Thị trường chứng khoán: "Chơi vơi" trên đỉnh

KHÁNH PHƯƠNG| 29/03/2018 09:20

Trong bối cảnh tại vùng đỉnh như hiện nay, một số nhà đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm vượt kháng cự và tiếp tục đi lên, một số khác chốt lời...

Thị trường chứng khoán:

Ảnh: QH

Thị trường chứng khoán đã vượt đỉnh 11 năm trước, ở 1.170 điểm trong phiên giao dịch ngày 22/3, trước khi điều chỉnh mạnh trở lại trong phiên giao dịch 23/3 trước lo ngại về rủi ro chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi chính quyền Donald Trump công bố lệnh đánh thuế 50 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh tại vùng đỉnh như hiện nay, một số nhà đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm vượt kháng cự và tiếp tục đi lên, một số khác quyết định chốt lời, trong khi một số nhà đầu tư khác tỏ ra mất phương hướng, nhất là khi báo cáo phân tích hầu hết đều cho rằng rủi ro của thị trường dù đang ở mức cao, nhưng trung dài hạn sẽ tiếp tục đi lên.

Link bài viết

Các yếu tố hỗ trợ

Hiện tại có những yếu tố hỗ trợ cho thị trường.

Thứ nhất, tăng trưởng GDP quý I ở mức khá cao, ước đạt 7,41% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là mức tăng GDP cao nhất trong quý I của nhiều năm trở lại đây. Các doanh nghiệp đang lần lượt công bố kết quả kiểm toán năm 2017 và đa số cho kết quả khả quan.

Thời điểm này đang là mùa đại hội cổ đông, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ công bố kế hoạch kinh doanh mới, kế hoạch tăng trưởng cũng như chính sách chi trả cổ tức. Với những doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I tốt thì có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư. Đây là những yếu tố thường hỗ trợ thị trường rất tốt trong giai đoạn đầu năm.

Thứ hai, thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định dù vừa qua FED đã tăng lãi suất, nhưng tỷ giá USD/VND không biến động nhiều, cho thấy khả năng điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước ngày càng linh hoạt và hiệu quả hơn, nhất là khi nguồn dự trữ ngoại hối tăng lên 60 tỷ USD gần đây, đủ nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần thiết.

Về cơ bản tỷ giá ổn định sẽ giúp tăng niềm tin nhà đầu tư nước ngoài, do đó dòng vốn FDI có thể tiếp tục được duy trì. Thống kê cho thấy lượng vốn nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên thị trường cổ phiếu là gần 10.800 tỷ đồng tính từ đầu năm đến ngày 23/3.

Không loại trừ dòng tiền rút ra từ các thị trường như Mỹ và Trung Quốc do lo ngại các biện pháp trả đũa thương mại có thể chọn điểm đến là những thị trường đã tăng mạnh trong thời gian qua như Việt Nam, nhất là khi mục tiêu thăng hạng thị trường sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, các đợt thoái vốn tiếp theo của doanh nghiệp nhà nước cũng được xem là bàn đạp hỗ trợ cho sự đi lên của thị trường trong giai đoạn tới cũng như thu hút thêm dòng vốn của các doanh nghiệp FDI.

Trong năm nay, dự kiến Nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp như Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar), Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Viglacera (VGC); hay tiến hành IPO một loạt doanh nghiệp lớn, như Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power)...

Về dài hạn thì chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất ổn định là những yếu tố tiếp tục hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, cũng như khả năng được nâng hạng thị trường trong năm 2019. Theo dự báo thì thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng 30 - 40% sau khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi, điều đã xảy ra đối với các thị trường như Arab Emirates, Qatar và Pakistan.

Hầu hết ý kiến cho rằng MSCI (Morgan Stanley Capital International MSCI Inc, trụ sở tại New York, là công ty chuyên cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính, xây dựng các chỉ số tham chiếu cho nhà đầu tư cổ phiếu, trái phiếu) sẽ xem xét đánh giá nâng hạng thị trường Việt Nam sớm nhất vào tháng 6/2019 và Việt Nam có thể được nâng hạng vào tháng 6/2020, nhưng cũng không loại trừ khả năng có thể được xem xét vào tháng 6 năm nay, khi mà thời gian qua quy mô và thanh khoản giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng rất mạnh trong những tháng đầu năm nay.

Rủi ro?

Thứ nhất là giá nhiều cổ phiếu đã tăng cao nên không thể tránh khỏi hiện tượng chốt lời. Tuy nhiên điều này là tốt vì giúp thị trường không tăng quá nóng, những phiên điều chỉnh sẽ giúp thị trường củng cố và giúp giá cổ phiếu trở về mặt bằng hấp dẫn để thu hút thêm dòng tiền, khi đó sẽ hỗ trợ thị trường tiếp tục tăng dài hạn và thu hút dòng tiền rút ra quay trở lại.

Yếu tố chiến tranh thương mại gần đây được nhắc đến nhiều và có thể sẽ leo thang, tất yếu sẽ ảnh  hưởng đến các kênh đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, không loại trừ dòng tiền rút ra từ các thị trường như Mỹ và Trung Quốc do lo ngại các biện pháp trả đũa thương mại có thể chọn điểm đến là những thị trường đã tăng mạnh trong thời gian qua như Việt Nam, nhất là khi mục tiêu thăng hạng thị trường sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam là thị trường tăng trưởng hàng đầu trong nhóm thị trường cận biên trong năm vừa qua, với mức tăng trưởng lên đến gần 50%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường chứng khoán: "Chơi vơi" trên đỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO