Góc nhìn

Không phải thành công để hạnh phúc…

Phạm Duy Hiếu (*) 28/10/2023 06:00

Tôi bắt đầu đi tìm hạnh phúc khi không hạnh phúc. Lúc đang vui vẻ chắc chúng ta cũng không đi tìm làm gì. Cuộc sống đôi khi vô cùng khắc nghiệt. Có giai đoạn tôi mất ngủ trầm trọng. Tôi mất ngủ liên tục và miệng bắt đầu lảm nhảm. Đó là lúc tôi thấy mình bất ổn, lo lắng và sợ hãi. Thế rồi tôi bắt đầu đi tìm hạnh phúc, tìm những người thầy.

Tôi đi chùa. Không ngờ chùa lại là nơi có cái hạnh phúc ấy. Ở ngoài thương trường có vẻ khó tìm. Cái duyên của tôi như thế này. Tôi thấy một người giống hệt như tôi đang đi tìm hạnh phúc. Người đó gặp sư thầy và bảo: “Thầy ơi, con đau khổ quá, thầy chỉ cho con cách để hạnh phúc!”. Tôi dỏng tai lên nghe, vì mình cũng đang trong tình trạng như vậy. Tôi chú ý xem thầy trả lời thế nào, thì bất ngờ thầy nói thế này: “Con ơi, đời là khổ, không thoát được đâu!”. Người phụ nữ ấy rất ngạc nhiên, thất vọng, rồi buông xuôi. Cô thở dài hỏi lại: “Thầy ơi, thế thì không có cách nào để hạnh phúc ạ?”. Thầy khẳng định: “Đúng rồi. Đức Phật nói đời là bể khổ. Khổ là một trong tứ thánh đế, không trốn được đâu!”. Đột nhiên, cô gái không còn muốn tìm kiếm gì nữa. Đôi mắt của vị thầy rực sáng, nhìn vào cô gái và hỏi: “Con ơi, đã thấy hạnh phúc chưa?”. Lúc đó, cô gái nhìn lại mình, giây phút mà cô cảm nhận bình an, là khi không còn tìm kiếm gì nữa.

Tôi cũng ở đấy và chứng kiến cuộc đối thoại. Tôi dừng tìm kiếm mọi thứ, chưa bao giờ thấy cảm giác hạnh phúc và bình an, nó ở sẵn trong mình như vậy. Tôi ngộ được đạo lý, nếu mình còn mong cầu hay muốn thay đổi điều gì, thì khó mà hạnh phúc được. Nhưng tôi lại là một doanh nhân. Khi quay trở lại cuộc đời, tôi bắt đầu rơi vào cảnh không biết mình đi theo hướng nào, bởi vì doanh nhân thì rõ ràng phải kiến tạo giá trị. Lúc đó tôi ngộ ra một ý khác, là mình cứ làm hết sức và không cần quan tâm đến kỳ vọng, kết quả như thế nào. Như vậy, mình vẫn giữ được hạnh phúc mà không gặp cảm giác đau đớn hay hụt hẫng. Tôi lại ngộ ra đạo lý thứ hai. Trong cuộc đời doanh nhân, chữ “hết mình” còn quan trọng hơn đạt được thành quả gì đấy.

cdcn-661.jpg

Ở Ngân hàng An Bình, tôi có 4.000 anh em. Họ phải theo đuổi chỉ tiêu, thường xuyên sống trong bồn chồn, lo lắng và sợ hãi. Rồi cuối năm có đủ doanh số, để đảm bảo lương thưởng hay không? Lúc đó tôi chia sẻ với họ câu chuyện “hết mình” quan trọng hơn kết quả. Nếu như đạt kết quả, nhưng chưa hết mình thì vẫn có cái gì đó bị bỏ lỡ. Nếu đã hết mình mà không đạt kết quả, thì chúng ta vẫn xứng đáng được vinh danh và tán thưởng. Chỉ có hết mình, chúng ta mới trưởng thành được.

Có một lần, nhân viên của tôi ở chi nhánh tại tỉnh nhắn tin: “Anh ơi, cuộc sống bi đát quá. Người chồng của em như thế này, công việc thì như thế kia. Em không thiết sống nữa”.

Thấy tin nhắn như vậy, tôi vội vàng trả lời vì cho rằng tin nhắn này quan trọng. Người nhắn tin chắc đang ở hoàn cảnh giống tôi năm xưa. Tôi nói với cô ấy rằng, anh khẳng định có thể giúp được em. Chỉ cần em cam kết làm đúng những gì anh hướng dẫn. Cô ấy gật đầu đồng ý. Tôi nói, trong vòng 7 ngày tới, em tìm ba người trong gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp, ai cũng được. Rồi giúp đỡ ba người đó hết mình. Cô ấy bảo: “Thế người chồng của em thì sao?”. Tôi nói, em đã hứa làm như lời anh thì cứ làm, tạm thời để người chồng ở đó đã.

Bảy ngày trôi qua, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn. Cô ấy nói: “Anh ơi, em hiểu và ngộ ra bài học rồi. Em đã giúp đỡ ba người và giúp hết mình. Ngay cả tính mạng của em, em còn không tiếc nữa, nên tài sản em cũng có thể cho người ta luôn. Không ngờ ba người trong hoàn cảnh khó khăn đấy đã rơi nước mắt khi nhận được sự giúp đỡ của em. Họ nói thật may mắn được quen biết và nhận giúp đỡ từ em. Giây phút đó em thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa”.

Tôi hỏi lại cô ấy: “Bây giờ người chồng của em tính sao?”, cô ấy bảo: “Em ngộ ra rồi, không còn đau khổ nữa. Còn duyên thì đi tiếp, hết duyên thì thôi. Từ nay cuộc sống của em do em quyết định. Tôi hỏi tiếp: “Thế từ nay em sẽ sống như thế nào?”. Cô ấy bảo: “Từ nay mỗi ngày trôi qua, mỗi tuần trôi qua, em sẽ tìm giúp đỡ những hoàn cảnh xung quanh mà em có thể giúp được. Em phát hiện ra rằng, ý nghĩa cuộc sống là do mình quyết định và tạo dựng”.

Từ câu chuyện đó, tôi ngộ ra được đạo lý thế này. Đầu tiên là mình phải hết sức đã. Hết mình phụng sự, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và hết mình xây dựng một cái gì đó. Sứ mệnh của người doanh nhân chính là như vậy.

Kinh doanh, về bản chất là nghĩ ra cách thức nào đó giải quyết vấn đề cho xã hội và được thị trường trả công. Một lần nữa, tôi ngộ ra đạo lý trong kinh doanh vốn là giúp đỡ, phụng sự và cống hiến. Thế mà mình cứ mãi quanh quẩn tìm kiếm. Hạnh phúc là do mình tạo dựng và quyết định. Đầu tiên hãy hạn chế tìm kiếm, hạn chế kỳ vọng, cứ sống hết sức và đầy nhiệt huyết trước. Thứ hai là không ngừng phụng sự, cống hiến và tạo ra giá trị. Đó là những điều tôi muốn chia sẻ ngày hôm nay.

Tôi cũng mong nhân sự kiện này, kêu gọi các anh chị doanh nhân ở đây cùng nhau làm như vậy. Nếu cả nghìn doanh nhân cùng chung sức, thì đất nước mình sẽ thay đổi. Có nhiều phóng viên hỏi tôi: “Doanh nhân cần Nhà nước hỗ trợ chính sách gì? UBND TP.HCM cần giúp đỡ các doanh nhân như thế nào?”. Tôi trả lời: “Đã là doanh nhân rồi, thì mình phải tự nỗ lực thôi. Nhận được sự giúp đỡ thì quý. Quan trọng nhất là tự mình đứng vững, trải nghiệm và xây dựng giá trị. Nếu chưa làm được điều đó, thì chưa gọi là doanh nhân. Sức mạnh ấy phải đến từ nội tại của mình. Không phải thành công để hạnh phúc, mà hạnh phúc mới mở ra cánh cửa thành công”.

(*) Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank), doanh nhân
truyền cảm hứng năm 2023 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn bình chọn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không phải thành công để hạnh phúc…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO