Hội chứng kiệt sức và tình trạng 'cháy sạch' trong giới trẻ thời hiện đại

Huy Thắng| 15/07/2022 01:31

Hội chứng kiệt sức (burnout syndrome, hay còn gọi là hội chứng cháy sạch) đang ngày càng trở nên phổ biến, nhất là đối với những người trẻ đang làm việc trong môi trường căng thẳng. Hiểu biết về hội chứng này sẽ giúp bạn có một nền tảng quan trọng để có thể ứng phó và tránh rơi vào tình trạng tiêu cực.

Hội chứng kiệt sức và tình trạng 'cháy sạch' trong giới trẻ thời hiện đại

Hội chứng kiệt sức là gì?

Vào những năm 1970, nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberge đã đưa ra khái niệm “burnout” để giải thích cho một thực tế rằng “để đạt được những thành tựu to lớn, chúng ta thường phải bỏ ra những cái giá đắt tương đương”. Đến năm 1999, ông đã định nghĩa lại rằng “burnout” là tình trạng không còn động lực để tiếp tục cố gắng, đặc biệt là khi những cố gắng trong quá khứ đã không đem lại kết quả như mong muốn. 

Trong một nghiên cứu được tiến hành năm 2011, “burnout” đã được sử dụng để giải thích cho những biểu hiện căng thẳng và áp lực trong công việc, nó là một vấn đề thuộc về sức khỏe tinh thần, thế nhưng đi kèm theo đó có thể là những bệnh lý về thể chất của con người.

Theo khảo sát mới đây của tờ báo Dong-A (Hàn Quốc), thế hệ MZ (những người được sinh từ năm 1981-2010) đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những nhóm tuổi mắc "hội chứng kiệt sức”. Trong số đó, những người ở độ tuổi 20-39 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (43,9%) xét theo nhóm tuổi. Tiếp đó là những người từ 40-69 tuổi, chiếm 28,6%. Cuộc khảo sát được tiến hành dựa trên nền tảng câu hỏi của SM C&C, với sự tham gia của 1.542 người Hàn Quốc trưởng thành (từ 20-69 tuổi).

Kết quả khảo sát cũng cho thấy người mắc “hội chứng kiệt sức” thường sẽ kèm theo cảm xúc trốn tránh mạnh, mệt mỏi và chán nản do công việc, mệt mỏi sau khi làm việc xong, nhạy cảm và dễ cáu gắt hơn và một vài triệu chứng khác. Cụ thể, những người ở độ tuổi 20 gặp phải “hội chứng kiệt sức” chủ yếu là do bị so sánh với những người khác và cầu toàn. Trong khi những người được hỏi ở độ tuổi 30 cho biết lý do chủ yếu dẫn đến “trải nghiệm” này là do tham vọng của bản thân.

Link bài viết

Các chuyên gia Hàn Quốc chỉ ra rằng, do thế hệ MZ ở nước này có sự cạnh tranh khốc liệt về giáo dục đại học và việc làm nên khiến họ dễ mắc “hội chứng kiệt sức” hơn các nhóm tuổi khác. Giáo sư chuyên ngành tâm thần học Ha Ji-hyeon thuộc Đại học Konkuk (Hàn Quốc) phân tích: “Trẻ em Hàn Quốc được bố mẹ cho học tiếng Anh ngay từ khi đi nhà trẻ với kỳ vọng sẽ sớm đạt được thành công. Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, các em đã phải không ngừng nỗ lực để vươn lên. Tuy nhiên, đến khi trưởng thành và kể cả đã có được một công việc ổn định thì bản thân họ vẫn cảm thấy phần thưởng đạt được so với công sức bỏ ra chưa xứng đáng. Đây chính là lý do khiến họ dễ bị rơi vào trạng thái kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần”.

Ở Hàn Quốc, tình trạng kiệt sức nói trên hiện không chỉ là vấn đề đối với một tầng lớp hoặc nhóm tuổi cụ thể. Có tới gần phân nửa những người tham gia cuộc khảo sát này cho rằng tình trạng kiệt sức trong xã hội Hàn Quốc là nghiêm trọng và nguyên nhân chủ yếu là do làm việc quá sức. Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát trên, không chỉ nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc phải làm việc ngoài giờ mà cả sinh viên đang tìm việc làm, những người làm nghề tự do, các hộ kinh doanh cá thể và người nội trợ cũng phàn nàn về “hội chứng kiệt sức”.

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người dân Hàn Quốc dành 7,8 giờ/ngày tại nơi làm việc. Số giờ làm việc trung bình hằng năm trong năm 2021 là 1.928 giờ, vượt xa mức trung bình của OECD là 1.500 giờ/năm. Trong đó, yếu tố “kỹ thuật số” đã trở thành một tác nhân khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày càng có nhiều người nhận được các cuộc gọi “công việc khẩn cấp” thông qua Internet và điện thoại thông minh ngay cả khi đã hết giờ làm việc hoặc trong kỳ nghỉ. Có thể dễ dàng nhận thấy khi ranh giới giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi mờ đi thì sự mệt mỏi cũng tăng lên.

Hội chứng kiệt sức xuất hiện như thế nào?

Hai nhà tâm lý học Herbert Freudenberge và Gail North đã chia sự xuất hiện của “burnout” thành 12 giai đoạn:

Tham vọng nhiều hơn trước là dấu hiệu đầu tiên. Đó là khi bản thân muốn đạt được nhiều thành tựu hơn trong công việc.

Làm việc nhiều hơn. Chính vì mong muốn có được nhiều thành tựu hơn mà người ta dồn nhiều công sức hơn vào công việc mình đang làm.

Bắt đầu thờ ơ với bản thân. Lúc này, chính vì muốn tận tâm tận lực làm việc nên những vấn đề thuộc về nhu cầu cá nhân bỗng trở nên không còn quan trọng nữa.

Những mâu thuẫn trong tâm trí bắt đầu xuất hiện. Những mâu thuẫn này có thể làm xuất hiện những cảm giác sợ hãi, lo âu hay bồn chồn không rõ lý do.

Bỏ quên những giá trị khác trong cuộc sống, như gia đình, bạn bè và người thân, chỉ để tập trung hết sức vào công việc của bản thân.

Tìm cách đổ lỗi những vấn đề của bản thân, là do những yếu tố khác như đồng nghiệp, áp lực thời gian, do cái này hay vì cái kia.

Hạn chế tiếp xúc với những mối quan hệ xã hội, thậm chí gần như là tự cách ly bản thân với xã hội bên ngoài.

Thay đổi tính cách, cách cư xử, thậm chí là phong cách sống. Và đây là lúc những người xung quanh có thể nhận thấy rõ ràng sự thay đổi của những người mắc phải hội chứng này.

Không còn cảm nhận được những giá trị của bản thân và cả những người xung quanh. Một số người thậm chí còn cảm thấy cuộc sống của bản thân thật vô nghĩa.

Cảm thấy trống rỗng. Người gặp phải hội chứng này bắt đầu thấy bản thân vô dụng và mệt mỏi. Cũng chính vì vậy mà họ sẽ dễ tìm đến những việc làm thái quá như ăn nhiều quá mức cho phép.

Buồn phiền, thất vọng và kiệt sức. Càng ngày, họ càng cảm thấy tuyệt vọng và không còn tin tưởng vào chính bản thân mình nữa.

“Cháy sạch” là giai đoạn cuối cùng, khi một vài vấn đề tâm lý nghiêm trọng khác cũng như một vài dấu hiệu xấu về sức khỏe bắt đầu xuất hiện.

burn-out.jpg

Đối mặt với hội chứng kiệt sức ra sao?

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa thông tin chi tiết hậu quả của hiện tượng “cháy sạch” là gì và người mắc hội chứng này phải đối mặt với nó ra sao. Có thể mô tả một người đã bị công việc “đốt cháy” như sau: sáng ngủ dậy không muốn đi làm, đến nơi thì vất vả lắm mới có thể bắt tay vào việc. Khi ở chỗ làm thì cáu kỉnh, cảm thấy công việc mình đang làm thật đáng ghét, ngoài ra còn buồn ngủ, mất tập trung. Điều này dẫn đến người “cháy sạch” không thể làm việc nhóm được với đồng nghiệp, không suy nghĩ minh mẫn, thiếu sáng tạo nên không thể hoàn thành công việc được giao.

“Cháy sạch” không chỉ gây cảm giác chán chường và mệt mỏi. Nếu bị xem nhẹ, hội chứng này có thể dẫn đến những hậu quả đáng kể như căng thẳng quá mức, suy nhược, mất ngủ, dễ buồn bã, tức giận hoặc cáu kỉnh. Tệ hơn, người kiệt sức vì công việc có thể sẽ lạm dụng rượu hoặc chất gây nghiện và dễ mắc bệnh tim, tiểu đường type 2 hay huyết áp cao.

Và vì “cháy sạch” không phải là bệnh nên không có cách chữa trị, mà chỉ có các khuyến nghị để tránh rơi vào tình trạng trên. WHO cho biết sẽ xây dựng bộ hướng dẫn, dựa trên các nghiên cứu khoa học với bằng chứng cụ thể, cách để người đi làm ổn định sức khỏe tâm thần trong công việc nhằm tránh “cháy sạch”.

Cho đến khi có hướng dẫn cụ thể từ WHO, các chuyên gia khuyên nếu cảm thấy có các triệu chứng “cháy sạch”, đừng giữ những cảm giác muộn phiền mệt mỏi cho riêng mình mà nên tham vấn bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc đồng nghiệp, người thân hay bạn bè để giãi bày nỗi lòng, giải tỏa tâm sự. Người cảm thấy kiệt sức vì công việc cũng có thể thử tập thể dục, vận động nhẹ hay tham gia thiền, yoga, cố gắng ngủ đúng, ngủ đủ.

Chúng ta cần biết thương bản thân nhiều hơn khi đi làm, cố gắng xây dựng các mối quan hệ lành mạnh tại nơi làm việc, sử dụng giờ nghỉ hiệu quả bằng cách đi bộ hoặc tham gia các hoạt động giải trí. 

Mặt khác, những người sử dụng lao động cũng cần phải quan tâm đúng mực đến việc giữ cho môi trường làm việc của mình không khiến các nhân viên bị “cháy sạch”. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện không xếp “hội chứng kiệt sức” là “rối loạn tâm thần”, mà chỉ đánh giá là “mối nguy hiểm tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe” vì những người mắc hội chứng này ở mức độ nặng cũng thường chỉ có các triệu chứng như lo lắng, mất ngủ, trầm cảm. Khi được hỏi về mức độ nghiêm trọng của “hội chứng kiệt sức," có tới 44,9% người thuộc thế hệ MZ xem là một vấn đề nghiêm trọng, trong khi chỉ có 35,2% những người ở độ tuổi từ 40-69 có quan điểm tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội chứng kiệt sức và tình trạng 'cháy sạch' trong giới trẻ thời hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO