Văn hóa nghệ thuật

Thị hiếu khán giả Việt ngày càng khó tính

Đan Khanh 28/05/2024 - 15:50

Lịch chiếu dày đặc phản ánh thị trường điện ảnh sôi động nhưng tiền mua vé của khán giả không dành cho tất cả phim ra rạp.

Thị trường có sự tăng trưởng tốt

Đầu năm 2024, Quỷ cẩu của đạo diễn Lưu Thành Luân thu về hơn 108 tỷ đồng, lập kỷ lục về doanh thu của phim kinh dị Việt. Mai của đạo diễn Trấn Thành công chiếu mùa Tết, dẫn đầu danh sách phim Việt “ăn khách” nhất với 520 tỷ đồng doanh thu ở thị trường Việt Nam. Lật mặt 7 - Một điều ước của đạo diễn Lý Hải công chiếu dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đến ngày 7/5 thu về 395 tỷ đồng. Trái ngược với MaiLật mặt 7, sau Quỷ cẩu chưa có thêm phim Việt nào vượt con số 100 tỷ đồng, thậm chí khá nhiều phim Việt lại thua lỗ. Gặp lại chị bầu cũng chiếu dịp Tết, chỉ thu về 92 tỷ đồng, Đào, phở và piano là “hiện tượng phòng vé” song doanh thu chỉ hơn 20 tỷ đồng, Cái giá của hạnh phúc chiếu trước Lật mặt 7 một tuần, chỉ thu hơn 26 tỷ đồng.

canh-trong-phim-lat-mat-7.jpg
Cảnh trong phim Lật mặt 7 - Một điều ước

Thành công ở phòng vé của Mai, Lật mặt 7 mang đến sự lạc quan rằng, phim Việt có thể “làm chủ cuộc chơi”, thay vì bị phim ngoại “đè bẹp” trên chính “sân nhà” như trước đây.

Theo Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, tính từ đầu năm đến ngày 8/5, phòng vé Việt đạt doanh thu hơn 2.019 tỷ đồng (năm 2023, đạt gần 3.700 tỷ đồng, tương đương khoảng 90% trước đại dịch Covid-19, từ tổng số 1.100 rạp chiếu trên cả nước).

So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu toàn ngành điện ảnh (tính đến ngày 8/5) tăng hơn 380 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này là do sự mở rộng hệ thống rạp chiếu của các nhà phát hành nước ngoài như CJ CGV và Lotte Cinema, cùng các cụm rạp nội địa của Galaxy Cinema và BHD Star Cineplex. Gần đây, có thêm các cụm rạp của Beta Cinema và Cinestar với giá vé thấp hơn. Mặt khác, các nhà sản xuất phim Việt đã và đang thử nghiệm đa dạng thể loại và tăng số lượng phim ra rạp nhiều. Trong đó có phim lập kỷ lục về doanh thu như Mai, Lật mặt 7 hoặc Quỷ cẩu...

Đâu là thị hiếu của khán giả Việt

canh-trong-phim-ngay-xua-co-mot-chuyen-tinh.jpg
Cảnh trong phim Ngày xưa có một chuyện tình

Trong một bài báo đăng trên tờ The Deadline (Mỹ) cuối tháng 2 vừa qua, đại diện của CJ HK - công ty liên doanh giữa CJ ENM Việt Nam (Hàn Quốc) và HKFilm (Việt Nam) cho biết, khán giả đến rạp đa số là người trẻ, ước tính có tới 80% dưới 29 tuổi. Vì vậy, nhóm tuổi đó về cơ bản đang quyết định của thị trường điện ảnh Việt Nam khi nội dung phim lãng mạn, hài và kinh dị, nhất là phim Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia. Đặc biệt đây cũng là nhóm tuổi có nhiều hoạt động tích cực trên mạng xã hội, như TikTok và Instagram, và phản ứng rất nhanh chóng đối với chất lượng của từng bộ phim. Đào, phở và piano trở thành “hiện tượng” trong dịp Tết vừa qua là nhờ hiệu ứng truyền thông của khán giả trẻ trên không gian mạng.

Thực tế gần đây cho thấy, khán giả Việt có vẻ ưa thích phim Việt hơn phim Hollywood. Hai phim hoạt hình Nhật Bản là Thám tử lừng danh ConanDoreamon cũng được xếp hạng trong Top 10.

Kết quả ấy phản ánh một thực tế là khi nguồn cung cấp phim mới của các hãng phim Mỹ chậm lại do ảnh hưởng kép của Covid-19 và các cuộc đình công ở Hollywood, đồng thời khán giả gen Z đang ngày càng nghiêng về nội dung phù hợp hơn với văn hóa bản địa. Ông Nguyễn Hoàng Quân - Giám đốc Điều hành ProductionQ, giải thích rằng, các phim kinh dị như Bắc kim thang, Chuyện ma gần nhà, Kẻ ăn hồn... thành công về doanh thu bởi nội dung có câu chuyện bắt nguồn từ văn hóa và truyền thống dân gian, hay chuyển thể từ tiểu thuyết của các nhà văn có lượng khán giả gen Z đông đảo. Kẻ ăn hồn - phim kinh dị cổ trang đầu tiên của Việt Nam dựa trên tiểu thuyết bán chạy Tết ở làng Địa Ngục của Thảo Trang.

Trước đại dịch, Việt Nam sản xuất khoảng 40-45 phim mỗi năm, nhưng hiện còn hơn 30 phim, vì kinh phí tăng cao, lại ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Tuy vậy, trong số phim đã và đang, sắp thực hiện, dễ dàng nhận thấy các nhà làm phim có xu hướng tập trung khai thác câu chuyện dựa trên chất liệu lịch sử, văn hóa, truyền thống dân gian hoặc chuyển thể từ tác phẩm văn học được giới trẻ ưa thích. Đây là nguồn chất liệu vô cùng phong phú, dễ tạo sự gần gũi, cảm xúc cho khán giả Việt. Như Vầng trăng thơ ấu kể về thời niên thiếu của Bác Hồ, Hoàng hậu cuối cùng kể về cuộc đời hoàng hậu Nam Phương, Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối thuộc thể loại lịch sử chiến tranh, Con Cám kể về một nhân vật cổ tích Việt Nam với góc nhìn mới, Công tử Bạc Liêu lấy cảm hứng từ cuộc đời nhiều thăng trầm của Trần Trinh Huy và những giai thoại dân gian, Linh miêu khai thác truyền thuyết kinh dị dân gian, Ngày xưa có một chuyện tìnhKính vạn hoa đều chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Đồi thông hai mộ, Nhà gia tiên, Cô dâu hào môn, Đèn âm hồ, Móng vuốt... Loạt phim này sẽ lần lượt công chiếu từ nay kéo qua năm sau, hứa hẹn tiếp cận được thị hiếu của khán giả và giúp phim Việt “làm chủ cuộc chơi” trên thị trường chiếu rạp nội địa.

canh-trong-phim-vang-trang-tho-au.jpg
Cảnh trong phim Vầng trăng thơ ấu

Đại diện của Mockingbird Pictures (gần đây phát hành phim Quỷ ăn tạng của điện ảnh Thái Lan, thu hơn 54 tỷ đồng ở thị trường Việt Nam) nhận xét: “Giá trị sản xuất, cách tiếp thị và cốt truyện là những yếu tố quyết định sự thành công của một bộ phim ở Việt Nam”. Một nhân tố quan trọng nhất để thúc đẩy thị trường điện ảnh Việt đi lên là phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy thị hiếu vẫn luôn khó lường, song rõ ràng khán giả Việt Nam ngày càng khó tính hơn nên lựa chọn những phim chỉn chu, có đầu tư, có thương hiệu để mua vé.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị hiếu khán giả Việt ngày càng khó tính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO