Premier League trước "giờ G" Brexit

THÁI VY| 12/07/2016 00:32

Có một nghịch lý: Bất chấp việc nước Anh rời EU (Brexit) đe dọa các yếu tố tài chính, Giải bóng đá ngoại hạng Anh (Premier League) vẫn tỏ ra "sống khỏe" trên thị trường chuyển nhượng.

Premier League trước

Có một nghịch lý: Bất chấp việc nước Anh rời EU (Brexit) đe dọa các yếu tố tài chính, Giải bóng đá ngoại hạng Anh (Premier League) vẫn tỏ ra "sống khỏe" trên thị trường chuyển nhượng.

Đọc E-paper

Khi Jose Mourinho cập bến Manchester United (M.U) và có buổi họp báo đầu tiên tại câu lạc bộ mới, ông khẳng định M.U sẽ đón khoảng 4 tân binh. Đã có 3 cái tên xuất hiện, gồm Zlatan Ibrahimovic, Henrikh Mkhitaryan và Eric Bailly.

Ngoại trừ Ibrahimovic đến theo diện miễn phí (nhưng mức lương khoảng 220.000 bảng/tuần), hai cầu thủ còn lại tiêu tốn của M.U 56 triệu bảng. Nhân vật thứ tư trong tầm ngắm của ông Mourinho là Blaise Matuidi của Paris St. Germain và đặc biệt là Paul Pogba, người có thể về sân Old Trafford với mức giá không tưởng: 100 triệu bảng.

Thả sức mua sắm

Cuộc "cách mạng" được chờ đợi của M.U phiên bản Mourinho đang diễn ra rất nhanh và nhiều tín hiệu tích cực. Thế nhưng cũng như mọi năm, M.U không phải là cái tên duy nhất thực hiện những vụ chuyển nhượng lớn trong một giải đấu được đánh giá giàu có và hấp dẫn bậc nhất thế giới như Premier League.

Manchester City và Chelsea, những đội bóng đi đầu trong cuộc "cách mạng kim tiền" cũng đã thay đổi huấn luyện viên và triển khai kế hoạch chuyển nhượng đáng chú ý.

Man City đã có Gundogan (Dortmund, 20 triệu bảng), Nolito (Celta Vigo, 13,8 triệu bảng ) cùng hai cầu thủ khác. Chelsea đã mua Michy Batshuayi từ Marseille với giá 33,2 triệu bảng. Cả hai đội này, với những huấn luyện viên nổi tiếng như Pep Guardiola và Antonio Conte, chắc chắn sẽ chi không dưới 70 triệu bảng trong phiên chợ Hè năm nay.

Vài ngày qua, ánh mắt cũng đổ dồn về Arsene Wenger của Arsenal, người đã lộ rõ ý định chiêu mộ tiền đạo Alvaro Morata của Real Madrid và đặt lên bàn đàm phán số tiền 43 triệu bảng cho tiền vệ Julian Draxler từ Wolfsburg.

Trước đó, Arsenal đã có Granit Xhaka với giá 30 triệu bảng. Thậm chí với Crystal Palace, một đội bóng khá ở Premier League, mùa Hè năm nay cũng khởi động khá mạnh mẽ với hai bản hợp đồng trên 10 triệu bảng, và đang hỏi mua tiền đạo Benteke của Liverpool với giá 30 triệu bảng.

Trong những bản hợp đồng đã kể, có một điểm đáng chú ý là ngoại trừ Palace, các "đại gia" bóng đá Anh đều mua cầu thủ nước ngoài và đang nhắm tiếp những mục tiêu ở nước ngoài. Đó là một nghịch lý nho nhỏ so với nhận định ban đầu của chuyên gia về một Premier League suy yếu do Brexit.

Yếu tố thị trường tác động ngược

Báo chí Anh đã tìm tới Arsene Wenger, một huấn luyện viên có bằng thạc sĩ kinh tế của Arsenal, để hỏi về tác động của Brexit. Trả lời hôm 5/7, huấn luyện viên người Pháp khẳng định ông có phần ngạc nhiên, thậm chí sốc với Brexit. Tuy nhiên, ông Wenger khẳng định Brexit sẽ làm hại Premier League "trong trung hạn và dài hạn", chứ không phải vào lúc này.

Sau cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tháng 6 qua, Anh gần như chắc chắn sẽ rời EU. Tuy nhiên, nước này đang có cuộc bầu cử Thủ tướng sau khi ông David Cameron từ chức và vẫn chưa kích hoạt Điều khoản 50 để chính thức bước vào các cuộc đàm phán rời EU, một giai đoạn có thể diễn ra 2, 5 hoặc thậm chí 7 năm.

Điều đó nói lên rằng chí ít ở thời điểm hiện tại, Premier League vẫn còn "sống khỏe". Việc đồng bảng Anh tụt giá khá lớn so với USD (1 bảng đổi 1,3 USD ngày 8/7) đã gây ra hiệu quả tiêu cực cho các cuộc chuyển nhượng, song những diễn biến trên thị trường này cũng mang nét tương đồng với các thị trường khác.

Báo Business Insider ngày 5/7 dẫn chuyện của Ibrahimovic gia nhập M.U, khẳng định tiền đạo này sẽ nhận lương ít hơn con số 220.000 bảng/tuần (289.000 USD) với lý do đơn giản do đồng bảng rớt giá. Thế nhưng, vì mức lương này quá cao nên Ibra cũng không mảy may để ý tới tỷ giá làm gì, hơn nữa, các cuộc đàm phán điều khoản cá nhân đã diễn ra trước Brexit.

Theo đánh giá của ông Wenger, Brexit sẽ mang hệ lụy lâu dài liên quan tới tiền lương, sức hút với cầu thủ và chất lượng giải đấu. Điều này khiến Premier League khó đòi hỏi mức giá cao hơn nơi các nhà đài cho tiền bản quyền truyền hình. Tâm lý sợ hãi trong lúc chờ đợi đồng bảng rớt giá và viễn cảnh tồi tệ lúc này lại có thể kích thích các câu lạc bộ Premier League chi đậm để tranh thủ "đầu cơ” các ngôi sao nhằm dự trù tương lai.

Những điểm trên vẫn chưa đề cập tới sức mạnh tài chính của nhóm các đội đang thuộc sở hữu của những ông chủ nước ngoài. Cả 5 đội bóng mạnh nhất nước Anh lúc này là Arsenal, Chelsea, Man City, M.U, Liverpool đều do các ông chủ Nga, Mỹ và Trung Đông sở hữu. Các đội nhỏ hơn như Crystal Palace và đương kim vô địch Leicester City cũng có ông chủ Mỹ và Thái Lan. Premier League vì thế không hoàn toàn là cuộc chơi của người Anh. 

>Brexit sẽ khiến Premier League "phá sản"?

>Những “cuộc chiến” sinh tử ở Premier League

> Giải Ngoại hạng Anh: Không chỉ là chuyện quảng cáo...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Premier League trước "giờ G" Brexit
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO