Nghiêm khắc hơn với vi phạm sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp phải thay đổi thế nào?

MINH HÀO| 30/04/2018 06:35

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Nghiêm khắc hơn với vi phạm sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp phải thay đổi thế nào?

Bản quyền phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam. Ảnh: X.Thảo

Chính vì thế, khung pháp lý cho lĩnh vực này được sửa đổi theo hướng nghiêm khắc hơn, buộc doanh nghiệp phải thay đổi phù hợp với yêu cầu thực tế.

Vi phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực, từ tác phẩm văn học, nghệ thuật, phần mềm máy tính đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại...

Trên thực tế, hàng hóa có thương hiệu càng nổi tiếng thì tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ càng nhiều và mức độ càng gia tăng, từ đồng hồ, máy tính, giày dép, quần áo, mỹ phẩm đến bánh kẹo, bột ngọt, bia...

Chia sẻ tại "Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ Luật Hình sự (sửa đổi)" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tuần qua, ông Trần Văn Minh - Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra khá phổ biến, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền, ảnh hưởng đến sáng tạo, sự phát triển và tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Trong đó, bản quyền phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam. Năm 2017, có đến 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, bị phạt 1,65 tỷ đồng. Đầu năm 2018, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng.

Link bài viết

Theo ông Gary Gan - Giám đốc Chương trình Tuân thủ Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp Quốc tế (BSA), tại Việt Nam, tỷ lệ cài đặt phần mềm không bản quyền thuộc hàng cao nhất khu vực với 78%. Việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp, không có bản quyền không chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn có nguy cơ bị tấn công mã độc. Sử dụng phần mềm lậu, doanh nghiệp không nhận được bản cập nhật an ninh, bản nâng cấp từ các hãng phần mềm.

Muốn tránh vi phạm, theo ông Gary Gan, doanh nghiệp nên sử dụng mô hình quản lý tài sản phần mềm để bảo đảm chỉ cài đặt, sử dụng phần mềm hợp pháp, có giấy phép. Quy trình này gồm 4 bước: kiểm kê để biết doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm có bản quyền hay không phép, đồng bộ phần mềm với nhu cầu doanh nghiệp, đề ra các quy trình trong nội bộ doanh nghiệp và tích hợp các bộ phận trong nội bộ doanh nghiệp để sử dụng phần mềm có phép.

Việt Nam ngày càng tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tham gia vào sân chơi quốc tế, doanh nghiệp sẽ có được nhiều cơ hội kinh doanh khi được tiếp cận với thị trường rộng lớn nhưng cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức như áp lực cạnh tranh và tuân thủ các quy định, luật chơi, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ.

Luật sư Nguyễn Hữu Tuấn của Baker McKenzia Việt Nam cho biết, hiện nay các nước trên thế giới có xu hướng hình sự hóa các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự, không chỉ nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan mà còn là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự cũng có xu hướng được mở rộng. Sự thay đổi này khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.

Trong xu thế đó, Việt Nam đã và đang hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này với việc sửa đổi, bổ sung theo hướng đưa ra các quy định này càng cao và chế tài xử lý nghiêm khắc hơn.

Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa, Điều 225 và 226 của Bộ Luật Hình sự quy định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan. Pháp nhân thương mại xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 2 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực, cấm huy động vốn từ một đến 3 năm.

Trước đây, hành vi vi phạm quyền tác giả chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có yêu cầu của bị hại, thì nay cơ quan tố tụng có thể tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự mà không cần có yêu cầu nói trên.

Đã đến lúc doanh nghiệp phải gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm, có hành động kịp thời, tránh những tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính cũng như ảnh hưởng đến hoạt động. Hy vọng với khung hình phạt nghiêm khắc đối với pháp nhân thương mại cố tình vi phạm bản quyền phần mềm máy tính mà Bộ Luật Hình sự cho phép, tỷ lệ vi phạm sẽ giảm xuống đáng kể, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghiêm khắc hơn với vi phạm sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp phải thay đổi thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO