Loãng xương ở nam giới: Kẻ cắp thầm lặng

HỒNG LIÊN| 31/03/2012 05:14

Ở nước ta, khoảng một, hai thập niên gần đây, loãng xương là vấn đề y tế cộng đồng được quan tâm và bàn đến thường xuyên bên cạnh các bệnh mạn tính không lây như cao huyết áp, đái tháo đường...

Loãng xương ở nam giới: Kẻ cắp thầm lặng

Ở nước ta, khoảng một, hai thập niên gần đây, loãng xương là vấn đề y tế cộng đồng được quan tâm và bàn đến thường xuyên bên cạnh các bệnh mạn tính không lây như cao huyết áp, đái tháo đường... Nhưng dường như trong các hình ảnh hay thông điệp cảnh báo căn bệnh này ở các phương tiện truyền thông thường chỉ đề cập tới đối tượng dễ mắc bệnh là nữ giới.

Ông Nam nhà ở Q. Bình Thạnh, TP.HCM, về hưu đã hơn 10 năm, thỉnh thoảng bị đau lưng, nhức mỏi, nhưng nghĩ không có gì trầm trọng nên không quan tâm.

Mới đây, khi vác chậu kiểng to từ dưới đất lên lầu thượng, ông đau quằn quại đùi trái và đã phải đi cấp cứu. Qua thăm khám, chụp X quang mới biết ông bị loãng xương nặng dẫn đến gãy cổ xương đùi.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng nhà ở Q.1, TP.HCM, đã 72 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, đi lại nhanh nhẹn, một hôm dùng búa đóng đinh vào tường, ông thấy cổ tay đau đớn vô cùng và cũng phải nhập viện. Bác sĩ cho biết ông bị loãng xương dẫn đến gãy xương cổ tay.

Loãng xương được định nghĩa là rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm tổn thương sức mạnh của xương (gồm cả về chất lượng và khối lượng), đưa đến tăng nguy cơ gãy xương.

Loãng xương là một trong những bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, thường diễn tiến âm thầm và được ví như kẻ cắp thầm lặng, hằng ngày lấy dần canxi trong ngân hàng dự trữ xương của cơ thể con người. Khi có dấu hiệu lâm sàng thường là lúc đã có biến chứng gãy xương, cơ thể đã mất tới 30% khối lượng xương.

Hậu quả, yếu tố nguy cơ và dấu hiệu lâm sàng

PGS-TS-BS. Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM, cho biết, gãy xương do loãng xương thường gặp nhất ở cổ tay, đốt sống và cổ xương đùi do té ngã, va đụng trong sinh hoạt hằng ngày...

Gãy xương làm người bệnh đau đớn, mất khả năng vận động, có thể tàn phế, phải sống phụ thuộc vào người khác, thậm chí gia tăng nguy cơ tử vong (nhất là gãy cổ xương đùi, vì được cho là nguy hiểm ngang với đột quỵ do tăng huyết áp hay nhồi máu cơ tim).

Theo Liên đoàn Chống bệnh loãng xương thế giới (IOF), hiện nay, chi phí dành cho chữa trị bệnh loãng xương tương đương với chi phí chữa bệnh đái tháo đường và lớn hơn chi phí cho cả hai bệnh ung thư vú và tử cung thường gặp ở phụ nữ cộng lại.

Loãng xương thường được xem là bệnh của nữ giới, nhưng theo các chuyên gia, loãng xương cũng ảnh hưởng đến 1/5 nam giới tuổi trên 50. Nam giới thường có mật độ xương cao hơn, tỷ lệ mất xương ít hơn nữ giới và thường trên 70 tuổi mới bị, nhưng hậu quả thường nghiêm trọng hơn.

Khoảng 50% nam giới bị loãng xương không rõ nguyên nhân ngoài lý do tuổi tác. Cơ thể luôn tạo ra mô xương mới để thay thế cho mô xương cũ được đào thải thông qua chu chuyển xương.

Khi có tuổi, các tế bào tạo xương bị lão hóa, các hormon sinh dục sụt giảm, việc hấp thu canxi và vitamin D (hai nguyên liệu chính để xây dựng xương) bị giảm sút dẫn đến loãng xương.

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương: tuổi tác, tiền sử gia đình, tầm vóc nhỏ, thiểu năng tuyến sinh dục nam và các tuyến nội tiết (tuyến giáp, tuyến thượng thận...), dùng các thuốc có chứa corticosteroid, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, lối sống ít hoạt động...

Các dấu hiệu lâm sàng loãng xương thường gặp ở nam giới gồm: đau mơ hồ (hoặc thật sự) ở cột sống, đau dọc các xương dài (xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, đau khi ngồi lâu, hay bị chuột rút, gù lưng, giảm chiều cao...

Phòng ngừa và điều trị

Loãng xương có thể phòng ngừa nhưng cần được phát hiện kịp thời để điều trị hiệu quả. Trước hết cần có đủ lượng canxi và vitamin D để giúp tạo khối xương khi còn trẻ và ngay cả khi đã bị loãng xương.

Nếu thiếu hai chất này thì cơ thể sẽ tiếp tục lấy canxi từ xương, làm tình trạng loãng xương càng trầm trọng hơn. Canxi có nhiều trong sữa, cua đồng, rau ngót, tôm, sò...; vitamin D được tổng hợp từ quá trình vận động và ánh sáng mặt trời buổi sớm mai.

Vận động giúp tạo dự trữ canxi, tăng sự dẻo dai, cân bằng nên ít bị té ngã dẫn đến gãy xương, đồng thời giúp cơ thể hấp thụ canxi được dễ dàng, bảo vệ xương không bị mất thêm khi đã loãng xương.

Tuy nhiên, chỉ nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, khiêu vũ, chơi quần vợt..., không nên chơi những môn thể thao quá mạnh bạo. Không uống nhiều rượu, cà phê, không hút thuốc lá vì sẽ đẩy nhanh quá trình loãng xương.

Khi thấy có các dấu hiệu của nguy cơ loãng xương thì nên đi khám bệnh để có hướng xử trí kịp thời. Tùy theo nguyên nhân loãng xương bác sĩ sẽ cho dùng các thuốc nhóm bisphosphonate (ức chế, làm chậm sự hủy xương), calcitonin (kích thích liền xương, giảm đau xương và giảm gãy xương cột sống), liệu pháp bổ sung testosterone (đối với trường hợp loãng xương do nồng độ hormon sinh dục nam thấp)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Loãng xương ở nam giới: Kẻ cắp thầm lặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO