Thế giới đã biến đổi chỉ trong ba tháng vật lộn với virus SARS-CoV-2. Cách làm việc cũng thay đổi. Văn phòng mang tính tượng trưng vì làm việc, họp hành từ xa. Mua bán trực tuyến bộc phát, buộc công nghệ số phải phát triển nhanh hơn. Nhưng mỗi quốc gia chống dịch theo cách riêng, bị chia rẽ vào lúc đáng ra phải hợp tác chặt chẽ. Rồi chủ nghĩa dân túy, bài ngoại càng trỗi dậy.
Lòng tin của dân chúng là tài sản quý báu của mỗi chính phủ. Thế giới không thể đánh bại virus SARS-CoV-2 nếu không hợp tác. Người nghèo và dân di cư không thể vô hình.
Đại dịch vẫn là mối đe dọa, nên phải tổ chức lại, cấu trúc lại doanh nghiệp để đủ sức đứng vững và vươn lên. Một số nước châu Âu đã mở cửa nền kinh tế nhưng không thể hoạt động bình thường ngay. New Zealand và Úc đang bàn mở lại hành lang du lịch nhưng phải “vừa du lịch vừa phòng chống dịch”. Doanh nghiệp Ý hỏi, làm ăn cách nào khi lệnh phong tỏa không nới lỏng hoàn toàn. Cho ngành dệt may sản xuất trở lại trong khi cửa hàng bán hàng không thiết yếu vẫn bị đóng cửa. Tiệm cà phê mở ra đâu chỉ để uống, mà là phục vụ nhu cầu gặp gỡ. Hiệp hội Đường sắt Anh viết thư cho Thủ tướng trình bày không thể chạy thêm tàu nếu không có biện pháp bảo vệ hành khách và công nhân.
Thật là thế giới ngổn ngang công việc. Ở Việt Nam, con số của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng thì có khả năng 74% doanh nghiệp phá sản. Nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ, như giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, hoãn nộp thuế, hoãn đóng bảo hiểm xã hội... hy vọng sẽ nâng đỡ doanh nghiệp qua khủng hoảng. Bây giờ là lúc nhanh chóng bật dậy, cứu mình và nền kinh tế đất nước. Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 5/5/2020 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành "Không thể để tăng trưởng kinh tế quá thấp. Có tăng trưởng mới giải quyết được việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo".
Muốn vậy, đòi hỏi “sự kiên cường kép”. Lãnh đạo TP.HCM vừa có cuộc họp quan trọng với chuyên gia và doanh nghiệp để bàn cách khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch. Các yêu cầu cụ thể được đưa ra trong cuộc họp này, trong đó ngoài phòng dịch, còn phải ngăn ngừa phá sản doanh nghiệp, khuyến khích sản xuất sản phẩm mà trước đây phải nhập khẩu, thúc đẩy số hóa, tăng mạnh đầu tư công, giải ngân sớm cho các dự án, hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đẩy mạnh và hỗ trợ khởi nghiệp...
Phương hướng đã có. Doanh nghiệp cần nhìn lại “điểm yếu xưa nay”, bởi không còn chỗ lùi, phải đứng vững, đi lên.
TP.HCM đang thực hiện ba chương trình đột phá là đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa. Nhưng đại dịch khiến tăng trưởng của Thành phố trong quý I chỉ đạt 0,42% so cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất từ năm 1986 đến nay.
Tình hình còn khó khăn và khó đoán. Chuyên gia kinh tế nước ngoài đánh giá khác nhau về Việt Nam. Người nói Việt Nam có thể tránh được suy thoái kinh tế do khống chế dịch sớm, dù mức tăng GDP sẽ giảm mạnh. Người khác nói, điều tồi tệ nhất có lẽ chưa đến.
Trong khi đó, những “món nợ cũ” của doanh nghiệp như tái cấu trúc chiến lược kinh doanh, tài chính, nhân sự, thương hiệu vẫn đang còn đó. Xuất khẩu nông sản, ngoài gạo vẫn gặp khó, như vải thiều năm nay được mùa lớn, phải bán 200.000 tấn trong khi thị trường chính là Trung Quốc có thể “dội hàng” vì cũng đang mùa vải thiều. Doanh nghiệp nhập khẩu vải thiều ở Nhật Bản thì không thể đưa chuyên gia kiểm nghiệm sang Việt Nam. Vấn đề mở thị trường vẫn là thách thức.
Doanh nghiệp Việt Nam không còn bỡ ngỡ trong việc buôn bán với nước ngoài. Bây giờ cần tinh thần doanh nhân để vượt khó.
Và cơ hội chỉ đến với những ai biết chuẩn bị sẵn sàng.