EURO 2016 trong nỗi lo khủng bố

TUẤN HẢI| 02/06/2016 09:05

Chủ nghĩa khủng bố và những kẻ côn đồ (hooligan) đang khiến Vòng chung kết EURO 2016 tại Pháp mùa Hè này trở nên đặc biệt, nhưng theo cách không mấy vui vẻ.

EURO 2016 trong nỗi lo khủng bố

Chủ nghĩa khủng bố và những kẻ côn đồ (hooligan) đang khiến Vòng chung kết EURO 2016 tại Pháp mùa Hè này trở nên đặc biệt, nhưng theo cách không mấy vui vẻ.

Đọc E-paper

Sẽ có 42.000 cảnh sát và 30.000 lính sen đầm, bao gồm những đặc nhiệm thuộc lực lượng Đặc nhiệm Hoàng gia Anh (SAS) sẽ được triển khai tại Pháp cho một tháng của EURO 2016 tới đây, tờ Express (Anh) hôm 25/5 dẫn Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho hay.

Bên cạnh đó, ban tổ chức giải bóng đá vô địch các quốc gia châu Âu cũng sẽ triển khai 10.000 nhân viên từ các công ty tư nhân, và thêm 200 nhân viên cảnh sát nước ngoài sẽ phối với người Pháp xung quanh sân vận động, khu vực của người hâm mộ cũng như sân bay.

Bầu không khí ám ảnh trước đại hội

Giải vô địch bóng đá các nước châu Âu (EURO) năm nay diễn ra từ ngày 10/6 tới 10/7. Đây là khoảng thời gian rất đặc biệt vì nó diễn ra chỉ 6 tháng sau khi nước Pháp hứng chịu một loạt cuộc tấn công đẫm máu ngay tại thủ đô Paris (ngày 13/11/2015) và một trong số đó diễn ra bên ngoài sân vận động Stade de France.

Các báo cáo của cảnh sát về cuộc tấn công Paris cho thấy những kẻ thực hiện đã chuẩn bị mọi thứ từ Bỉ, nước láng giềng của Pháp. Bỉ cũng là một "thiên đường" buôn lậu vũ khí và sẽ nằm trong danh sách những địa điểm bị chú ý đặc biệt. Trong lúc người Pháp đang choáng váng, mối lo kể trên nhanh chóng biến thành hiện thực khi thủ đô Brussels của Bỉ bị khủng bố vào tháng 3 làm hàng chục người chết.

Đáng sợ hơn nữa, vào tháng 4 năm nay một trong những nghi phạm của vụ tấn công Bỉ đã khai rằng trên thực tế chúng đã định nhắm vào vòng chung kết EURO 2016, đúng với những điều nhà cầm quyền lo lắng.

Được xem là một trong những sự kiện thể thao đáng chú ý nhất thế giới, giải EURO lần này dự kiến thu hút 2,5 triệu người hâm mộ, đa phần là người nước ngoài đến Pháp. Với 24 đội tuyển tham dự và 10 địa điểm tổ chức giải, rõ ràng quy mô và lượng người quá đông sẽ gây sức ép cho cơ quan an ninh Pháp.

Trong khi đó, tổ chức gắn liền với các cuộc khủng bố tại Bỉ và Pháp vừa qua là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS hay ISIS) đang bị Mỹ, Nga và liên quân đồng loạt không kích tại sào huyệt ở Syria và Iraq.

Các chuyên gia về khủng bố nói rằng IS một khi chịu áp lực càng lớn ở "trụ sở", sẽ tiến hành tấn công mạnh mẽ hơn ở khắp thế giới. Việc đánh vào Brussels và Paris là cách IS tạo tiếng vang, thu hút các tay súng về đầu quân, và trả đũa người phương Tây. Chưa bao giờ một ngày hội thể thao lớn phải chịu áp lực khủng bố lớn như lần này.

Nghi phạm Mohamed Abrini thừa nhận là "người đàn ông đội mũ” trong cuộc tấn công Brussels, và tiết lộ đáng ra kế hoạch đầu tiên của chúng là tấn công EURO 2016 - Ảnh: AFP

Siết chặt an ninh

Ông Patrick Calvar, người đứng đầu cơ quan tình báo Tổng cục An ninh nội địa Pháp (DGSI), nói với Ủy ban Quốc phòng tại Quốc hội Pháp hôm 26/5 rằng câu hỏi về khủng bố tại EURO 2016 bây giờ không phải "nếu" nữa, mà là "ở đâu" và "khi nào". Như vậy, tất cả đều đã chuẩn bị tinh thần để ứng phó với nạn khủng bố.

Bên cạnh các sân bay, nhà ga, sân vận động, điểm đáng lo nhất là nơi dành cho cổ động viên. Ngoài khoảng 2,5 triệu người có vé vào sân, con số du khách tới nước Pháp nhân kỳ EURO này (sẽ tập trung ở màn hình lớn được bố trí tại nhiều địa điểm) có thể lên tới 10 triệu người. Vì vậy có thể nói, khu vực dành cho người hâm mộ (fan zone) sẽ được "chăm sóc" đặc biệt cẩn thận.

Chính phủ Pháp đã chi 8 triệu EURO dành riêng cho việc kiểm soát an ninh nơi người hâm mộ, trong đó riêng 1,9 triệu EURO dùng cho hệ thống giám sát trên 10 thành phố tổ chức EURO.

Cựu sĩ quan cảnh sát Pháp Frederic Pechenard nói rằng lượng lớn cổ động viên gần tháp Eiffel sẽ tạo ra cơ hội lớn cho những kẻ khủng bố, và rằng "Thật điên nếu nghĩ rằng các anh có thể đặt 100.000 người vào khu vực tháp Eiffel mỗi đêm mà không đối diện với bất kỳ nguy cơ nào".

Ngoài những thảm họa khủng bố, một vấn đề không nhỏ nữa là nạn bạo lực. Các hooligan đã gần như là "sản phẩm" không thể thiếu tại các ngày hội bóng đá.

Tuy nhiên với riêng nước Pháp, khu vực tập trung người đạo Hồi lớn bậc nhất châu Âu, một nước đa sắc tộc, nguy cơ khủng bố cực đoan cũng song hành cùng các vụ ẩu đả. Đơn giản vì khi người đạo Hồi mang tiếng vì những kẻ cực đoan, họ cũng trở thành đối tượng cho những cá nhân ác cảm với họ.

>Pháp triển khai đặc nhiệm GIGN cho Tour de France

>IS - tổ chức khủng bố có tiềm lực tài chính mạnh nhất trong lịch sử

> Sau khủng bố, cuộc sống ở Pháp vẫn "màu hồng"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EURO 2016 trong nỗi lo khủng bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO