60% quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội là gian lận

MH| 21/12/2022 00:01

Hiện chưa có thống kê cụ thể về thực phẩm chức năng giả trên nền tảng thương mại điện tử, nhưng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay có khoảng 60% gian lận trên nền tảng thương mại điện tử.

60% quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội là gian lận

Sau 20 năm phát triển, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam phát triển nhanh, số lượng sản phẩm đăng ký mới hàng năm có thể lên tới con số chục nghìn, trên 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Người dân Việt biết và sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên trên 60%, tuy nhiên thời gian qua, trong sản xuất thực phẩm chức năng có hiện tượng vi phạm nghiêm trọng, sản xuất không đúng như bản đăng ký công bố sản phẩm.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ, thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu. Thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng được quảng cáo chữa nhiều loại bệnh khác nhau từ chữa xương khớp, tiêu hóa, tim mạch... và cả bệnh ung thư.

Thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng sản xuất trong nước trước đây chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ hiện nay đã thành quy mô công nghiệp. Đáng lưu ý hơn, thực phẩm chức năng giả không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng trên nền tảng công nghệ số, đặt biệt là mạng xã hội đang ở mức đáng báo động. Không chỉ thổi phồng công dụng, vượt quá nội dung quảng cáo đã thẩm định, hình thức vi phạm quảng cáo đang ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh, rất dễ bị mắc bẫy.

Link bài viết

Các sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó có sản phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã đăng ký với cơ quan quản lý và chỉ được quảng cáo 4 nội dung đã được thẩm định. Thời gian qua, tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo sai nội dung mà cơ quan chuyên môn đã thẩm định, sử dụng hình ảnh y, bác sĩ, cắt ghép hình ảnh của đài truyền hình, lực lượng quân đội công an… diễn ra phức tạp trên mạng xã hội. 

Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất còn vì lợi nhuận mà cho thêm chất cấm, chất độc hại vào trong sản phẩm. Mặt khác, trong quảng bá và truyền thông, quảng cáo sai thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm đến tính mạng, tiền mất tật mang, khiến dư luận bức xúc.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, năm 2020 có 48 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền xử phạt hành chính hơn 2,2 tỷ đồng. Năm 2021 là 28 cơ sở với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; năm 2022 là 28 cơ sở với số tiền là hơn 1,2 tỷ đồng.

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, Việt Nam được đánh giá là có thị trường thực phẩm chức năng phát triển thuộc loại nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 2000, ở Việt Nam chỉ có vài chục loại thực phẩm chức năng và chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu thì đến nay số lượng đăng ký mới hàng năm đã lên tới hàng chục nghìn sản phẩm. Trong đó, hơn 70% thực phẩm chức năng trên thị trường là sản xuất trong nước. Đáp ứng nhu cầu phòng bệnh hơn chữa bệnh và phù hợp với lối sống xu hướng gần gũi với thiên nhiên hiện nay, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam đang tăng trưởng 15% mỗi năm.

Thời gian vừa qua, thực phẩm chức năng đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng, vấn đề hoàn thiện thể chế, vấn đề hướng dẫn người dân sử dụng làm sao cho đúng với tác dụng và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Chưa có thống kê về thực phẩm chức năng giả trên nền tảng thương mại điện tử, nhưng lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho hay có khoảng 60% gian lận trên nền tảng thương mại điện tử. Trận chiến hàng giả ở kênh này gặp rất nhiều khó khăn do sản phẩm không xuất hiện trên thị trường, mà chỉ len lỏi trong các hội nhóm nên việc phát hiện hàng giả là vấn đề khó. Hậu quả, nhiều người dân tự mua thực phẩm chức năng sử dụng dẫn đến tình trạng suýt tử vong mà tưởng đang... thải độc.

Vì vậy, nhiều ý kiến đưa ra cho rằng các cơ quan chức năng cần tham mưu và đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện và thể chế quản lý thực phẩm chức năng, từ đó để đưa ra các giải pháp quản lý quảng cáo sao cho đúng, đảm bảo quy định để tránh việc người dân hiểu nhầm thực phẩm chức năng giống như thuốc chữa bệnh.

Về giải pháp, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có sự đồng lòng, chung tay góp sức trong hoạt động chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng. Hiệp hội Thực phẩm chức năng phải là đầu mối quy tụ doanh nghiệp, người tiêu dùng phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng.

Các đơn vị có liên quan cần phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường. Đặc biệt, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, không tự ý tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu hoặc trên các chợ mạng.

Doanh nghiệp, người tiêu dùng phát hiện thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cần phản ánh ngay đến lực lượng quản lý thị trường thông qua số đường dây nóng đăng tải tại địa chỉ trang web của Tổng cục Quản lý thị trường dms.gov.vn để tiếp nhận và xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
60% quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội là gian lận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO