Xây dựng tính trung thực trong doanh nghiệp
Tính trung thực là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của con người, đặc biệt liên quan tới kinh doanh. Doanh nghiệp trung thực sẽ được khách hàng, đối tác tin tưởng, từ đó tạo dựng được nền tảng vững chắc trong quá trình phát triển.
Chuyện kể rằng, sau trận động đất khủng khiếp ở thành phố Kobe, Nhật Bản năm 1995, hàng ngàn doanh nghiệp bỗng chốc trắng tay, mọi tài sản đều chôn vùi dưới đống đổ nát, thậm chí không ít nhân viên chủ chốt thiệt mạng. Có vị doanh nhân nọ là chủ một cơ sở may mặc, khi trận động đất đã qua được ba tháng, muốn vay tiền để tái hoạt động. Ông tới ngân hàng địa phương trong tâm trạng lo lắng vì không còn bất kỳ tài sản thế chấp nào. Nhưng khi trao đổi với lãnh đạo ngân hàng, thật bất ngờ, khoản vay của ông được chấp nhận dễ dàng. Vị lãnh đạo ngân hàng giải thích: “Tài sản thế chấp lớn nhất của ông là sự trung thực. Dữ liệu từ cơ quan thuế cho thấy, ông luôn nộp thuế đầy đủ và đúng hạn; các khoản vay cũng được thanh toán chưa bao giờ trễ hẹn”.
Sự trung thực của doanh nghiệp luôn bắt đầu từ mỗi nhân viên. Vậy làm sao để nuôi dưỡng văn hóa trung thực trong môi trường doanh nghiệp và công sở? Một số nhà quản lý cho rằng, điều này cần đến sự nỗ lực của các bên liên quan.
Doanh nhân có thể tham khảo, áp dụng một số giải pháp sau.
Xác định tính trung thực là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Trước hết, doanh nhân cần xác định tính trung thực là giá trị cốt lõi, là yếu tố quan trọng nhất của văn hóa doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua tầm nhìn, sứ mệnh, quy chế và quy định nội bộ. Xác định tính trung thực là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp giúp nhân viên hiểu rõ tầm quan trọng cũng như có ý thức hơn trong công việc hằng ngày và trong ứng xử.
Không ít doanh nhân nước ngoài than phiền về tính trung thực của nhân viên người Việt. Một vị giám đốc người Nhật trong chuỗi siêu thị AEON tại TP.HCM từng chia sẻ, quy định nhân viên được tự do mang túi xách vào siêu thị, tuy nhiên, điều này dẫn tới mỗi tháng siêu thị đều bị mất sản phẩm, nguyên nhân đến từ cả khách hàng lẫn nhân viên. Rồi nhân viên được phép tự lập tài khoản, hoặc lập tài khoản cho người thân, nhưng khi khách hàng mua sắm, nhân viên lại cộng điểm vào các tài khoản đó. Để khắc phục tình trạng ấy, công ty đã đề ra quy định về tính trung thực.
Tạo môi trường làm việc minh bạch, cởi mở. Môi trường làm việc minh bạch, cởi mở sẽ tạo điều kiện cho nhân viên tự do bày tỏ suy nghĩ, không sợ bị trù dập hay phê phán. Khi nhân viên thấy được tôn trọng và tin tưởng, họ có xu hướng trung thực hơn trong công việc, trong lối sống.
Một lãnh đạo cấp trung trong ngành xây dựng từng chia sẻ tại diễn đàn quản lý ở TP.HCM rằng, do trước đây là công ty nhà nước mới được cổ phần hóa vài năm, nên thời gian đầu văn hóa doanh nghiệp chưa thông thoáng, các báo cáo vẫn chú ý cốt làm sao để người đứng đầu hài lòng. Do đó xuất hiện tình trạng nịnh bợ, có nói không, không nói có, có ít nói nhiều, chưa ai dám chia sẻ một cách thẳng thắn. Người tài từ bên ngoài vào, chỉ một thời gian là ra đi. Sau khi có ban lãnh đạo mới, nội quy của công ty được đề ra, buộc ai cũng phải chấp hành. Nhân viên có thể tự do chia sẻ ý kiến với lãnh đạo, cả trực tiếp hoặc thông giấu tên. Từ đây, những báo cáo công việc và sinh hoạt nội bộ bắt đầu theo xu hướng trung thực, vì lãnh đạo không còn sợ chỉ trích, trân trọng và đánh giá cao những góp ý chân thành.
Thúc đẩy tính trung thực trong doanh nghiệp là quá trình lâu dài, cần sự nỗ lực của cả lãnh đạo lẫn nhân viên. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã xây dựng thành công văn hoá trung thực sẽ có được nhiều lợi ích. Ví dụ tăng niềm tin của khách hàng, đối tác, tạo dựng uy tín thương hiệu, giảm rủi ro pháp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Xử lý nghiêm hành vi thiếu trung thực, gian lận. Doanh nghiệp cần quy định rõ ràng về việc xử lý hành vi gian lận và thiếu trung thực. Khi nhân viên biết họ sẽ bị xử lý nghiêm nếu vi phạm, tự nhiên có xu hướng trung thực hơn. Xử lý hành vi thiếu trung thực, gian lận cần được thực hiện công khai, minh bạch nhằm tạo ra sự răn đe.
Làm gương cho nhân viên. Văn hóa trung thực sẽ không thể xây dựng được nếu lãnh đạo doanh nghiệp không trung thực. Lãnh đạo phải là tấm gương sáng. Khi đó nhân viên sẽ noi theo. Lãnh đạo doanh nghiệp cần thể hiện tính trung thực trong lời nói, trong hành động, thực hiện nghiêm quy định, quy chế nội bộ, thật khách quan khi giải quyết những vấn đề khúc mắc trong công ty.
Tổ chức bồi dưỡng về đạo đức kinh doanh. Doanh nghiệp có thể tổ chức các chương trình bồi dưỡng về đạo đức kinh doanh, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tính trung thực. Chương trình này giúp nhân viên hiểu rõ cách ứng xử trong công việc, trong giao tiếp thông qua những tình huống cụ thể. Chương trình nên được tổ chức 6 tháng hoặc một năm một lần.