Chuyên đề

Tăng cường năng lực thích ứng hội nhập kinh tế quốc tế (Bài 1)

Lan Ngọc 12/08/2023 16:00

Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới dự báo sẽ phức tạp, bao trùm hơn và nhiều thách thức, tác động bởi xu hướng định hình các nguyên tắc, tiêu chuẩn mới trong quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế, đòi hỏi cần phải có những giải pháp tăng cường năng lực thích ứng.

BÀI 1: NHẬN DIỆN XU THẾ MỚI TRONG THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế đang định hình các nguyên tắc, tiêu chuẩn mới gắn với giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, vấn đề lao động, môi trường, chống tham nhũng, chuyển đổi xanh, liên kết trong các lĩnh vực mới… cần chủ động nhận diện, kịp thời nắm bắt.

Hình thành chế định carbon qua biên giới

Định giá carbon đang ngày càng phổ biến và trở thành công cụ then chốt để thể hiện các chỉ tiêu về khí hậu theo cam kết tại Hiệp định Paris. Một số nước đã sử dụng công cụ định giá carbon khác nhau (bắt buộc, tự nguyện, trực tiếp hoặc gián tiếp) như hệ thống trao đổi tín chỉ carbon, giao dịch khí nhà kính, thuế carbon hoặc các hình thức thuế môi trường gián tiếp đối với một số hàng hóa có tỷ trọng phát thải cao như xăng dầu, nhiên liệu hóa thạch... để điều chỉnh giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

dinhgiacarbon.jpg
Từ ngày 1/10/2023, bước đầu EU sẽ áp thuế quan carbon với một số hàng hóa có mức phát thải cao

Trên thế giới, đến nay đã có khoảng 39 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng các cơ chế giao dịch carbon, trong đó có các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… Xu hướng này đang được đẩy nhanh mở rộng áp dụng đối với các ngành, các lĩnh vực mới phát triển và định giá carbon được xem như một công cụ mang tính thị trường quan trọng để tạo nguồn đầu tư trở lại cho các mục tiêu về khí hậu.

Không chỉ định giá carbon trong phạm vi biên giới, việc hình thành các cơ chế định giá, giao dịch carbon qua biên giới cũng đang được thúc đẩy nhanh trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế. Trong đó, EU đã tiên phong xây dựng cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM), áp dụng thí điểm từ ngày 1/10/2023, dự kiến sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2026.

Bản chất của CBAM là áp thuế quan carbon đối với hàng hóa có mức phát thải cao (giai đoạn đầu áp dụng gồm xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen) nhập khẩu vào EU từ các nước chưa định giá carbon, hoặc cơ chế định giá carbon nước xuất khẩu chưa tương ứng với tiêu chuẩn của EU; hướng đến bảo đảm sự đồng bộ, thúc đẩy các quốc gia đối tác định giá carbon theo tiêu chuẩn của EU; nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất nội địa, tạo môi trường kinh doanh công bằng trong và ngoài EU; thúc đẩy các tập đoàn lớn tăng đầu tư tại chính quốc, góp phần hỗ trợ cho chính sách chuyển dịch đầu tư về trong nước nhằm đảm bảo tự chủ chiến lược và an ninh kinh tế; tạo nguồn thu cho triển khai các mục tiêu về khí hậu; thể hiện vai trò đi đầu và dẫn dắt của EU về ứng phó với biến đổi khí hậu trong quan hệ quốc tế.

Ngoài EU, một số quốc gia khác trên thế giới cũng đang nghiên cứu thông qua và áp dụng các cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới. Chẳng hạn, Anh đang tiến hành lộ trình 5 bước xây dựng và triển khai cơ chế định giá carbon qua biên giới với tham vọng phù hợp với EU về thuế carbon.

Gắn tiêu chuẩn mới vào thương mại, chuỗi cung ứng

Xu hướng rà soát tính bền vững của các chuỗi cung ứng về lao động, nhân quyền và môi trường đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành tiêu chuẩn chung ở các nước phát triển theo tiêu chí về kinh doanh có trách nhiệm. Trước đây, xu hướng này chỉ khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, nhưng nay đã có sự thay đổi căn bản là được “pháp lý hóa” thành các nghĩa vụ bắt buộc thực thi, kèm theo là các chế tài xử phạt.

rung.jpg
Ngày 19/4/2023, EU đã chính thức thông qua “Đạo luật cấm hàng hóa liên quan đến phá rừng” (EUDR)

EU đang đi tiên phong định hình các tiêu chí về thương mại bền vững, thông qua thúc đẩy và thực thi “Đạo luật cấm hàng hóa liên quan đến phá rừng” (EUDR) và “Chỉ thị về chuỗi cung ứng bền vững của doanh nghiệp” (DD).

EUDR đã được Nghị viện châu Âu (EP) chính thức thông qua vào ngày 19/4/2023, mục tiêu nhằm hạn chế tiêu dùng và sản xuất một số loại nông sản có liên quan đến bảo vệ rừng. Các công ty nhập khẩu nông sản vào EU phải cung cấp giải trình, báo cáo thẩm định chứng minh sản phẩm không liên quan đến rừng bị tàn phá, chứng chỉ không phá rừng là điều kiện bắt buộc.

DD cũng đã được EP đề xuất áp dụng từ năm 2024 nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp sẽ được yêu cầu xác định, báo cáo, ngăn chặn, chấm dứt, hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực trong chuỗi cung ứng liên quan đến các vấn đề về người lao động, nhân quyền, môi trường. Các doanh nghiệp có quy mô lớn thuộc đối tượng điều chỉnh của chị thị này, nếu không tuân thủ sẽ phải bồi thường thiệt hại, hoặc có thể sẽ bị các cơ quan giám sát xử phạt, cấm tham gia các hoạt động mua sắm công tại EU.

Một số nước khác như Mỹ, Canada… cũng đã thông qua các đạo luật có liên quan về rà soát tính bền vững chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, trong đó nhiều đạo luật của họ đã đưa vào áp dụng các nội dung quy định và các cơ chế thực thi tương tự như EU.

Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gia tăng, các nước đã tăng cường triển khai các chính sách công nghiệp nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa. Chẳng hạn, Mỹ đã đưa ra đạo luật giảm lạm phát (IRA) tháng 8/2022 nhằm trợ cấp cho các ngành giảm phát thải carbon, sử dụng năng lượng sạch thông qua tín dụng thuế, hỗ trợ phát triển công nghệ, đề xuất áp thuế nhập khẩu với các hàng hóa sử dụng nhiều năng lượng.

EU cũng đã nghiên cứu “Đạo luật công nghiệp không phát thải” (NZIA) nhằm phát triển các ngành công nghệ sạch, chuyển đổi xanh thông qua thiết lập quỹ tài chính chung của EU cũng như thu hút thêm nguồn vốn tư nhân, hỗ trợ đổi mới sáng tạo thông qua cơ chế thử nghiệm (sandbox), đồng thời điều phối thúc đẩy quan hệ đối tác trong các ngành công nghiệp không phát thải.

Gia tăng liên kết hợp tác trong các lĩnh vực mới

Các nước lớn đang có xu hướng tích cực phát huy vai trò dẫn dắt trong triển khai các sáng kiến tăng trưởng xanh với mục tiêu tập hợp lực lượng, hình thành các chuỗi cung ứng xanh và bền vững.

sanxuat.jpg
Gia tăng liên kết hợp tác thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực mới gắn với các tiêu chuẩn xanh, bền vững

Chẳng hạn, Mỹ đã thúc đẩy xây dựng các mối quan hệ đối tác kinh tế mới, đẩy mạnh đàm phán khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) vượt ra ngoài các tiêu chuẩn FTA truyền thống. Với việc cơ bản đã hoàn thành đàm phán trụ cột 2 về chuỗi cung ứng của IPEF (tháng 5/2023), Mỹ đã hình thành được một cơ chế hợp tác mới về lao động gắn với chuỗi cung ứng, qua đó góp phần vào việc triển khai chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm.

Cộng hòa Liên bang Đức cũng đã thúc đẩy sáng kiến “Câu lạc bộ khí hậu quốc tế mở và hợp tác” nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, công bằng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm khí hậu, an ninh năng lượng, kinh tế xanh, công nghệ thông tin, viễn thông, bình đẳng giới, y tế.

Nhật Bản thì thúc đẩy sáng kiến “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” (AZEC) tập trung vào các lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ hydro xanh, ainmoniac, thu hồi - lưu trữ - sử dụng carbon, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh. AZEC nhấn mạnh chủ động đề ra lộ trình trung hòa carbon trong khi vẫn đảm bảo an ninh năng lượng, phù hợp với đặc thù, trình độ đa dạng của mọi nền kinh tế.

Từ góc độ kinh doanh, các doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng đang có xu hướng điều chỉnh nhanh, chủ động tham gia vào các sáng kiến liên kết xanh, thiết lập các cơ chế hợp tác giữa nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà công nghiệp nhằm xanh hóa sản xuất, chủ động thích ứng với các quy định mới.

Chẳng hạn, liên minh năng lượng sạch châu Á đã được các công ty tiêu thụ năng lượng tái tạo như Amazon, Apple, Cisco, Google, Meta, Nike, Samsung Electronics thành lập. Sự phát triển ngày càng lớn mạnh của các tập đoàn năng lượng xanh và sự hình thành đa dạng liên kết mới giữa các doanh nghiệp trên thế giới đang có xu hướng định hình các chính sách tăng trưởng xanh trong tương lai.

BÀI 2: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ ĐỊNH HƯỚNG VỚI VIỆT NAM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng cường năng lực thích ứng hội nhập kinh tế quốc tế (Bài 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO