Văn hóa doanh nghiệp

Tuổi tác là tài sản hay “khủng long”?

Kim Ngọc - Ly Nhi 16/09/2023 06:00

Nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới sử dụng lao động lớn tuổi vì cho rằng đó là văn hóa doanh nghiệp (DN). Tuổi tác là tài sản, tuổi cao đạo đức nghề nghiệp càng cao, nhưng một số người trẻ lại xem người lớn tuổi là “khủng long” và than phiền “các cụ” đang chiếm chỗ của họ.

Theo nghiên cứu của Tạp chí Forbes của Mỹ, top 10 doanh nhân vĩ đại đương thời hầu hết đều là những nhân vật trên 60 tuổi. Tạp chí này kết luận: “Cuộc đời của những người lớn tuổi là một bài học về sự kiên nhẫn, sáng suốt và đáng trân trọng. Những người nhân viên lớn tuổi cũng từng có một thời trẻ năng động, đã cháy hết mình cho công việc hay đối mặt với biết bao vấp ngã nên đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm cũng như phương pháp làm việc hiệu quả”.

Suốt hai thập kỷ qua, Kip Conforti - chủ 2 trạm giao hàng ở Pennsylvania, chuyên tuyển học sinh cấp 3 và sinh viên đại học về làm bán thời gian. Nhưng năm 2023, ứng viên hàng đầu của ông là đàn ông trong độ tuổi 70. Conforti chia sẻ trên Wall Street Journal rằng, người trẻ là “chuyên gia” đi trễ, chăm chăm xin nghỉ đột xuất và suốt ngày lướt mạng xã hội thay vì trả lời chat của khách hàng. Từ một năm trước, ông đã quyết định chuyển hướng, chỉ tuyển người “có thẻ hưu trí”.

Ở Nhật Bản, do tình trạng thiếu lao động nên gần 40% DN, công ty Nhật chỉ thuê người lớn tuổi, theo ước tính đến tháng 7/2022 có khoảng 675.000 người trên 70 tuổi có việc làm. Ông Yutaka Tajima - một quản lý cấp cao của tập đoàn bán lẻ điện máy tại Nhật Bản Nojima Corporation cho rằng: “Thời đại hiện nay, giới hạn tuổi tác đã không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội đương đại, khi mà tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Bỏ qua tiềm năng và kinh nghiệm của người cao tuổi là một sự lãng phí không đáng có”.

Tại Hàn Quốc, một công ty công nghệ cũng chỉ thuê nhân sự trên 55 tuổi. Trong một chương trình phóng sự của Channel News Asian bàn về việc sử dụng người cao tuổi, quản lý của công ty chia sẻ: “Những người lớn tuổi vẫn tràn đầy đam mê. Ở mặt nào đó, người lớn tuổi có thể làm việc chậm hơn người trẻ nhưng khi đã quen việc, họ làm cẩn thận và chất lượng công việc cao hơn. Họ luôn đi làm đúng giờ. Đây chính là đạo đức nghề nghiệp không chỉ riêng họ mà còn góp phần gìn giữ nếp văn hóa DN”.

humorous-dinosaur-businessman-suit-sitting-generative-ai.jpg

Tương tự ở Mỹ, nhu cầu tuyển dụng người lớn tuổi đang tăng và nhiều nơi xem việc tuyển dụng người lao động trên 50 tuổi hay giữ chân người lao động có tuổi là một tài sản quý và là giá trị văn hóa của DN. Từ năm 2012, nhiều công ty ở Mỹ đã hưởng ứng kêu gọi của Hiệp hội Người nghỉ hưu Hoa Kỳ (AARP) tuyển dụng người trên tuổi ngũ tuần hơn là người có “iPhone đời mới nhất” (chỉ người trẻ).

Trong danh sách các DN tại Mỹ ưu tiên sử dụng lao động cao tuổi đã lên tới con số hơn 2.500 công ty, trong đó có các công ty lớn như Bank of America, Microsoft và H&R Block - một công ty cung cấp dịch vụ báo cáo thuế. Các DN này đều đánh giá nhân sự lớn tuổi có kinh nghiệm, làm việc mẫn cán, chăm chỉ và trách nhiệm trong công việc cao hơn so với những người trẻ tuổi. Do nhân viên lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm làm việc, cho nên họ sẽ dễ dàng nhận ra được những sai sót, nhược điểm của việc làm. Nếu như sắp xếp vị trí công việc thì người nhân viên lớn tuổi thích hợp vị trí của người giám sát hay quản lý sản xuất.

Trên trang timviec365, các chuyên gia tư vấn nhân sự cũng đánh giá cao nhân sự lớn tuổi về khả năng tổng hợp, chọn lọc và đưa ra những ý tưởng hay, nhờ kinh nghiệm làm việc tích lũy được trong nhiều năm. Những ý tưởng được đưa ra đều có sự kiểm chứng và có nhiều căn cứ để hướng đến thành công. Điều đó không thể có được ở nhân lực trẻ, bởi dù họ có thể đề xuất nhiều ý tưởng mới mẻ song không có cơ sở để cho một kết quả chắc chắn thành công.

Trong xu thế nhân sự ngày càng trẻ hóa và đa thế hệ tại nhiều DN nhưng nhiều DN vẫn than khá khó khăn trong việc quản trị các nhân sự trẻ, nhất là thế hệ gen Z (những người có năm sinh 1998-2012). 65% DN không thể hòa hợp với thế hệ gen Z và phải sa thải nhân viên gen Z nhiều hơn bình thường vì những khác biệt họ mang lại.

Có thể nói, gen Z đang bị đóng khung bởi góc nhìn định kiến như luôn đòi hỏi, ý chí kém, không có khả năng hòa đồng, những người mộng mơ... hay những tính từ khác không mang nhiều ý nghĩa tích cực khiến các DN vẫn xem “nguồn lao động già” là phương án khá an toàn vì họ là thế hệ sinh ra trong thời khó khăn, luôn trân trọng vị trí công việc hiện tại.

Dù không phủ nhận giá trị mà nhân viên lớn tuổi mang lại, nhưng không phải DN nào cũng nhìn đúng về nhân sự… có tuổi. Giám đốc nhân sự một tập đoàn lớn của Việt Nam chia sẻ: “Ở công ty tôi, khi một vài lãnh đạo đến tuổi hưu nhưng vẫn được Chủ tịch HĐQT mời làm việc và giao nhiệm vụ tiếp tục quản lý, nhiều bạn trẻ đang “nhăm nhe” vị trí quản lý tỏ vẻ khó chịu, thậm chí có thái độ xem thường, bất hợp tác vì cho rằng… “các cụ” đang chiếm chỗ của họ”.

Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả nước ngoài, cũng có những tập đoàn không muốn sử dụng người lớn tuổi. Năm 2022, trên tờ Los Angeles Times đã có bài viết về các lãnh đạo Tập đoàn IBM thất vọng vì công ty có tỷ lệ nhân sự lớn tuổi nhiều hơn thế hệ sinh từ 1981-1996, vì thế họ tìm cách cho các nhân sự có tuổi nghỉ việc và gọi những người cao tuổi là “một loài khủng long mới” cần sớm biến thành “loài tuyệt chủng”.

Trong khi đó ở Nhật Bản, một trong những văn hóa công sở của người dân xứ hoa anh đào này lại xem thói quen học hỏi từ những thế hệ đi trước là giá trị văn hóa của DN cần gìn giữ. Trong các cuộc họp, các nhân viên thường trực tiếp nêu ý kiến của mình tới lãnh đạo cấp cao của công ty, mục đích của họ là để giải trình, xin lời khuyên, tư vấn.

Ngay trong cách chào hỏi, chuyện trò, người Nhật luôn thể hiện thái độ tôn trọng người lớn tuổi, khi cúi đầu chào, với những người có thâm niên ít năm hơn thì càng phải cúi thấp hơn. Văn hóa công sở của Nhật Bản luôn thể hiện sự tôn kính và xem trọng những người có tuổi tác cao bởi sự thông thái, từng trải và những đóng góp quan trọng của họ cho công ty. Ở bất cứ DN nào tại Nhật Bản, văn hóa tôn trọng người lớn tuổi, có thâm niên trong nghề cũng được đề cao.

Còn ở Hàn Quốc, trong môi trường làm việc, người Hàn không quan trọng độ tuổi mà họ dựa vào kinh nghiệm làm việc để ứng xử trong giao tiếp. Những người có kinh nghiệm cao hơn sẽ được gọi là tiền bối. Những người bậc tiền bối sẽ phải có nghĩa vụ chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hậu bối của mình để họ có thể phát triển bản thân.

Đối với những hậu bối, ngoài việc giữ sự tôn trọng đàn anh trong công việc, họ cũng phải cố gắng học hỏi từ những người đi trước. Nếu họ không tôn trọng các bậc tiền bối, sẽ bị mất hình ảnh và rất khó có thể lấy lại được hình ảnh cá nhân nơi công sở và ngoài xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tuổi tác là tài sản hay “khủng long”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO