Cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị phần bán lẻ đang diễn ra rất quyết liệt, đầy kịch tính. Dự kiến kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng từ mức 20%/tổng doanh thu thị trường hiện nay lên mức 40% trong vài năm tới.
Đọc E-paper
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dân số đông, thu nhập của người Việt Nam ngày một cải thiện, tốc độ phát triển nhanh là những điều kiện cơ bản thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đó cũng là cơ hội và cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa khi phải cạnh tranh để tồn tại.
Theo thông tin từ Nikkei, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đầu tiên dự kiến sẽ mở ở Việt Nam vào tháng 2/2018. Trong vòng 10 năm tiếp sau đó, 7-Eleven dự kiến có 1.000 cửa hàng. Khoảng giữa năm 2015, 7-Eleven công bố đã ký hợp đồng nhượng quyền độc quyền tại Việt Nam, hợp tác giữa công ty con của 7-Eleven Nhật Bản có văn phòng tại Mỹ và liên doanh mới là Công ty Seven System Vietnam.
Phía Mỹ không công bố đối tác trong liên doanh Seven System, nhưng báo Nikkei Nhật Bản xác định đối tác chính là Công ty IFB Vietnam - công ty sở hữu thương hiệu nhượng quyền Pizza Hut tại Việt Nam. Dự kiến, cửa hàng đầu tiên sẽ được khai trương tại TP.HCM trong mục tiêu 100 cửa hàng trong 3 năm đầu tiên.
Theo thống kê của Stoxplus, liên tiếp trong năm 2014 - 2015, bán lẻ là một trong ba lĩnh vực dẫn đầu về M&A của khối ngoại vào Việt Nam, điển hình, năm ngoái, bán lẻ xếp thứ 3 với 7 thương vụ và giá trị đạt mức 165,5 triệu USD; trong khi năm 2014 là trên 800 triệu USD. Theo báo cáo của MAF (Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam), tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2015 đạt 5,2 tỷ USD và ước tính trong 7 tháng đầu năm 2016 là gần 3,5 tỷ USD. Viện Mua bán, Sáp nhập và Liên kết (IMAA) Thụy Sỹ dự báo năm 2016 quy mô M&A tại Việt Nam có thể đạt mức 600 thương vụ với tổng giá trị 6 tỷ USD, phá kỷ lục của năm 2015. |
Cuối tháng 7 vừa qua, nhà bán lẻ Takashimaya (có lịch sử 180 năm tại Nhật) đã mở một cửa hàng 15.000m2 tại Saigon Center ở TP.HCM, là cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Đại diện Takashimaya cho biết, dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao là những điểm thu hút của thị trường Việt Nam, nên Takashimaya quyết định đầu tư 6 tỷ yen (tương đương 57,6 triệu USD) vào Việt Nam.
Trước đó, một tập đoàn khác của Nhật là Aeon đã đầu tư khoảng 500 triệu USD xây dựng các Aeon mall. Tiêu chí để đại gia bán lẻ này chọn xây dựng những trung tâm thương mại lớn ở khu vực ngoại ô các thành phố lớn, nơi đáp ứng diện tích đất để xây dựng khu mua sắm, vui chơi, giải trí.
Aeon đặt mục tiêu mỗi trung tâm sẽ thu hút 12 - 14 triệu lượt khách mỗi năm. Hiện Aeon có 4 trung tâm thương mại đang hoạt động ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương. Ngoài trung tâm thương mại, Aeon cũng đẩy mạnh kinh doanh tại những siêu thị mà tập đoàn này nắm giữ cổ phần, đó là Citimart và Fivimart, và lên kết hoạch tăng từ 30 điểm bán ở những chuỗi liên kết này lên 100 điểm trong 3 năm tới.
Vào tháng 12/2015, sau 5 năm khảo sát và nghiên cứu thị trường, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Emart (thuộc Tập đoàn Shinsegae) đã khai trương siêu thị Emart đầu tiên tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Emart Gò Vấp có diện tích hơn 3ha với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD (tương đương 1.350 tỷ đồng), kinh doanh siêu thị và các dịch vụ tiện ích.
Đại gia bán lẻ Hàn Quốc là Lotte Group cũng bị hấp dẫn bởi thị trường Việt Nam, lên kế hoạch mở 60 siêu thị cho đến năm 2020. Trung tâm thương mại Lotte Mart thứ 12 (tại quận Gò Vấp, TP.HCM) đã được đưa vào khai thác hồi tháng 4/2016, với quy mô lớn hơn và bố trí khác so với Lotte Mart đầu tiên ở quận 7. Diện tích sàn trên 26.000m2, trung tâm này tích hợp siêu thị, khu mua sắm, khu hàng hóa nhập khẩu, khu vui chơi, giải trí, ẩm thực và nhiều khu làm đẹp.
Các nhà đầu tư Thái Lan cũng đã nhìn ra khả năng của thị trường bán lẻ Việt Nam và không ngần ngại bỏ tiền cho các thương vụ M&A trong năm 2015 và nửa đầu 2016 để mua lại Big C và Metro Cash & Carry Việt Nam.
Central Group (Thái Lan) đã trả hơn 1,1 tỷ USD để mua chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam. Phát triển tại Việt Nam 13 năm, doanh thu của chuỗi Big C đạt được khoảng 12.000 tỷ đồng/năm, đứng thứ 2 tại thị trường Việt Nam.
Tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan cũng đã bỏ ra 655 triệu euro để dành quyền sở hữu Metro Cash & Carry, đơn vị có doanh số xếp thứ 3 ở thị trường Việt Nam.
Liên doanh liên kết cũng là xu hướng được các nhà bán lẻ nước ngoài nhắm đến để thâm nhập thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ của Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua hình thức liên doanh, liên kết đã nắm giữ khoảng 20 - 40% cổ phần của một số doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, tổng doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam đạt 102 tỷ USD năm 2015 và dự báo sẽ đạt 179 tỷ USD vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng của thương mại bán lẻ đạt khoảng 11,9%/năm cho giai đoạn 2016 - 2020, so với năm 2010 - 2015 là 7,3%. Phát biểu tại Hội thảo "Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và thách thức" do Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương tổ chức, TS. Ngô Tuấn Anh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định, thị trường bán lẻ dự báo sẽ tăng trưởng khá nhanh và doanh thu có thể tăng từ 102 tỷ USD lên 179 tỷ USD trong 5 năm tới. Theo số liệu của tổ chức Economist Intelligence Unit, thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2018 sẽ đạt mức 123 tỷ USD, tốc độ tiêu dùng cá nhân của hộ gia đình Việt Nam sẽ tăng bình quân hằng năm khoảng 10,5%, khá hấp dẫn so với tốc độ tăng trưởng bình quân của nhiều quốc gia khác tại châu Á đang ở mức 5 - 8%. Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, hiện kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi) mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng thị trường, thấp hơn các nước Thái Lan (34%), Malaysia (60%), Trung Quốc (51%), Singapore (90%). Việc kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam còn sơ khai đồng nghĩa với có nhiều cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ khai thác. Theo Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng và có sức hấp dẫn cao, thể hiện qua thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao: năm 2015 bình quân trên đầu người đạt 1.890 USD, dân số đang trong "độ tuổi vàng" với 60% là người tiêu dùng trẻ. Báo cáo của Nielsen cho thấy tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, từ 12 triệu người năm 2014 lên 33 triệu người năm 2020, thói quen mua sắm thay đổi nhanh, nhu cầu mua sắm tăng cao, chi tiêu nhiều hơn cho du lịch, nghỉ dưỡng, nhanh nhạy với các ứng dụng công nghệ trên điện thoại, mạng xã hội nên thuận lợi cho thị trường bán lẻ phát triển. Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 tại Quyết định số 6184/QĐ-BCT. Theo đó, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại đạt bình quân 26 - 27%/năm vào năm 2015 và 29 - 30%/năm trong thời kỳ 2016 - 2020. Đến năm 2020, tỷ trọng chiếm khoảng 43 - 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội. Cả nước sẽ có từ 1.200 - 1.300 siêu thị vào năm 2020, tăng 585 - 695 siêu thị so với năm 2011, số trung tâm thương mại đến năm 2020 là 180 và 157 trung tâm mua sắm. Theo tính toán, tổng nhu cầu sử dụng đất cho siêu thị, trung tâm thương mại đến năm 2020 khoảng 5.751 - 6.183ha, trong đó nhu cầu sử dụng đất cho siêu thị là 2.526 - 2.958ha và trung tâm thương mại là 3.225 ha. |
>Kinh doanh bán lẻ là phải địa phương hóa
>Bí mật của chuỗi bán lẻ Timberland Boot
>Chinh phục khách hàng trong ngành bán lẻ