Theo Tạp chí khoa học Science Advances, hơn 60% trong tổng số 8.700 triệu tấn nhựa từng được sản xuất không còn được sử dụng. Đương nhiên, lượng lớn nhựa không sử dụng này được tìm thấy ở bãi rác hoặc đâu đó trong môi trường sống của chúng ta. Điều này tương đương với mỗi người trong số 7,6 tỷ con người trên Trái Đất tạo ra hơn 400kg rác thải nhựa.
Lý do cho việc ngày càng nhiều rác thải nhựa trên hành tinh xanh của chúng ta là do nhiều loại nhựa không thể được tái chế trong những hệ thống xử lý ứng dụng kỹ thuật truyền thống. Tệ hại hơn là cả những loại rác thải nhựa có thể tái chế cuối cùng cũng đi đến bãi rác.
Xử lý rác thải nhựa bằng phương pháp tái chế hóa học mang lại nhiều hứa hẹn |
Đối với nhóm rác thải nhựa không thể tái chế vốn vô hạn, các nhà nghiên cứu nhận thấy không thể ứng dụng những phương pháp xử lý thông thường. Được biết, phương pháp xử lý truyền thống thường là nghiền rác thải nhựa thành những phần nhỏ. Sau đó, phần nghiền nhỏ này được trộn lại với nhau để tạo ra những sản phẩm nhựa cấp thấp hơn.
Trong khi đó, với phương pháp tái chế hóa học, rác thải nhựa được phá vỡ đến mức cấu trúc phân tử. Những phân tử nền này có thể được sử dụng để chế tạo nên những vật liệu khác. Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp tái chế hóa học hiện chỉ mới bước vào giai đoạn những ngày đầu. Tuy vậy, phương pháp này có thể mở ra một loạt cơ hội cho việc xử lý rác thải nhựa trong tương lai.
Khó khăn của phương pháp tái chế hóa học nhựa (thường được tạo ra từ một nhóm các phân tử tổng hợp gọi là polyme) chính là việc tìm ra đúng kỹ thuật để phá vỡ cấu trúc các phân tử tổng hợp và hoàn nguyên vật liệu thành nhiều dạng mà không làm phát sinh thêm chất thải.
Các nhà nghiên cứu đã cho thấy có thể tái chế hóa học dầu ăn cũ (một loại polyme tự nhiên) thành một loại nhựa có thể phân hủy sinh học để dùng cho in ấn 3D. Những chất thải khác như thực phẩm, cao su, nhựa dẻo cũng có thể được tái chế nhanh chóng để tạo ra graphene (vật liệu làm từ carbon nguyên chất có độ dày chỉ tương đương một nguyên tử nhưng cứng rất nhiều lần so với thép). Các nhà khoa học cũng đã tìm ra cách để tái chế nhiều lần nhựa sinh học thay vì để chúng từ từ phân hủy và tạo ra carbon dioxide (CO2).
Nếu so với phương pháp tái chế cơ học, tái chế hóa học còn hữu hiệu hơn nhất là khi loại vật liệu cần tái chế mỏng dạng phim hay những mảnh nhựa (thường có chiều dày dưới 5mm). Đơn giản là vì những loại nhựa “đặc biệt” này thường kẹt, làm chậm hoặc thậm chí khiến máy nghiền không thể hoạt động.
Hiện tại, nhiều kỹ thuật tái chế nhựa đã cho thấy rõ hiệu quả trong phòng thí nghiệm. Một vài kỹ thuật đã được thương mại hóa và được ít nhiều doanh nghiệp sử dụng. Tuy vậy, việc xử lý chất thải nhựa vốn tốn kém cả về thời gian và tiền bạc. Vì vậy, việc giới hạn hoặc không sử dụng túi nhựa hằng ngày mới được xem là những hành động mở ra nhiều cơ hội cho xử lý hóa học rác thải nhựa.