Lãi suất có "nóng" trở lại?

LÊ PHAN| 05/04/2017 01:40

Gần đây, một số ngân hàng phát hành các chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài với lãi suất cao đáng kể nên có ý kiến cho rằng lãi suất đang chịu áp lực tăng.

Lãi suất có

Những ngày gần đây, một số ngân hàng phát hành các chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài với lãi suất cao đáng kể nên có ý kiến cho rằng lãi suất đang chịu áp lực tăng, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao và FED điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản USD vào cuộc họp giữa tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, các dữ liệu thống kê cho thấy mặt bằng lãi suất vẫn tương đối ổn định, thậm chí vài ngày qua, một số ngân hàng còn chủ động giảm lãi suất các kỳ hạn ngắn. 

Đọc E-paper

Mặt bằng lãi suất vẫn ổn định

Thống kê cho thấy lãi suất bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng vào cuối tháng 3 vừa qua là 5,2%, chỉ tăng 0,01% so với tháng 2 và tăng 0,02% so với cuối năm 2016. Đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng là 6,31%, tăng 0,05% so với tháng 2 và tăng 0,12% so với cuối năm 2016. Kỳ hạn 12 tháng và trên 12 tháng cũng chỉ tăng tương đối từ 0,08 – 0,11 %.

Như vậy, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng trong tháng 3 dù có tăng so với đầu năm nhưng mức tăng tương đối nhẹ, cho thấy mặt bằng lãi suất vẫn khá ổn định theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí những ngày gần đây có một số ngân hàng đã chủ động điều chỉnh khung lãi suất huy động giảm như VIB, Bản Việt, MSB, Vietbank.

Trong khi đó, biểu lãi suất tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, Agribank hay BIDV vẫn duy trì ở mức thấp kể từ lần điều chỉnh cuối tháng 9/2016 đến nay. Hiện tại khung lãi suất của nhóm ngân hàng này đang ở mức thấp nhất trên thị trường, tuy nhiên lượng tiền gửi tại đây vẫn tăng trưởng ổn định, cho thấy các đợt điều chỉnh tăng lãi suất của nhóm các ngân hàng nhỏ hoặc các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với lãi suất cao của một số ngân hàng đã không tác động gì nhiều đến lượng tiền gửi tại các ngân hàng lớn trên.

Cần biết rằng, với lượng thanh khoản dồi dào và là nơi cho vay chính trên thị trường liên ngân hàng, bất kỳ động thái điều chỉnh lãi suất nào của nhóm 4 ngân hàng lớn trên phản ánh phần nào mức độ thanh khoản của toàn hệ thống, cũng như xu hướng lãi suất của thị trường trong tương lai. Tuy nhiên suốt 6 tháng qua các ngân hàng trên vẫn duy trì một khung lãi suất ở mức thấp đáng kể so với các ngân hàng khác.

Ở lãi suất đầu ra, hiện tại chưa cho thấy sự biến động đáng kể, dù lãi suất đầu vào của các ngân hàng có tăng nhẹ so với đầu năm nay. Một khảo sát gần đây của Công ty Chứng khoán HSC còn cho biết lãi suất cho vay bình quân VND tháng 2 đã giảm nhẹ, xuống 9,24%/năm từ mức 9,27%/ năm trong tháng 1, mặc dù tăng trưởng tín dụng trong quý I so với cùng kỳ đạt mức cao nhất trong 6 năm qua ở 2,81%.

Các thông tin cũng cho thấy hàng loạt ngân hàng liên tiếp triển khai các gói cho vay với lãi suất ưu đãi ngay từ những tháng đầu năm.

Xu hướng lãi suất sắp tới

Việc phát hành các chứng chỉ tiền gửi dài hạn với lãi suất cao tại một số ngân hàng thời gian qua chỉ mang tính nhất thời và không phản ánh được xu hướng lãi suất trong giai đoạn tới. Những ngân hàng này khả năng phải chịu áp lực tìm kiếm các nguồn vốn huy động trung dài hạn để đảm bảo đáp ứng các tỷ lệ an toàn, nhất là khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm về còn 50% kể từ đầu năm nay.

Cũng cần biết rằng mức lãi suất 8,5% - 9%/năm của các chứng chỉ tiền gửi nói trên cũng không phải là quá cao đối với việc huy động ở các kỳ hạn dài lên tới 5 năm hoặc hơn, khi nhiều ngân hàng hiện nay huy động ở kỳ hạn 36 tháng đã lên tới 7,5 - 8%.

Và cũng lưu ý thêm là mức lãi suất phát hành các chứng chỉ tiền gửi trên cũng không phải cố định trong suốt giai đoạn, mà sau đó sẽ được thả nổi theo lãi suất thị trường, cho thấy các ngân hàng vẫn tin rằng lãi suất trong tương lai khó có thể lên cao hơn nữa.

Tuy nhiên, chi phí vốn của các ngân hàng tăng lên là điều tất yếu, khi đó khả năng phải điều chỉnh lãi suất cơ sở để xác định giá đầu ra cũng tăng lên theo, từ đó gây áp lực lên lãi suất cho vay tại nhóm các ngân hàng này. Dù vậy, lãi suất của các ngân hàng khác vẫn kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định, nhất là tại nhóm các ngân hàng lớn với thanh khoản tiếp tục dồi dào.

>>Giảm lãi suất: Quả bóng ở chân ai?

Thống kê cho thấy tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán đến 20/3 là 2,88%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng là 2,81%. Như vậy, phần thanh khoản tự do tăng thêm (chênh lệch giữa tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng) đến 20/3 là hơn 50,5 nghìn tỷ đồng, trong khi lượng vốn đầu tư ròng vào thị trường trái phiếu cùng thời điểm chỉ khoảng 19 nghìn tỷ đồng, như vậy phần vốn dư ra trong hệ thống ngân hàng là hơn 31,5 nghìn tỷ đồng.

Thông thường lãi suất chịu áp lực tăng nhiều khi cầu vốn lên cao và tín dụng tăng nóng trở lại. Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng tại một số ngân hàng đang bị hạn chế vì chưa thể tăng vốn được, nên không thể đáp ứng các hệ số an toàn, nhất là nhóm 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel 2. Do đó, nếu không thể đẩy mạnh vốn ra thì các ngân hàng cũng thiếu động lực để tăng trưởng huy động vốn bằng mọi giá.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 đã hạ so với 2 tháng đầu năm, cụ thể chỉ tăng 0,21% so với tháng trước, thấp hơn mức 0,23% của tháng 2 và 0,46% của tháng 1. Do đó, chỉ số giá tiêu dùng lũy kế so với cùng kỳ 2016 đã giảm dần từ mức 5,22% trong tháng 1 xuống còn 5,12% trong tháng 2 và giảm tiếp xuống 4,96% trong tháng 3. Nếu áp lực lạm phát yếu đi sẽ tạo điều kiện cho nhà điều hành dễ dàng hơn trong việc tiếp tục ổn định lãi suất.

Dù FED đã tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong cuộc họp giữa tháng 3 vừa qua, tuy nhiên tỷ giá USD/VND vẫn được kiểm soát khá tốt, dù nhập siêu trong quý I đã hơn 1,9 tỷ USD. Cùng với lạm phát, tỷ giá là một trong các yếu tố được dự đoán sẽ tác động đáng kể lên xu hướng lãi suất trong năm 2017, do đó nếu tỷ giá tiếp tục được kiểm soát tốt thì sẽ góp phần không gây áp lực quá lớn lên lãi suất VND.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất có "nóng" trở lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO