Cách Pixar khai thác và tập hợp sức mạnh sáng tạo
Pixar là “đế chế hoạt hình” và là một trong những câu chuyện thành công nhất Hollywood. Không chỉ liên tục lập kỷ lục phòng vé, chinh phục cả trẻ nhỏ lẫn người lớn, hoạt hình của Pixar còn nhận hàng loạt giải thưởng danh giá, trong đó có 16 tượng vàng Oscar.
Vậy, cách Pixar khai thác sức mạnh sáng tạo từ đội ngũ của mình là gì? Theo Lawrence Levy - cựu CFO của Pixar, lời đáp là văn hóa doanh nghiệp - yếu tố quan trọng trong việc cho phép thử nghiệm và thúc đẩy tư duy cởi mở cũng như sức sáng tạo liên tục tại hãng phim.
Con người quan trọng hơn ý tưởng
Một bộ phim có thể chứa hàng chục ngàn ý tưởng và cần thiết một lượng lớn nhân sự từ các lĩnh vực khác nhau, cùng làm việc hiệu quả để giải quyết rất nhiều vấn đề. Do đó, điều nhà quản trị cần làm là tạo ra một môi trường để nuôi dưỡng mối quan hệ giữa họ, cũng như bồi đắp sự tin tưởng và tôn trọng. Kết quả từ hoạt động này là một cộng đồng sôi động, tài năng và trung thành với nhau, với khả năng sáng tạo của mỗi người đều được giải phóng.
“Bạn phải tập hợp những người sáng tạo, đặt cược lớn vào họ, dành nhiều thời gian và sự hỗ trợ cho họ, cũng như cung cấp môi trường để họ có thể nhận được phản hồi trung thực từ mọi người”, Ed Catmull - cựu đồng sáng lập Pixar chia sẻ.
Trên thực tế, do đặt trọng tâm vào con người thay vì ý tưởng, một phần trong cấu trúc của công ty là Đại học Pixar - nơi cung cấp các hội thảo, bài giảng và khóa học, gồm giáo trình làm phim hoàn chỉnh cùng các lớp học vẽ và viết sáng tạo. Đặc biệt, nơi này không chỉ dành cho người làm hoạt hình, mà tất cả nhân sự Pixar, gồm kế toán, bảo vệ và phục vụ ăn uống, đều có thể dành đến 4 tiếng/tuần để tham gia lớp học. Đây là môi trường để tất cả nhân sự từ các bộ phận khác nhau liên tục được kết nối và giúp các ý tưởng, cả mới lẫn không quá mới, liên tiếp được “thụ phấn” chéo. Nhờ sự đa dạng này, luồng ý tưởng mới luôn được di chuyển trong tổ chức, nâng cao sức sáng tạo của Pixar.
“Không như nhiều hãng khác, chúng tôi không bao giờ mua kịch bản hay ý tưởng phim từ bên ngoài. Tất cả câu chuyện, thế giới và nhân vật đều được tạo ra bởi các nghệ sĩ của chúng tôi... Dù không lạc quan đến mức tin rằng chúng tôi sẽ không bao giờ có bom xịt, tôi không nghĩ thành công của chúng tôi phần lớn là nhờ may mắn. Tôi tin công thức thành công của Pixar là nhờ tuân thủ các nguyên tắc và thói quen trong quản lý tài năng sáng tạo lẫn rủi ro”, Ed Catmull - cựu đồng sáng lập Pixar, từng chia sẻ.
Hơn nữa, ngoài lớp học vẽ còn có những lớp học “đủ thứ” khác, từ chạm khắc đá cho tới nấu ăn. Đồng thời, khi bắt tay vào bất kỳ một bộ phim nào, toàn bộ họa sĩ và đội kịch bản sẽ cùng học tập về các bộ môn riêng biệt cho từng phim. Ví dụ, với Finding Nemo, cả đội cùng học lặn, trong khi với Ratatouille thì cùng học làm đầu bếp.
Kết hợp với môi trường nói trên, Pixar còn có nền văn hóa cởi mở: thu hút người mới có quan điểm mới và khuyến khích người trẻ mới được tuyển dụng dạn dĩ lên tiếng. Và, Catmull làm điều này bằng cách phát biểu tại các buổi định hướng tuyển dụng mới - nơi ông không ngần ngại bày tỏ về các sai lầm mà Pixar đã mắc phải lẫn bài học được rút ra.
Khuyến khích chấp nhận rủi ro
Trong quyển Từ tâm trí: Sức mạnh của sự sáng tạo, tác giả Ken Robinson - nhà giáo dục được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ, viết “nếu chúng ta không sẵn sàng thất bại, chúng ta không thể khám phá ra các khái niệm độc đáo”. Dù vậy, hầu hết trường học hiện đều không chấp nhận thất bại trong khi học hỏi và khi đến lượt mình, học viên cũng không muốn chấp nhận rủi ro.
Theo Robinson, rất nhiều ý tưởng tuyệt vời đã bị bóp nghẹt vì giáo dục và điều này cần thay đổi. Do đó, tổ chức hay doanh nghiệp muốn khai thác sức mạnh sáng tạo của nhân sự, thì lãnh đạo phải là người thiết lập và dẫn dắt con đường ấy. Đây là điều đầu tiên doanh nghiệp cần có và kế tiếp cần khuyến khích được đam mê của nhân sự. Nhân viên phải được giao những nhiệm vụ đầy thách thức để giúp họ phát triển.
“Điều khiến Pixar trở nên đặc biệt là sự thừa nhận rằng chúng tôi sẽ luôn gặp phải vấn đề và nhiều trong số đó không được chúng tôi nhìn thấy; và rằng chúng tôi nỗ lực hết sức để phát hiện ra những vấn đề này ngay cả khi làm như vậy có nghĩa là khiến bản thân không thoải mái” (Catmull)
Để làm điều này, bản thân Catmull không ngại nói “Tôi không biết” và với mọi vai trò mình đảm nhiệm, ông luôn bày tỏ bản thân chưa bao giờ cảm thấy sẵn sàng cho thử thách, dù không để sự nghi ngờ cản trở. “Tôi không có gì phải giấu cả. Tôi có thể thừa nhận cả với những người tôi không biết và khi làm vậy, chúng tôi có thể thảo luận, trao đổi các vấn đề”, Catmull nói
Xây dựng văn hóa ngang hàng và hợp tác
Ở Pixar, văn hóa ngang hàng nghĩa là mọi người ở mọi cấp độ đều hỗ trợ lẫn nhau và hết lòng giúp đỡ người khác hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Có 2 cách để xây dựng văn hóa này. Thứ nhất là nhóm Brain Trust, bao gồm các giám đốc và nhà lãnh đạo khác. Khi đạo diễn và nhà sản xuất cảm thấy cần hỗ trợ, họ triệu tập nhóm này (và bất kỳ ai khác mà họ xem là có giá trị) rồi trình bày phiên bản hiện tại của công việc đang được tiến hành. Tiếp theo là một cuộc thảo luận sôi nổi kéo dài 2 tiếng để làm cho bộ phim hay hơn. Sau cuộc họp, nên hay không nên nghe theo lời khuyên sẽ tùy vào đạo diễn phim cùng đội của họ, mà không có bất cứ sự “chỉ đạo” nào.
Thứ hai, Pixar tiến hành giám sát quy trình làm hoạt hình thông qua đánh giá mỗi ngày. Cụ thể, mọi người sẽ trình bày sản phẩm ở trạng thái chưa hoàn thành cho toàn bộ đội hoạt hình, và dù đạo diễn là người quyết định, mọi thành viên đều được khuyến khích góp ý. Theo Catmull, lợi ích đầu tiên của việc này là cải thiện sự sáng tạo, khi giúp mọi người loại bỏ được cảm giác xấu hổ khi giới thiệu sản phẩm còn dang dở. Tiếp theo, đạo diễn hay các giám đốc sáng tạo chủ quản quy trình đánh giá có thể bày tỏ cả những điểm quan trọng tới toàn đội cùng một lúc. Kết quả là mọi người có thể học hỏi, truyền cảm hứng cho nhau và hạn chế sự bất ngờ khi kết thúc.