Thời sự

Tăng lương có làm giảm năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực?

Khánh Hưng 10/07/2024 - 11:52

Có ý kiến cho rằng, việc tăng lương có thể làm giảm năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội có nhiều góc nhìn khác.

buisyloi-16771498183081463720314-16772045804371613710350.jpg
TS. Bùi Sỹ Lợi

* Theo ông, việc tăng lương tối thiểu hai năm liên tục có làm mất lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực “giá rẻ” của Việt Nam so với các quốc gia khác?

- Đợt tăng lương lần này của Việt Nam không tác động nhiều đến khu vực sản xuất, kinh doanh. Từ 1/7, mức lương cơ sở tăng 30%, tuy nhiên, mức lương tối thiểu vùng chỉ tăng thêm 6%, đúng theo Bộ Luật Lao động quy định, tức mỗi năm tiền lương phải được nâng bằng chỉ số trượt giá và tốc độ tăng năng suất lao động. Mức lương tối thiểu vùng sẽ do Chính phủ quyết định và công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Mức lương tối thiểu vùng hầu như đều tăng dần qua các năm. Riêng năm 2021 và sang đầu năm 2022, mức lương tối thiểu vùng không tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Mục tiêu của việc nâng lương hằng năm nhằm cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giải quyết vấn đề trượt giá, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người dân. Sau khi tăng, mức lương tối thiểu của Việt Nam vẫn thấp hơn so với khu vực vì hầu hết các nước đều ở mức trên 200 USD, đồng thời cũng thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu 2.420 nhân dân tệ (332 USD) ở Trung Quốc. Mức điều chỉnh 6% được đánh giá là hợp lý, không gây ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất. Theo quy luật thị trường, điều này cũng không ảnh hưởng đến việc cạnh tranh quốc gia.

* Còn với doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam, ông đánh giá thế nào về tác động của việc tăng lương tối thiểu đến họ?

- DN nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này. Thứ nhất, họ phải tuân thủ quy định khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Thứ hai, họ ủng hộ việc tăng lương tối thiểu cho người lao động. Trong bối cảnh trượt giá, nâng lương thỏa đáng là khuyến khích, động viên người lao động tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, nếu nâng lương quá mức khiến ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của DN khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Chính mức tăng 6% ổn định là cách cạnh tranh và thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư làm ăn tại Việt Nam.

546546.jpg

* Không chỉ có Việt Nam mà một số quốc gia Đông Nam Á sẽ tăng lương vào nửa cuối năm nay. Phải chăng lao động giá rẻ không còn là điểm “ưu tiên”, không còn là lợi thế cạnh tranh, thưa ông?

- Đã hết thời chúng ta trải “chiếu đỏ” đón DN FDI vào vì nguồn nhân lực giá rẻ. Trước đây, kinh tế còn chậm phát triển, nguồn nhân lực có chất lượng chưa cao, số lượng lại dồi dào thì chúng ta lấy đó làm lợi thế. Còn hiện nay đã thay đổi hoàn toàn, vì điều ấy không thể giúp đất nước thịnh vượng. Dần dần lao động rẻ, tay nghề kém sẽ mất việc làm.

Nguồn cung nhân lực của ta chuẩn bị bước vào giai đoạn già hóa, rồi sẽ có nguy cơ thiếu. Ta cần ưu tiên nguồn lao động cho DN công nghệ cao, công nghệ mới và nguồn lao động chất lượng cao ấy sẽ được DN trả lương xứng đáng.

* Vậy theo ông, lợi thế cạnh tranh hiện tại của Việt Nam là gì?

- Đất nước ta vẫn còn trong giai đoạn dân số vàng, vẫn đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cao, kiến thức tốt cho DN FDI. Lao động của Việt Nam được đánh giá là có tinh thần trách nhiệm cao, tác phong chuyên nghiệp, ý thức gắn bó với tổ chức tốt. Đó là những điểm mà DN trong nước cũng như nước ngoài rất cần.

Việt Nam cũng cạnh tranh bằng hệ thống pháp luật, thể chế rõ ràng, có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho DN đầu tư; có mối quan hệ hài hoà, tiến bộ giữa đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Hiện tượng đình công cũng rất ít nên Việt Nam được xem là môi trường đầu tư thuận lợi.

Thời gian qua, Việt Nam đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực song song với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng tích cực tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề.

* DN cần làm gì nhất để tăng lợi thế?

- Khi điều chỉnh tiền lương, doanh nghiệp, không chỉ là DN FDI mà chính DN trong nước cần chú trọng cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, đầu tư vào công nghệ mới để giảm bớt sức lao động của con người, nâng cao năng suất. DN cũng cần sắp xếp nhân sự sao cho thật phù hợp với công việc, tức quản trị nguồn nhân lực hiệu quả, để từ đó giảm chi phí không cần thiết, tăng sự cạnh tranh của thương hiệu, sản phẩm.

* Xin cảm ơn ông.

Việt Nam: Tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2024. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, người lao động được đảm bảo tiền lương tối thiểu 4,96 triệu đồng (193 USD) mỗi tháng.

Thái Lan: Tăng mức lương tối thiểu hàng ngày lên 400 baht (10,9 USD) bắt đầu từ tháng 10/2024, tăng khoảng 14% từ mức 300-350 baht hiện tại.

Philippines: Tăng mức lương tối thiểu ở khu vực Metro Manila lên 645 peso (11 USD) mỗi ngày, tăng 6% so với mức 610 peso hiện tại, có hiệu lực từ ngày 17/7/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng lương có làm giảm năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO