"Bông hồng thép" đã dừng cuộc chơi

PHƯƠNG VY| 24/09/2014 09:26

Li Na được xem như một tài năng nở muộn của làng quần vợt thế giới. Chính vì thế, khi cô công bố quyết định giải nghệ, có cảm giác như đó là một sự chia tay quá sớm.

Li Na được xem như một tài năng nở muộn của làng quần vợt thế giới. Chính vì thế, khi cô công bố quyết định giải nghệ, có cảm giác như đó là một sự chia tay quá sớm.

Đọc E-paper

Từ giã sự nghiệp sau chấn thương đầu gối dai dẳng ở tuổi 32 và 6 tháng, Li Na thật ra vẫn còn thi đấu lâu hơn những tay vợt lớn khác của làng banh nỉ như Monica Seles, Steffi Graf, Amélie Mauresmo, Kim Clijsters và Justine Henin.

Bông hoa nở muộn

Li bắt đầu sự nghiệp nhà nghề khi mới 17 tuổi (năm 1999), nhưng trong những năm đầu của sự nghiệp, cô hầu như chỉ thi đấu ở các giải trong hệ thống ITF. Sau đó, vì mâu thuẫn với Liên đoàn Quần vợt Trung Quốc, cô từng chia tay quần vợt trong hai năm để theo học đại học (chuyên ngành báo chí).

Đến năm 2004, cô mới quay trở lại sân quần. Sự nghiệp của Li bởi thế chỉ đạt đến đỉnh cao khi cô đã có tuổi, đã cải thiện được những cú forehand cùng sự tự tin, cũng như pha trộn được tư duy chiến thuật Đông và Tây. Nên nhớ, trong kỷ nguyên Open (từ năm 1968), chưa có tay vợt nữ nào giành 2 danh hiệu Grand Slam đầu tiên khi đã bước qua tuổi 29.

Những ngôi sao Trung Quốc có thành tích xuất sắc ở các môn thể thao phương Tây thống trị đều có chỗ đứng trong ngôi đền của những huyền thoại. Có thể liệt kê vài tên tuổi lớn như Liu Xiang (chạy vượt rào), Yao Ming (bóng rổ), và bây giờ là Sun Yang (bơi lội).

Li, từng là một tài năng trẻ môn cầu lông, nay đã là người Trung Quốc và người châu Á đầu tiên giành được một Grand Slam, và giống như Yao Ming, cô cũng có cá tính hướng ngoại và phù hợp với phương Tây.

Thật vậy, trái với nhiều vận động viên Trung Quốc, ngoại ngữ không phải là rào cản đối với Li Na, và phong cách sống của cô cũng vậy. Cô có một hình xăm ở ngực, đeo khuyên trên đỉnh tai. Về cá tính của Li thì nhiều người biết. Thất vọng vì cơ chế trói buộc của quần vợt nước nhà, cô giải nghệ để đi học đại học và "sống thử" cùng Jiang Shan trước khi cưới.

Tấm gương cho thế hệ trẻ

Tại Australian Open 2006, Zheng và Yan Zi trở thành người Trung Quốc đầu tiên giành một Grand Slam ở nội dung đôi. Năm 2008, Zheng (khi đó xếp hạng 133 WTA) cũng trở thành tay vợt Trung Quốc đầu tiên lọt vào bán kết Grand Slam. Nhưng Li mới là người đầu tiên thực sự chinh phục được Grand Slam. Đó là thành quả kết hợp giữa tài năng, cá tính của cô cùng sự giúp sức của các huấn luyện viên nước ngoài.

Max Eisenbud, người đại diện của Li, nhận xét rằng: "Kể cả khi Peng Shuai và Zheng Jie có đi theo con đường ấy, họ cũng không thể làm được như Li". Ông lấy ví dụ về việc Đức từng thống trị làng banh nỉ với Steffi Graf và Boris Bekcer, nhưng sau đó họ gần như biến mất. Và kể từ khi Yao Ming giải nghệ, các cầu thủ bóng rổ Trung Quốc không còn đất ở N.B.A nữa.

Dẫu sao, Li cũng là một tấm gương sáng với thế hệ kế cận của quần vợt Trung Quốc, và việc cô tuyên bố sẽ tham gia vào một dự án để nâng tầm quần vợt nước nhà là một thông tin tích cực.

Cùng với hãng quản lý của mình mang tên IMG, Li dự định xây dựng một học viện quần vợt uy tín để nuôi dưỡng các tài năng trẻ giàu triển vọng mà ở đó, các tay vợt sẽ được định hướng rõ ràng về tương lai và không bị trói buộc bởi các cơ chế. Eisenbud cho rằng nếu được đầu tư bài bản, có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục có Grand Slam trong vòng 10 năm tới. Nhưng dù sao đó vẫn là thì tương lai, còn hiện tại, sự ra đi của Li sẽ để lại một khoảng trống không nhỏ.

Li Na

Sinh ngày: 26/2/1982
Cao: 1m72
Thuận tay phải (trái tay hai tay)
Thi đấu chuyên nghiệp từ: 1999
Danh hiệu WTA: 9 (2 Grand Slam)
Danh hiệu ITF: 19
Thứ hạng cao nhất: 2 (17/92/2014)
Tiền thưởng: 16.709.074 USD

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Bông hồng thép" đã dừng cuộc chơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO