Mặc dù PCI vẫn có một số ghi nhận khích lệ, như TP.HCM vẫn giữ được thế mạnh dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đào tạo lao động, giữ chân DN nước ngoài nên vẫn duy trì trong nhóm 10 địa phương được đánh giá có triển vọng tốt về môi trường đầu tư, nhưng không ai có thể vui khi một thành phố vốn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, một thành phố năng động, sáng tạo lại đang bị tụt hạng năng lực cạnh tranh năm 2022 xuống tới 13 bậc so với năm 2021.
Có nhiều nguyên do khách quan và chủ quan lý giải sự tụt hạng này. Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, một trong số nguyên nhân là do chỉ số tiếp cận đất đai của TP.HCM tụt 18 bậc so với năm 2021. Tính năng động của bộ máy chính quyền từ hạng 59 xuống 62. Chi phí không chính thức, gia nhập thị trường hay thiết chế pháp lý của TP.HCM năm qua cũng ở thứ hạng không cao.
Có ý kiến cho rằng, khảo sát PCI 2022 được tiến hành trong bối cảnh cộng đồng DN đang mệt mỏi, nhiều khó khăn bủa vây dù đại dịch Covid-19 đã cơ bản bị đẩy lui, lại tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn từ chiến tranh Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính - ngân hàng, lạm phát tăng cao, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, kỳ vọng vào chất lượng thực thi chính sách vực dậy nền kinh tế tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt mong muốn, dẫn đến kết quả khảo sát có chung mẫu số... buồn là thấp điểm.
Với đặc thù của một thành phố với lực lượng doanh nhân đông đảo, nhiều công trình lớn cần đẩy nhanh xây dựng để mang lại tăng trưởng cho nền kinh tế nhưng đang gặp nhiều khó khăn, mà nếu có chính sách tháo gỡ thì thời gian thực thi cũng phải mất một vài năm. Đơn cử như lĩnh vực bất động sản, dù đã có các thông tư, nghị định mới của Chính phủ “cởi trói” nhưng triển khai lại bị vướng víu luật định và nhiều bộ ngành liên quan chằng chịt trách nhiệm, mà muốn vận hành trơn tru cũng phải mất hai, ba năm nữa. Vậy nên, sự tụt hạng năm 2022 của TP.HCM là dễ hiểu, thậm chí ngay cả trong năm 2023, dù lãnh đạo thành phố đã hạ quyết tâm tăng hạng PCI nhưng xem ra vẫn khó hiện thực.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, thời gian qua thành phố đã quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, công chức được nâng lên, nhiều mô hình cải cách hành chính được đánh giá cao và nhân rộng nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn. Nguyên nhân do dân số quá lớn trong khi số lượng cán bộ, công chức phục vụ thiếu. Việc thực thi chính sách tại một số cơ quan công quyền chưa tốt. Nhiều DN cho biết, khi làm việc liên quan đến hệ thống chính quyền, cấp sở, cấp quận, huyện, họ gặp khó khăn nhiều nhất.
Công tâm nhìn nhận, trong một năm nhiều biến động như năm 2022, lãnh đạo TP.HCM đã rất nỗ lực và đã có nhiều chính sách, giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, tuy nhiên không phải cứ gỡ là thực thi được ngay khi vẫn có quá nhiều quy định trong các bộ luật chồng chéo, nhiều quy định không nằm trong khả năng giải quyết của UBND TP.HCM, ngay cả cơ chế riêng cho thành phố cũng bị nhiều bó buộc, vì thế mà việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Để có giải pháp khắc phục hiệu quả, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng phải nhìn nhận nguyên nhân một cách sâu xa hơn, thực chất hơn. Ông Hiển cho biết, theo một thông tin mới đây, TP.HCM là địa phương có số lượng văn bản đề xuất lên Trung ương giải quyết vướng mắc, khó khăn nhiều nhất nước, chủ yếu tập trung vào tài chính, bất động sản là hai lĩnh vực quan trọng nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng trong khi thành phố chưa chủ động đầu tư cho các lĩnh vực sản xuất, công nghệ cao. Điều này cho thấy, tính chủ động, năng động của TP.HCM đang giảm sút so với sự năng động vốn có và còn có.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, sự thiếu năng động của một số lãnh đạo, công chức TP.HCM xuất phát từ tâm lý “sợ sai”. Đã có nhiều người dám nghĩ, dám làm và nghĩ đang làm đúng nhưng một ngày nào đó bỗng trở thành... sai. Tâm lý “làm ít sai ít, không làm không sai” hình thành từ đó. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi thay vì chủ động, năng động thì tìm sự an toàn và chỉ ngồi báo cáo, chờ ý kiến chỉ đạo.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, vững tin đạt chỉ số PCI cao cũng như tăng trưởng kinh tế đột phá, đồng thời thực hiện được cả hai biện pháp là hỗ trợ DN hồi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh và hướng tới môi trường đầu tư lành mạnh, thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn, TP.HCM cần chính sách, cần luật định có tính thực hiệu quả hơn là chỉ ban hành chính sách. Bởi cái gì không đo đếm được thì rất khó cải cách, chính sách chung chung thì không thể tạo ra hiệu quả thực tế.
Dù đến nay, vẫn có không ít lãnh đạo, công chức, doanh nhân TP.HCM còn tâm trạng chùn bước, ngại ra quyết định, thiếu tinh thần “đi trước, đón đầu” nhưng mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, nhiều quyết sách của lãnh đạo thành phố vẫn được bàn thảo và ban hành. Niềm tin và hy vọng của doanh nhân, công chức và nhân dân thành phố vào các nghị định, cơ chế chính sách mới và nhiều luật đang được sửa đổi sẽ thông thoáng, hiệu quả hơn vẫn luôn mạnh mẽ.
Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ và nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54 đã “làm nóng” bầu nhiệt huyết, quyết tâm của cả thành phố. Hiện TP.HCM đang đề nghị Trung ương xem xét Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, trong đó có vấn đề xin thí điểm, thực hiện vận dụng Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Từ đó, hun đúc thêm động lực, ngọn lửa ý chí vươn lên của doanh nhân TP.HCM, để khi có đủ điều kiện, khi các khó khăn được tháo gỡ, ngọn lửa ấy sẽ lại hừng hực cháy, dẫn bước cho mọi tầng lớp công chức, nhân dân Thành phố sẵn sàng bước vào tâm thế mới, năng động hơn, đổi mới sáng tạo hơn, cùng TP.HCM lại vươn lên giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.