Sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp: Cẩn thận không thừa

DUY KHUÊ| 10/05/2018 05:00

Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ khi xây dựng thương hiệu hoặc thiết kế nhãn mác hàng hóa, bao bì sản phẩm... để tránh các vấn đề tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp: Cẩn thận không thừa

Đó là khuyến cáo của diễn giả Hoàng Tố Như - chuyên gia tư vấn về sở hữu trí tuệ tại chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 32 với chuyên đề "Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm về sở hữu trí tuệ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực", do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) thực hiện vào tuần qua tại TP.HCM.

Bà Như cho hay, thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, đồng nghĩa thị trường sẽ rộng mở, không những hàng hóa Việt Nam sẽ có mặt rộng rãi trên thị trường thế giới mà hàng hóa các nước cũng sẽ du nhập ngày càng nhiều vào thị trường Việt Nam. Do đó, để có thể hạn chế những rủi ro không đáng có trong hoạt động kinh doanh liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nên gắn kết với một tổ chức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Link bài viết

Ông Nguyễn Xuân Hàn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) đã chia sẻ câu chuyện của chính doanh nghiệp mình về vấn đề này. Theo đó, với sản phẩm đầu karaoke Arirang, Maseco không chỉ thực thi vấn đề sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ, mà còn phải thực thi các vấn đề liên quan đến âm nhạc.

Việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hàng, thương hiệu cho sản phẩm đầu karaoke Arirang tại Việt Nam đều ổn, nhưng khi doanh nghiệp đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc thì thương hiệu Arirang không được chấp nhận với lý do liên quan đến tên một làn điệu dân ca của Hàn Quốc.

Sau khi sản phẩm đầu karaoke Arirang không đăng ký được quyền sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc, khoảng năm 2001, rất nhiều hàng hóa từ Nhật Bản, Hàn Quốc du nhập vào Việt Nam lại có xuất xứ "Arirang Korea", "Arirang Japan"... Nhận thấy có điều bất ổn, Maseco đã làm đơn kiện, song vụ việc chưa được giải quyết thì những đơn vị kinh doanh các mặt hàng này đã tẩu tán hết hàng hóa.

Ở tình huống khác, trong quá trình sản xuất đầu karaoke Arirang và các thiết bị âm thanh, Maseco phải nhập một số bo mạch và linh kiện từ các nước, rồi bị kiện đã xâm phạm một bằng sáng chế đã đăng ký. Theo đó, Maseco phải nộp phạt vài đô la/sản phẩm đã sản xuất ra.

Tuy nhiên, ông Hàn cho biết Maseco may mắn thoát khỏi sự cố là do khi soạn thảo hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp đã thỏa thuận rất rõ về trách nhiệm của mỗi bên, nhờ vậy việc giải quyết tranh chấp do bên nhà cung cấp nước ngoài đứng ra giải quyết, không liên quan đến người mua.

Từ câu chuyện của Maseco, ông Hàn khuyên các doanh nghiệp Việt Nam khi làm việc với đối tác nước ngoài phải nghiên cứu kỹ các điều khoản về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong các thỏa thuận về nhượng quyền thương mại. Song, qua các vấn đề xảy ra với Maseco trong sản xuất, kinh doanh, ông Hàn cho hay, vì hoạt động của doanh nghiệp còn gắn với lĩnh vực âm nhạc, nên đã có những tranh chấp trải qua gần 10 năm rồi mà vẫn chưa có hồi kết.

Cũng từ câu chuyện của Maseco, chuyên gia về sở hữu trí tuệ Hoàng Tố Như đã mách nước, trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài đưa hàng hóa vào hoặc kinh doanh tại thị trường Việt Nam nhưng lại có những biểu hiện liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ mà các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có quyền dùng biện pháp dân sự, lập tức yêu cầu niêm phong hàng hóa của đối tượng cần xem xét để chờ giải quyết tranh chấp, bởi đây cũng là một trong những xu hướng cần tham gia cam kết với các điều ước quốc tế của Việt Nam.

IMG-6289-6067-1525837595.jpg

Tại chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 32, một số chủ doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, thực tế cho thấy, gần như các doanh nghiệp vẫn còn khá mơ hồ và có ít thông tin về vấn đề này. Như đại diện thương hiệu chuỗi cà phê nhượng quyền Napoli chia sẻ, tính đến nay doanh nghiệp đã có mặt trên thị trường 23 năm, nhưng do công tác marketing chưa mạnh nên vô tình bị các thương hiệu khác cạnh tranh và cho rằng doanh nghiệp này đang làm nhái sản phẩm của họ.

Theo vị doanh nhân này, đây là điều bất cập cho hoạt động của doanh nghiệp, dù kể từ những năm 2000, doanh nghiệp cũng đã ý thức về việc đăng ký bản quyền thương hiệu, sở hữu trí tuệ..., nhưng quá trình triển khai việc đăng ký vướng phải một số thủ tục rườm rà cũng như thời gian xét duyệt quá lâu khiến doanh nghiệp không đủ kiên trì.

Trước những tâm tư của các chủ doanh nghiệp Việt, bà Như đã chia sẻ thêm một số kiến thức hữu ích để doanh nghiệp nắm rõ hơn về vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ. Cụ thể, trong thời gian tới, nếu doanh nghiệp muốn sản xuất theo một công nghệ nào đó thì cần phải có hợp đồng nhượng quyền, chuyển giao công nghệ.

Hơn thế nữa, khi tiếp cận những công nghệ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mình thì doanh nghiệp cần phải lưu ý đối tác ai sẽ là người chuyển giao công nghệ cũng như đối tượng đó có được phép chuyển giao công nghệ hay không. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải hiểu rõ việc nhượng quyền liên quan đến sản phẩm công nghệ và nhượng quyền công nghệ, bởi khoảng cách giữa mức giá của sản phẩm công nghệ và công nghệ là rất xa.

Theo bà Như, điểm lại tình hình thực tế, thời gian qua, tại Việt Nam cũng đã có rất nhiều trường hợp đang xử lý liên quan đến việc nhượng quyền thương mại. Do đó, để tránh rủi ro, khi tiến hành nhượng quyền trong kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam cần bắt bên chuyển nhượng phải đăng ký bảo hộ ở Việt Nam, có như vậy doanh nghiệp Việt Nam mới tránh được rủi ro nhãn hàng đó đã bị xác lập bởi một người khác.

Một vấn đề cần lưu ý nữa là hiện nay đang có tình trạng các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam mà không đăng ký sáng chế tại Việt Nam, nguy cơ bị kiện sẽ rất cao nếu một dự án có nhiều người cùng tham gia tự ý đi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ trước ở một quốc gia nào đó, họ hoàn toàn có quyền kiện ngược lại chúng ta, dù sản phẩm đó, công nghệ đó thực sự do chúng ta làm ra.

Do đó, các doanh nghiệp có quyền đi đăng ký để có cơ sở pháp lý bảo vệ quyền của mình, và trước thị trường tự do cần phải có bảo hộ không chỉ ở thị trường trong nước mà còn phải đăng ký ở thị trường nước ngoài để tránh sự cạnh tranh. Bà Như khuyến cáo, cần bảo vệ tài sản trí tuệ không chỉ ở bên ngoài mà còn phải bảo vệ từ chính nội bộ doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp: Cẩn thận không thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO