Sự xuất hiện liên tiếp của các hãng mỹ phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... có đủ để chứng minh thị trường Việt Nam ngày càng hấp dẫn?
Đọc E-paper
Dù được định vị ở phân khúc cao cấp với mức giá lên tới hàng chục triệu đồng đối với bộ sản phẩm mỹ phẩm, song dường như các hãng mỹ phẩm ngoại vẫn cố tìm chỗ đứng tại thị trường Việt.
Thuế cao vẫn muốn vào
Nhìn nhận vấn đề này, ông Masahiro Horita - TGĐ KOSE Corporation (thương hiệu đầu tiên trên thế giới cho ra đời dòng tinh chất dưỡng da dạng Serum vào năm 1975 và phấn nền dạng nén 2-way vào năm 1979) cho hay, qua 70 năm phát triển, sản phẩm của KOSE có mặt khắp nơi trên thế giới từ châu Á, châu Úc đến châu Mỹ. Ở thị trường Đông Nam Á, KOSE đã có mặt tại Singapore được gần 20 năm. Tại Myanmar và Việt Nam, KOSE đã du nhập vào từ những năm 2009 - 2010.
Trong 6 năm có mặt tại thị trường Việt, thông qua nhà phân phối độc quyền chính thức là Công ty TNHH Mỹ phẩm Đại Phúc, mức tăng trưởng của nhãn hàng được đánh giá tăng đều đặn qua các năm.
Song theo ông Masahiro Horita, mức giá bán ra đối với các sản phẩm mang thương hiệu KOSE tại Việt Nam đang đắt hơn gấp 1,5 - 2 lần so với các sản phẩm cùng loại đang bán tại thị trường Nhật. Nguyên nhân được xác định là do mức thuế nhập khẩu của Việt Nam đối hàng mỹ phẩm ngoại nhập vẫn còn cao. Điều này khiến KOSE chưa tạo được sự tăng trưởng đột phá như doanh nghiệp kỳ vọng.
"Thực trạng thị trường cũng đang diễn ra tương tự ở Myanmar", ông Masahiro Horita thẳng thắn nhìn nhận.
Theo đó, ông Masahiro cho rằng, giá mỹ phẩm ngoại luôn cao do thuế nhập khẩu đang là rào cản khiến nhiều khách hàng Việt chưa tiếp cận được với các dòng mỹ phẩm cao cấp đến từ Nhật. "Vấn đề này trước đây Nhật Bản cũng từng vướng phải. Đã có lúc rất nhiều người Nhật phải mua hàng xách tay từ các nước khác, do giá nhập khẩu mỹ phẩm vào Nhật khá cao, song đến nay "rào cản" này đã không còn nữa. Do đó, hy vọng trong thời gian tới, "rào cản thuế” sẽ sớm được giảm xuống để ngày càng có nhiều khách hàng Việt tiếp cận được các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của nhiều quốc gia khác nhau với mức giá hợp lý hơn".
>>Xu hướng kinh doanh mỹ phẩm nhờ... selfie
Trước đó, trong khuôn khổ xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam, cũng có 6 công ty mỹ phẩm nổi tiếng đến từ Nhật gồm: Kanebo Cosmetics Inc; Kracie Holdings; St.Louis International,Inc; BCL thuộc Tập đoàn Styling Life Holdings; Nippon Menard Cosmetic Co., Ltd... chia sẻ ý định muốn phát triển, cũng như mở rộng hơn nữa các mặt hàng mỹ phẩm tại thị trường Việt Nam.
Hiệp hội Mỹ phẩm Công nghiệp Nhật Bản và Hội Hóa Mỹ phẩm TP.HCM cũng đã có dịp gặp gỡ, trao đổi, tạo điều kiện để doanh nghiệp ngành mỹ phẩm giao lưu thông qua hội thảo "Mỹ Phẩm Nhật - tôn vinh vẻ đẹp Việt" vào giữa tháng 11/2016.
Không chỉ có mỹ phẩm Nhật, thời gian qua, các mặt hàng chăm sóc sắc đẹp đến từ Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc cũng liên tục khuấy động thị trường Việt. Theo chia sẻ của một nhà phân phối mỹ phẩm đến từ TP. Đà Lạt, với 30 năm hoạt động trong ngành, chưa bao giờ ông nhận thấy sự du nhập ồ ạt của các mặt hàng mỹ phẩm ngoại vào thị trường Việt như hiện nay.
Đỉnh điểm trong vòng 3 năm trở lại đây, phân khúc trung bình hầu như đang thuộc về tay các mặt hàng "made in Korea". Dòng sản phẩm cao cấp hơn thì đang chia đều cho các nước, trong đó có rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm cao cấp đến từ Nhật Bản.
Thống kê từ quá trình làm việc thực tế, ông Nguyễn Ngọc Luận - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn - Asean cũng cho hay, tính từ đầu năm 2016 đến nay, ông đã làm việc với khoảng 300 đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong ngành mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp. Đa phần các DN này đều mong muốn tìm kiếm nhà phân phối tại thị trường Việt Nam. Có thể nói, sức hấp dẫn của thị trường Việt là không thể phủ nhận.
Thận trọng vẫn hơn
Nếu nhìn theo hướng tiêu cực, rõ ràng ngành mỹ phẩm nội địa còn rất ít cơ hội để cạnh tranh và tồn tại. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lương Vạn Vinh - TGĐ Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho hay, thật ra doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội để làm ăn cùng với các doanh nghiệp Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan... chứ không hẳn "hết đường làm ăn".
Chẳng hạn như, doanh nghiệp Việt chọn cách làm nhà phân phối cho các thương hiệu ngoại nhập, hoặc hợp tác với họ để cùng phát triển... đây cũng là một phương thức kinh doanh trong giai đoạn hội nhập.
Song, cũng như chia sẻ của các đại diện đến từ các doanh nghiệp Nhật, nếu như họ kỳ vọng mức thuế nhập khẩu đối với ngành mỹ phẩm ngoại được giảm xuống, thì phía Mỹ Hảo cũng cho rằng, Việt Nam nên sớm đơn giản hóa các thủ tục để các doanh nghiệp ngành hóa mỹ phẩm trong nước thuận tiện hơn trong các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, cũng như nhập khẩu nguyên vật liệu.
Theo thống kê từ phía doanh nghiệp ngành hóa mỹ phẩm Nhật Bản, hiện thị trường Nhật tiêu thụ mỹ phẩm đang đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Do đó, riêng tại thị trường nội địa Nhật Bản, các hãng mỹ phẩm vẫn cạnh tranh rất khốc liệt. Chính vì điều này, các doanh nghiệp Nhật vẫn luôn có sự thận trọng trong mở rộng thị trường.
>>Thị trường làm đẹp: "Đất màu" dành cho ai?
Phân tích vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, đối với ngành mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp, so với các doanh nghiệp Hàn Quốc, thì độ phủ của doanh nghiệp Nhật Bản thưa thớt hơn trông thấy. Song phải thừa nhận rằng, cách làm việc của doanh nghiệp Nhật bài bản hơn rất nhiều. Bởi một khi họ đã chọn lựa đối tác, điều này hứa hẹn mối quan hệ sẽ khá bền vững.
Còn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, không kể những nhãn hàng lớn thì "Hiện nay đang có rất nhiều doanh nghiệp tìm đến thị trường Việt Nam, song hầu hết là chưa có thương hiệu, đa phần là các doanh nghiệp nhỏ. Họ tìm đến với mong muốn tìm kiếm nhà phân phối để hỗ trợ trong việc quảng bá sản phẩm. Chính vì điều này, nếu doanh nghiệp Việt không thận trọng sẽ rất dễ rơi vào tình trạng "tiền mất, tật mang", ông Luận khuyến cáo.
Trước hiện trạng này, đại diện CLB Doanh nhân Sài Gòn – Asean cũng chia sẻ, nếu doanh nghiệp muốn tìm kiếm đối tác, cách tốt nhất là nên thông qua các tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề của các nước, nhằm hiểu hơn về nguồn gốc, xuất xứ của đối tác mà mình muốn làm ăn, để tránh những tổn hại không đáng có.