác nhưng đều có một mẫu số chung là ít khi nào nó là một con đường thẳng tắp, thậm chí không ít trường hợp còn phải đi thục lùi một thời gian. Nhưng nó làm cho đương sự kiên cường, phải phấn đấu, sáng tạo hơn người mới thực sự thăng tiến được. Nhiều khi rời công ty lớn để qua công ty nhỏ chỉ để lấy thêm kinh nghiệm, trách nhiệm, tìm đất thi thố tài năng. Nói chung, họ được trui rèn qua thực tế khắc nghiệt và đầy phong phú trước khi đảm nhiệm vị trí CEO.
Cho nên đó là bài toán khó giải của các tập đoàn, công ty gia đình hiện nay ở Việt Nam. Là làm sao chuẩn bị cho con cháu mình có được một bề dày cần thiết để nối nghiệp cơ ngơi một cách thành công. Trong đó nhất thiết phải có những năm làm việc đúng nghĩa ở bên ngoài, phải bị lên bờ xuống ruộng và trưởng thành từ môi trường không có một đặc ân nào. Bản lĩnh không được trao cho, mà phải tự mình “earn” hay đạt được nó.
Coi vậy mà không phải dễ, vì cha mẹ lại thường muốn cho con cháu mình sự sung sướng, tiện nghi, hơn là sự khó khăn, bươn chải. Nhưng chính cái “kỹ năng” bươn chải, vượt qua mọi khó khăn đó mới làm nên sự thành công của thế hệ doanh nhân tạo dựng cơ đồ. Đây là một trong những yếu điểm chết người trong công tác chuyển giao kế nghiệp.