Ngân hàng gửi tiền lẫn nhau: Bị cấm sẽ tìm cách lách

08/10/2012 06:46

Chuyển hợp đồng gửi sang hình thức vay mượn hoặc cho nhân viên vay sau đó lấy số tiền này gửi lại nhà băng khác...là những chiêu thức được các nhà băng sử dụng khi bị cấm gửi tiền lẫn nhau.

Ngân hàng gửi tiền lẫn nhau: Bị cấm sẽ tìm cách lách

Chuyển hợp đồng gửi sang hình thức vay mượn hoặc cho nhân viên vay sau đó lấy số tiền này gửi lại nhà băng khác...là những chiêu thức được các nhà băng sử dụng khi bị cấm gửi tiền lẫn nhau.

Thông tư 21 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/9, quy định các ngân hàng chỉ được phép cho vay và vay lẫn nhau với thời hạn dưới một năm, không được gửi và nhận tiền gửi của nhau trừ khi tiền đó gửi để phục vụ mục đích thanh toán.

Trước khi lệnh cấm có hiệu lực, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, 8 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã gửi tổng cộng 285.267 tỷ đồng vào các tổ chức tín dụng khác, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãnh đạo Ngân hàng HDBank cho rằng, 9 tháng qua tốc độ huy động vào ngân hàng tăng cao song vốn cho vay ra dậm chân tại chỗ. Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước cấm các nhà băng gửi tiền lẫn nhau trong bối cảnh này có thể sẽ khiến một số tổ chức tín dụng dồi dào thanh khoản bị dồn vốn. "Việc họ tìm cách lách quy định của Thông tư 21 là điều khó tránh khỏi", ông nhận xét.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP HCM tâm sự, trước giờ lợi nhuận của nhà băng ông chiếm 70% từ mảng tín dụng. Năm nay, việc cho vay ra nền kinh tế bị ngưng trệ, trong khi huy động vẫn tăng đều nên số tiền trả lãi là không nhỏ. Nếu lấy số vốn này để mua trái phiếu hoặc gửi vào Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ bị lỗ vì lãi suất quá thấp.

"Áp lực lợi nhuận trước cổ đông nên chúng tôi phải tìm được đầu ra khác cho đồng vốn với lãi suất cao dù tín dụng không tăng. Trong đó, lách quy định cấm gửi tiền lẫn nhau thông qua nhiều cách thức như biến hợp đồng gửi tiền thành hợp đồng vay mượn, cho nhân viên vay sau đó lấy tiền này đi gửi lại tại các nhà băng khác...là điều khó tránh khỏi", ông nói.

Một nhân viên bộ phận quản lý nguồn vốn ngân hàng cổ phần ở Hà Nội cũng cho biết, có thể lách bằng cách ủy thác cho nhân viên đi gửi dưới danh nghĩa cá nhân (thay vì tổ chức tín dụng) ở nơi huy động lãi suất cao hoặc biến tướng từ hợp đồng gửi tiền thành hợp đồng mua ngoại tệ, cho vay...

Đây chính là cách nhiều ngân hàng từng làm khi lãi suất tiền gửi cá nhân tăng vượt trần, và lãnh đạo ACB đã phải gánh chịu hậu quả khi bị phát hiện sai phạm.

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng việc lách sang hợp đồng cho vay cũng không đơn giản. Thông tư 21 nêu rõ, các ngân hàng muốn vay buộc phải trả hết nợ cũ và thời hạn quá hạn trả nợ cho phép tối đa chỉ 10 ngày. Do đó, các ngân hàng rất cẩn trọng và tính toán từng ngày với những khoản vay này để kịp gia hạn.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần giải thích: "Trong hoạt động liên ngân hàng, nhà băng này khi thừa tiền tạm thời thì có thể cho ngân hàng kia vay, kỳ hạn thường rất ngắn như qua đêm, một tuần, sau đó gia hạn lại nếu thấy vẫn thừa tiền trong kỳ tới. Có thể có những khoản gia hạn qua đêm hàng chục lần, nếu theo chuẩn Thông tư 21 thì bị tính thành nợ xấu.

Vị lãnh đạo này còn cho rằng, việc áp dụng theo Thông tư 21 có thể khiến lợi nhuận của các nhà băng bị giảm. "Không được gửi tiền thì chuyển thành hoạt động vay và cho vay nên phải trích dự phòng nhiều hơn", phó tổng giám đốc này lý giải.

Nhiều ngân hàng còn lo ngại khi chuyển hình thức tiền gửi thành tiền vay theo Thông tư 21 sẽ làm ảnh hưởng đến việc quản lý khả năng chi trả của các ngân hàng. Nguyên nhân là khi tính tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định tại Thông tư 13, thì số dư của các khoản cho vay tổ chức tín dụng khác không được tính.

Theo quy định, giá trị của “Tổng tài sản 'Có' thanh toán ngay” và “Tổng tài sản 'Có' đến hạn thanh toán trong 7 ngày” chỉ gồm số dư tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn ở ngân hàng khác.

Trao đổi với PV, Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai nhìn nhận, việc cấm ngân hàng gửi tiền lẫn nhau là cần thiết. Bởi chuyện các ngân hàng lợi dụng việc gửi tiền lẫn nhau không làm tăng tổng lợi ích cho nền kinh tế.

Vị chuyên gia này cũng ví von đây chẳng khác gì việc các ngân hàng "ăn trên lưng nhau". "Nếu tiền mà vẫn cứ chảy lòng vòng trên thị trường 2 thì bản chất đây chỉ là việc móc túi nhau mà thôi. Tín dụng phải chảy vào nền kinh tế thì mới là lợi nhuận thật", chuyên gia ngân hàng này giải thích.

Chia sẻ quan điểm này của ông Lai, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận việc gửi tiền lẫn nhau giữa các nhà băng là bất hợp lý. Ông lý giải, chức năng của ngân hàng là thu hút tiền nhàn rỗi của dân cư và đưa nó đi vào trong nền kinh tế chứ không phải để gửi lòng vòng lẫn nhau.

Nhưng theo phân tích của ông Hiếu, không có ngân hàng nào ngồi im trên những đồng tiền huy động để rồi phải trả lãi suất 9% hoặc hơn (với trường hợp lách trần). Ông dẫn chứng: "Nếu thị trường 1 (thị trường dân cư) gặp khó khăn trở ngại thì họ tìm đầu ra ở thị trường 2, thậm chí họ đi vào thị trường 3 - thị trường đầu tư. Họ đầu tư vào doanh nghiệp, vào các dự án và mua trái phiếu...".

Một chuyên gia trong Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, cái gì cấm thì tất yếu sẽ lách. Để thực hiện nghiêm điều này, cơ quan quản lý phải tăng cường thanh kiểm tra nhiều hơn để lập lại trật tự kỷ cương cho hệ thống ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng gửi tiền lẫn nhau: Bị cấm sẽ tìm cách lách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO