Kinh doanh

Hấp lực thị trường mỹ phẩm

Hồng Nga 11/06/2024 08:35

Với dân số hơn 100 triệu người lại rất quan tâm đến sức khỏe và làm đẹp, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với doanh nghiệp (DN) nước ngoài trong lĩnh vực mỹ phẩm.

Thị trường đầy tiềm năng

Theo Euromonitor International, thị trường chăm sóc sắc đẹp và cá nhân toàn cầu sẽ tăng lên 547 tỷ USD vào năm 2027, với mức độ tăng trưởng kép hàng năm từ 15-20%. Riêng tại Việt Nam, quy mô thị trường mỹ phẩm đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 6%, từ 2 tỷ USD năm 2016 lên gần 2,7 tỷ USD năm 2021 và sẽ đạt 3,5 tỷ USD vào năm 2026.

my-pham.jpg

Còn theo công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel, thị trường mỹ phẩm Việt Nam năm 2023 có giá trị khoảng 2,3 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm chăm sóc da được ưa chuộng nhất, với hơn 60% người tiêu dùng sử dụng mỗi ngày.

Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường cũng chỉ rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng dân số thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á. Khi thu nhập của người dân tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp bản thân cũng tăng lên và vì vậy mà thị trường bán lẻ mỹ phẩm cũng phát triển hơn.

Trên các sàn thương mại điện tử, báo cáo từ nền tảng phân tích số liệu thị trường của Metric cũng cho biết, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023, doanh số ngành hàng mỹ phẩm làm đẹp trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam đã cán mốc 22,2 nghìn tỷ đồng, tăng đến 74% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Chu Quốc Thịnh - Trưởng phòng Quản lý Mỹ phẩm (Cục quản lý Dược - Bộ Y tế) cho rằng, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang trở thành một thị trường tiềm năng và có sức hút rất lớn với các DN nước ngoài.

Theo phân tích của ông Thịnh, kinh tế Việt Nam có những bước tiến lớn, giữ được đà tăng trưởng, ổn định lạm phát, thu nhập bình quân đầu người tăng lên. Đi kèm với đó là nhu cầu làm đẹp, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người Việt đang gia tăng. Dự báo, năm 2024 và những năm tiếp theo, thị trường mỹ phẩm Việt sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ.

bieu-do-my-pham.jpeg

Không chỉ vậy, “với dân số 100 triệu người, Việt Nam là thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các nhà sản xuất, phân phối mỹ phẩm. Hiện các nhà đầu tư ngoại đang hướng về Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối mỹ phẩm” ông Thịnh cho biết.

Hút doanh nghiệp ngoại

Đánh giá cao về thị trường năng thị trường và đón đầu sự tăng trưởng trong ngành mỹ phẩm tại Việt Nam, các DN đã có những chiến lược hợp tác và kế hoạch lâu dài.

Ông Kim Kyung Hyo - Giám đốc bộ phận HDB (Home and Daily Beauty) LG Vina cho biết: “LG Vina đã lập kế hoạch mở rộng thị trường và gia tăng nhận diện thương hiệu cho thương hiệu Physiogel , dự kiến trong năm đầu tiên sẽ đạt doanh thu 20 tỷ đồng, và sau 5 năm, mức doanh thu có thể sẽ tăng lên 300 tỷ đồng”.

Cuối năm 2023, Alibaba International Digital Commerce Group (AIDC) cũng đã mua lại lượng cổ phần thiểu số của Hasaki Việt Nam để sở hữu chuỗi 140 cửa hàng mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe của công ty này, cả kênh bán hàng điện tử.

Trước đó, công ty thương mại điện tử về sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Social Bella của Indonesia cũng bước chân vào Việt Nam.

Tiềm năng thị trường cũng hút quỹ Mekong Capital rót vốn vào chuỗi cửa hàng Beauty Box. Đây là một chuỗi cửa hàng phân phối mỹ phẩm cao cấp nằm trong hệ sinh thái của HSV Group, nên cạnh Thefaceshop và Reebok.

Đến nay, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đã quy tụ hầu như đầy đủ các thương hiệu mỹ phẩm toàn cầu như L’Oreal, Kanebo, Ohui, Whoo, The Body Shop, The Faceshop, Shiseido, Yves Rocher, L’Occitane, Clarins, Pureté By Prôvence… Theo báo cáo của Vietnam Business Insider, có đến 93% sản phẩm mỹ phẩm bán tại Việt Nam là sản phẩm nhập khẩu. Trong đó, Hàn Quốc là nước xuất khẩu mỹ phẩm sang Việt Nam cao nhất với 30% thị phần, tiếp theo là châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ, còn lại là Singapore và Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hấp lực thị trường mỹ phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO