Thành phố thay đổi hàng ngày vì mục tiêu xanh
Đã từng trải nghiệm cuộc sống tại cả châu Âu và nhiều quốc gia châu Á, tôi nhìn thấy ở TP.HCM những khác biệt và tư thế sẵn sàng vươn mình trong hành trình xanh hóa.
Năm 2012, lần đầu tiên đặt chân đến TP.HCM, tôi đã ấn tượng sâu sắc với thành phố này. Năm 2020, một lần nữa tôi trở lại TP.HCM với vai trò mới là Tổng giám đốc Sika Việt Nam. Dù trong thời điểm đại dịch Covid-19 căng thẳng, nhưng TP.HCM vẫn không mất đi sức sống vốn có. Thành phố hồi phục nhanh chóng và bước vào hành trình mới căng tràn nhiều kỳ vọng mới.
Khác với khung cảnh cao ốc chọc trời ở Singapore, giao thông dày đặc ở Jakarta, mật độ bê tông kín kẽ ở Bangkok, TP.HCM có nhiều khoảng thở giữa các tòa nhà (và điều này không liên quan đến mức độ phát triển kinh tế), giao thông linh hoạt, sự hoà hợp tự nhiên giữa yếu tố đô thị hoá và nếp sống truyền thống. Cuộc sống vỉa hè của cư dân là điểm khiến tôi thích thú khi quan sát. Không phải thành phố nào ở châu Á cũng có văn hoá ăn sáng, đọc báo vui vẻ trên vỉa hè mỗi sáng, hoặc hẹn nhau “làm” vài đĩa ốc, tô hủ tíu ngay trên lề đường khi thành phố lên đèn. Ở TP.HCM, bất kể bạn sống ở khu vực nào, cũng có thể dễ dàng kết nối mọi hoạt động, tận hưởng mọi tiện nghi. Ở căn hộ quận 1, nhà thuê quận 3 hay nhà phố ngoại thành… cư dân chỉ cần bước ra đường và mọi nhu cầu đều được đáp ứng, dù là ngồi cà phê bình dân, ăn trưa sang trọng cho đến chơi thể thao, giao lưu nghệ thuật... Nếu cần mua sắm, cửa hàng tạp hoá, chợ truyền thống đan xen cửa hàng tiện lợi ở khắp mọi nơi. Với tôi, sự cân bằng giữa bố cục hiện đại và sắc màu bản địa là điều đưa TP.HCM vượt lên trên nhiều đô thị châu Á khác.
Tôi nhận thấy, sự cân bằng này của TP.HCM cũng có vài điểm tương đồng với Vienna - một điển hình của thành phố xanh và phát triển bền vững, nơi không gian xanh chung sống hoà bình với công trình hiện đại, kết nối nhanh chóng nhưng không quá đông đúc, sản phẩm dịch vụ đa dạng nhưng sắp xếp hợp lý... Một thành phố sống trong thời kỳ hiện đại nhưng vẫn bảo tồn hơi thở của một vùng đất có bề dày hàng trăm năm lịch sử nhờ vào chính sách phát triển xanh và bền vững của vương quốc Áo.
Tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, câu chuyện phát triển một thành phố xanh như Vienna đã và đang là định hướng của Chính phủ. Là một người nước ngoài, tôi nhìn thấy tinh thần đồng lòng và sự hợp tác của người dân, dù quá trình chuyển đổi này cần nhiều thời gian. Tin tốt là các quốc gia khác ở châu Á, châu Âu hay châu Mỹ đi theo con đường bền vững đã có giai đoạn dài thử nghiệm, học hỏi để đúc rút các bài học có giá trị thực tiễn, giúp các nhà lãnh đạo có thể sắp xếp đường sông, đường bộ, cao tốc, cao ốc, công viên, tàu điện…. vào chung một đô thị mà không vượt quá phạm vi chống chịu của thành phố. Đây là lợi thế cho những thành phố “khởi hành” sau như TPHCM. Ngoài ra, thành phố có ba lợi thế quan trọng để chuyển đổi, đó là hệ sinh thái đô thị sẵn có không quá phức tạp, sự cân bằng trong các yếu tố và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam.
Gắn bó 4 năm tại đầu tàu kinh tế này, tôi chứng kiến những thay đổi hàng ngày vì mục tiêu xanh. Mặc dù vẫn có một điểm đáng buồn là những dòng sông, con kênh vẫn là “điểm đen” khi câu chuyện xử lý nước thải còn chưa được xúc tiến triệt để, nhưng tôi tin chúng ta sẽ tìm ra giải pháp, và thực tế rằng tất cả đều đang cố gắng vì tương lai những dòng kênh trở nên trong sạch, hệ thống thoát nước hoạt động dễ dàng hơn. Đứng ở vai trò một người dẫn dắt doanh nghiệp, tôi chắc chắn xanh hoá là quá trình hợp tác từ những điều nhỏ nhất. Từ những ngày đầu tiên, Sika Việt Nam kiên tâm với trách nhiệm cung cấp sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường cho các dự án về nước như xử lý nước uống và nước thải. Đặc biệt, chúng tôi tự hào về khả năng cung cấp chất phụ gia giảm nước tiên tiến giúp các doanh nghiệp xi măng địa phương vừa tiết kiệm nước, vừa cải thiện hiệu suất sản phẩm.
Nhưng xanh hóa không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các giải pháp bền vững, mà còn là cách chúng ta hành động hằng ngày. Tại Sika, chúng tôi nỗ lực đóng góp vào tương lai xanh hoá trong mỗi bước chân: từ đầu tư mới các thiết bị giảm khí thải CO2 trong nhà máy, trang bị xe điện để di chuyển nội bộ, loại bỏ tối đa rác thải nhựa… cho đến liên tục đo lường và theo dõi chặt chẽ lượng khí thải CO2 trong quá trình hoạt động, qua đó đặt ra tham vọng giảm phát thải theo từng năm. Tinh thần hướng đến tương lai xanh bền vững là điểm chung của chúng tôi khi đến đất nước Việt Nam này. Đây cũng chính là động lực để mỗi nhân công, trưởng nhà máy, nhân viên văn phòng, cấp lãnh đạo… của Sika không ngừng mang đến các giải pháp bền vững, góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm mà họ sử dụng trong xây dựng.
Tôi tin rằng tinh thần này cũng là động lực để người dân đẩy mạnh hành động vì mục tiêu khoác chiếc áo xanh cho thành phố họ yêu. Năng lượng căng tràn, sức vươn lên mãnh liệt của TP.HCM là điều tôi chưa bao giờ nghi ngờ. Vì vậy, con đường xanh hoá có lẽ sẽ sớm ngày không còn là một thuật ngữ, mà thực sự sẽ là những con đường chúng ta đặt chân hằng ngày khi rảo bước quanh TP.HCM.
(*) Tổng Giám đốc Sika Việt Nam