Remake giúp phim Việt vừa có thu, vừa bù kịch bản

HƯƠNG XUÂN| 24/07/2018 06:26

Phản hồi tích cực của khán giả dành cho các phim điện ảnh và truyền hình được làm lại (remake) trong thời gian qua và sự nở rộ của dòng phim này cho thấy chúng đã đem lại sự mới mẻ và phong phú cho phim Việt.

Remake giúp phim Việt vừa có thu, vừa bù kịch bản

Cảnh trong phim "remake" Ông ngoại tuổi 30

Trở thành xu hướng tất yếu

Có thể thấy trong hơn một năm qua, những bộ phim truyền hình và điện ảnh được Việt hóa từ phim nước ngoài, hoặc làm phim phiên bản như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán, Bạn gái tôi là sếp, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi đừng sợ!, Ngày mai Mai cưới, Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Gạo nếp gạo tẻ, Gia đình là số 1, Gia đình vui nhộn, Yêu em bất chấp, Glee, Bố là tất cả... đã tạo nên diện mạo mới cho điện ảnh Việt Nam.

Trong đó có nhiều phim đạt mức rating (chỉ số người xem) và doanh thu quảng cáo kỷ lục trên sóng truyền hình, hay đạt doanh thu phòng vé rất cao, hoặc tạo sự đột phá về tiếp thị và quảng bá cũng như nâng tầm chất lượng nghệ thuật.

Ở thời điểm này và sắp tới đã và sẽ có thêm nhiều phim điện ảnh và truyền hình "remake" được trình chiếu như Ngày ấy mình đã yêu, Mối tình đầu của tôi, Hậu duệ mặt trời, Ngôi sao khoai tây, 50 cuộc hẹn đầu tiên, Anh tôi vô số tội... Đây đều là những bộ phim được đầu tư với quy mô lớn từ kinh phí đến dàn diễn viên, chiến lược tiếp thị... và đứng đằng sau chúng là các nhà sản xuất tên tuổi như VFC, HK Film, BHD, CJ...

Link bài viết

Điểm chung của tất cả các phim remake ở Việt Nam thời gian qua và sắp tới là đều có phiên bản gốc rất "ăn khách" ở nước sở tại, ví dụ như Hậu duệ mặt trời từng đạt lượng người xem cao nhất của truyền hình Hàn Quốc với những tập vượt hơn 40%, nhận được 88 đề cử và 44 giải thưởng danh giá, đồng thời bán bản quyền phát sóng với giá cao kỷ lục cho nhiều quốc gia.

Cũng có thể thấy, người được giao cầm trịch hầu hết phim remake đều là những đạo diễn có tên tuổi, hay ít nhiều đã khẳng định được tài năng, tư duy làm phim sáng tạo qua một vài bộ phim trước đó như Nguyễn Quang Dũng với Tháng năm rực rỡ và sắp tới là 50 cuộc hẹn đầu tiên, Vũ Ngọc Phượng với Anh tôi vô số tội - dự án phim thứ ba của anh, được hậu thuẫn bởi nhà sản xuất CJ của Hàn Quốc, Trần Bửu Lộc - đạo diễn của bộ phim Cô Ba Sài Gòn nổi đình nổi đám cuối năm ngoái - sẽ ngồi ghế chỉ đạo phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt - "dự án đinh" của nhà sản xuất BHD.

Điều này cho thấy phim remake không còn để "trám" chỗ trống hay là giải pháp tình thế cho phim Việt như trước đây, mà đang trở thành một xu hướng tất yếu của điện ảnh Việt Nam. Nếu những năm trước, giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam từng nói "không" với những phim remake, thì năm nay lại mở cửa đón chào những bộ phim này.

Nhất cử lưỡng tiện

Thời gian qua cũng từng có không ít ý kiến lo ngại phim remake bùng nổ sẽ lấn át các dòng phim khác. Nhưng khi điện ảnh trở thành lĩnh vực giải trí hàng đầu của phần đông khán giả Việt, với nhu cầu hàng nghìn tập phim truyền hình và trung bình từ 40 - 50 bộ phim chiếu rạp mỗi năm, thì phim remake không chỉ mang lại thành công về doanh thu cho các nhà sản xuất, mà còn giúp giải quyết phần nào sự thiếu hụt kịch bản.

Bởi từ nhiều năm nay, điện ảnh Việt chưa bao giờ giải quyết được tận gốc vấn đề kịch bản vừa thiếu vừa yếu. Chính đại diện Cục Điện ảnh thừa nhận ngoài kinh phí thì hiện nay vấn đề kịch bản đang là mối lo hàng đầu của Cục. Đội ngũ biên kịch của Việt Nam chưa theo kịp được sự phát triển nhanh chóng của ngành điện ảnh và truyền hình. Mặt khác, cũng không theo kịp thị hiếu của khán giả.

Theo bà Bích Thủy - nhà biên kịch kỳ cựu kiêm nhà sản xuất phim, bây giờ khán giả xem phim tập trung nhiều hơn vào yếu tố kịch bản, nên cần những câu chuyện mới lạ, kết cấu chặt chẽ. Phim remake đã làm được điều này và thực tế đã góp phần lôi kéo khán giả trở lại xem phim trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ dàng "bê nguyên xi" kịch bản gốc đưa vào làm phim. Ví dụ ở phiên bản gốc của phim Người phán xử, các yếu tố sex, bạo lực, hành động xuất hiện khá nhiều vì văn hóa Do Thái tương đối cởi mở. Khi về Việt Nam, để phù hợp với văn hóa của người Việt, các nhà biên kịch đã phải tiết giảm các yếu tố này hết mức có thể.

Hay sự thành công của những phim Việt gần đây có kịch bản dựa theo kịch bản của phim nước ngoài như Tháng năm rực rỡ, Cả một đời ân oán, Gạo nếp gạo tẻ, Ông ngoại tuổi 30... cho thấy các nhà biên kịch phải lồng vào cốt truyện chính những suy nghĩ, tính cách của người Việt mới thu hút được khán giả.

Ngoài ra, thành công của phim remake cũng hoàn toàn phụ thuộc vào sự phát hiện đề tài của nhà sản xuất, khả năng tiếp cận vấn đề của đạo diễn, trình độ diễn xuất của diễn viên và cả yếu tố may mắn. Nghĩa là bên cạnh kịch bản, phim remake vẫn cần có sự đầu tư thích đáng để diễn xuất, bối cảnh lẫn kỹ thuật đều đạt chất lượng tốt.

Nhìn chung, phim remake đề cập nhiều đề tài tuy quen thuộc nhưng cũng có sự mới lạ và thú vị, góp phần mang đến sự phong phú cho thị trường phim điện ảnh và phim truyền hình Việt.

Tuy nhiên, theo đuổi dòng phim remake không phải là đi trên con đường trải hoa hồng. Những phim remake thất bại cho thấy các nhà sản xuất nên thận trọng, tính toán kỹ lưỡng khi quyết định đầu tư. Vì không cứ mua được bản quyền phim ăn khách ở nước ngoài về làm lại là thu hút được khán giả Việt. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Remake giúp phim Việt vừa có thu, vừa bù kịch bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO