Chông chênh lợi nhuận ngân hàng

LINH CHI| 20/02/2014 09:35

Không chỉ với NH nhỏ mà ngay cả những NH lớn cũng khó tránh được vòng xoáy nợ xấu tăng, trích lập dự phòng cao, kéo theo lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý cuối của năm qua.

Chông chênh lợi nhuận ngân hàng

Không chỉ với ngân hàng (NH) nhỏ mà ngay cả những NH lớn cũng khó tránh được vòng xoáy nợ xấu tăng, trích lập dự phòng cao, kéo theo lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý cuối của năm qua.

Đọc E-paper

Chỉ đạt 20 - 30%

Cho dù đã tiên đoán kết quả kinh doanh năm 2013 sẽ không như ý muốn và kỳ vọng khi lãnh đạo của nhiều nhà băng đã phát thông điệp chỉ có thể hoàn tất được 40 - 50% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra. Thế nhưng, tổng lợi nhuận của ngành NH năm 2013, trong đó có cả một số NH lớn vừa được công bố cũng chỉ có thể đạt được 20 - 30%.

Đơn cử như Eximbank vừa đưa ra báo cáo tài chính quý IV/2013 với khoản lỗ 222 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận thuần từ kinh doanh quý IV/2013 của Eximbank âm 208 tỷ đồng, so với mức dương 452 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, Eximbank báo lỗ. Việc Eximbank chỉ hoàn thành được 30% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra được xem là khá bất ngờ với không ít nhà đầu tư và thị trường. Bởi trước đó không lâu, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank khẳng định sẽ nỗ lực để hoàn tất 50% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong quý IV/2013, ACB cũng lỗ gần 293 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa được ngân hàng này công bố. Nguyên nhân khiến ACB lỗ lần này phần nhiều do thu nhập lãi thuần, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khoản thu, giảm 45%.

Kinh doanh ngoại hối và vàng của ACB quý này cũng lỗ 34 tỷ đồng, cho dù 2 quý giữa năm ngoái, NH này đã báo lãi hơn 100 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối và vàng. Đồng thời, lỗ từ chứng khoán đầu tư trong quý này của ACB cũng lên đến 75 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của ACB vẫn tăng 5%, đạt khoảng 825 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của ACB đã tăng lên đáng kể 3% vào cuối năm 2013 so với mức 2,5% vào cuối năm 2012. Đáng chú ý hơn đó là trong đó nợ có khả năng mất vốn của ACB đã tăng tới 85%, tăng gấp hơn 3 lần trong quý IV/2013.

Ngoài Eximbank, ACB, cũng có không ít NH không thể hoàn tất được chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra, ngoài trừ VCB, VietinBank, BIDV. Kết quả kinh doanh năm qua của DongA Bank cũng sụt giảm mạnh khiến NH này không thể hoàn thành chỉ tiêu.

Cụ thể, DongA Bank xây dựng chỉ tiêu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2013 (mức này đã giảm 500 tỷ đồng so với chỉ tiêu của một năm trước), song 3 quý đầu năm 2013 DongA Bank chỉ đạt được 50%.

Nguyên nhân là do tín dụng tăng trưởng khá thấp, chỉ đạt vài phần trăm. Tuy đến thời điểm này chưa công bố báo cáo tài chính quý IV, nhưng khả năng DongA Bank đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cả năm là rất khó, vì tín dụng tăng trưởng thấp.

Sụt giảm chỉ tiêu mới

ACB cho biết, kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng là không thể, cho dù lãi suất giảm và nguồn vốn huy động dồi dào. Năm qua, tín dụng của ACB chỉ đạt mức tăng trưởng trên 4%, trong khi nợ xấu lại lên mức 3% và tập trung phần lớn vào nợ xấu có khả năng mất vốn.

Đó cũng là lý do buộc ACB kiểm soát chặt hơn trong quá trình tăng trưởng tín dụng nên nguồn thu từ hoạt động này đóng góp vào lợi nhuận giảm. Lợi nhuận trước thuế của ACB đã giảm gần phân nửa so với chỉ tiêu xây dựng, song khi được hỏi về kế hoạch 2013, lãnh đạo của NH này cho biết "không thể kỳ vọng được con số lợi nhuận cao trong năm nay, do tín dụng vẫn khó khăn".

Trước thực trạng lợi nhuận thu về trong năm qua giảm khá mạnh, hoạt động của ngành NH trong năm nay dự phòng còn nhiều thách thức, nhất là với tín dụng. Theo chỉ tiêu kinh doanh của 2014, Eximbank dự kiến có lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 3% và cổ tức dự kiến ở mức 8,5%.

Nếu so với lợi nhuận đạt được năm rồi, chỉ tiêu Eximbank đặt ra cho năm nay giảm 600 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay hiện nay co hẹp đáng kể khiến nguồn thu từ cho vay không còn đóng góp nhiều vào lợi nhuận của Eximbank như trước đây.

Điều đó được chứng minh qua kết quả kinh doanh trong năm rồi của Eximbank; ACB, nhất là quý IV lãi thuần từ kinh doanh giảm. Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng cho biết, chênh lệch giữa huy động vốn và cho vay hiện chỉ dao động 1,5 - 2%, chỉ đủ bù đắp chi phí trong hoạt động nên rất khó để kỳ vọng lợi nhuận cao. Trong năm qua, tín dụng Eximbank tăng trưởng trên 11%, song lợi nhuận cả năm chỉ hoàn tất được 30% đã phản ánh phần nào điều đó.

Còn với Sacombank, dù tăng trưởng tín dụng cũng như lợi nhuận đạt được năm qua hết sức khả quan khi nhà băng này thu về 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và tín dụng tăng trưởng trên 13%, thế nhưng, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay của Sacombank cũng chỉ ở mức 3.000 tỷ đồng và người đứng đầu NH này, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT, cho biết, để đưa ra chỉ tiêu trên, HĐQT đã có sự cân nhắc kỹ, vì trong bối cảnh thị trường hiện nay khó kỳ vọng được mục tiêu lợi nhuận cao.

Các NH luôn được xem là xuất sắc trong việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra như VCB, VietinBank, BIDV, MB cũng cân nhắc kỹ khi xây dựng kế hoạch cho năm mới. Đáng chú ý là kể từ thời điểm suy thoái kinh tế xảy ra năm 2008 đến nay, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm sau của các NH này thường chỉ bằng năm trước. Chẳng hạn VCB, 3 năm nay chỉ tiêu lợi nhuận rất ít thay đổi, dao động từ 5.500 - 5.700 tỷ đồng trước thuế cho mỗi năm hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chông chênh lợi nhuận ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO