“Món ăn tinh thần” giữa mùa dịch
Dù cũng chịu nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, song nhiều phim truyền hình mới phát sóng trên VTV1, VTV3, HTV7, THVL1 đã trở thành “món ăn tinh thần” thu hút đông đảo khán giả, như Cây táo nở hoa, Hương vị tình thân, Hãy nói lời yêu, Thương con cá rô đồng, Mùa hoa tìm lại, Lưới trời, 11 tháng 5 ngày, Bánh mì ông Màu, Ngày mai bình yêu, Thương ngày nắng về, Hướng dương ngược nắng, Hồ sơ cá sấu, Mặt nạ gương... Trong đó các phim có kịch bản “Việt hóa” như Hương vị tình thân, Cây táo nở hoa với những yếu tố kịch tính mang “làn gió mới”, còn các phim có kịch bản thuần Việt như Hướng dương ngược nắng, Thương con cá rô đồng thu hút người xem bởi những thông điệp đầy tính nhân văn.
Cảnh trong phim Hương vị tình thân |
Dễ dàng nhận thấy, đề tài tình cảm gia đình và tình yêu đôi lứa chiếm ưu thế trong hầu hết phim kể trên. Tuy vậy, nếu phát sóng liên tiếp nhiều bộ phim cùng đề tài thì dễ gây nên sự nhàm chán đối với khán giả. Đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách xã hội, ở nhà lấy truyền hình làm phương tiện giải trí thì việc xem nhiều phim tình cảm gia đình đan xen tình yêu, hận thù đầy kịch tính và cao trào đôi khi khiến khán giả thấy “mệt mỏi”. Yếu tố hàng đầu tạo nên sức hấp dẫn khán giả của những phim truyền hình kể trên là khai thác đề tài gia đình một cách linh hoạt, phản ánh chân thực những xung đột, hiện thực cuộc sống với góc nhìn mới, có chiều sâu mang đến sự khác lạ. Dù bị chê nội dung dài dòng, lan man, càng về cuối càng đuối hay tính cách một số nhân vật thiếu nhất quán, xu hướng bi kịch hóa, phim Hương vị tình thân, Hướng dương ngược nắng, Cây táo nở hoa, Thương con cá rô đồng vẫn tạo được sức hút với khán giả ở kịch bản hấp dẫn, tình tiết gay cấn, có điểm nhấn hoặc lời thoại đắt giá, giá trị nhân văn.
Đặc biệt, bộ phim 11 tháng 5 ngày có lối kể chuyện mới mẻ, đan xen giữa bi và hài, hướng đến sự lạc quan, tươi sáng về giới trẻ trong hành trình tự lập và tìm kiếm tình yêu, nhận được nhiều lời khen ngợi, từng lọt vào vị trí thứ 2 trong Top 10 (tháng 8) và dẫn đầu Top 10 (tháng 9) về tỷ lệ người xem cao nhất (Kantar Media Vietnam). Riêng Mặt nạ gương đang phát sóng trên VTV3 thuộc seri phim Cảnh sát hình sự, song cách kể chuyện và xây dựng nhân vật có phần mới mẻ khi không chỉ có chuyện điều tra, phá án đơn thuần, mà còn đan xen chuyện gia đình, tình yêu. Trong bảng xếp hạng Top 10 phim truyền hình Việt Nam năm 2021 (tính tới hết tháng 10/2021), tính theo rating người xem từ độ tuổi 15-54 tuổi, tại 4 thành phố lớn, Mặt nạ gương dẫn đầu với 4,8%.
Cảnh trong phim Mặt nạ gương |
Khởi sắc nhờ chất lượng
Hiện nay có nhiều phim truyền hình Việt Nam (do VFC Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất) dù kịch bản đã hoàn chỉnh, nhưng do hiệu ứng của khán giả, ê kíp biên kịch, biên tập tiếp tục viết thêm nội dung, như phim Hương vị tình thân với hai phần vừa phát sóng là một ví dụ. Tăng tương tác với khán giả cũng được nhiều ê kíp phim truyền hình đẩy mạnh bằng việc tung ra trailer, teaser, “nhá hàng” một số phân đoạn hay nội dung chọn lọc của mỗi tập phim trước giờ lên sóng, tạo diễn đàn tranh luận, dự đoán từ khán giả trên mạng xã hội nhằm góp phần đáng kể tăng sự quan tâm và tăng lượng khán giả.
Bên cạnh sự đầu tư nghiêm túc và chỉn chu về chất lượng kịch bản, cảnh quay hay quảng bá thì sức hút của phim truyền hình Việt hiện nay còn đến từ đội ngũ diễn viên có kỹ năng diễn xuất tốt, nỗ lực hóa thân vào từng nhân vật, từng câu chuyện trong phim. Nhiều diễn viên trẻ và quen thuộc như Hồng Đăng, Mạnh Trường, Phương Oanh, Ngọc Lan, Lê Phương, Nhật Kim Anh, Khả Ngân, Nhã Phương... đã tạo được ấn tượng tốt với khán giả. Gần đây, sự trở lại màn ảnh nhỏ của nhiều diễn viên gạo cội như NSND Như Quỳnh, NSND Thu Hà, NSND Lan Hương, NSƯT Võ Hoài Nam, Hồng Ánh, Thái Hòa trong Hương vị tình thân, Hướng dương ngược nắng, Cây táo nở hoa góp phần quan trọng giữ khán giả theo dõi phim.
Theo một thống kê trong tháng 10/2021, phim 11 tháng 5 ngày đạt rating khán giả ở mức 4,7%, Hướng dương ngược nắng với 4,1%, Mùa hoa tìm lại và Hãy nói lời yêu cùng 4,4%, Hồ sơ cá sấu 3,8%, Kiếm chồng cho mẹ chồng 2,8%, Bánh mì ông Màu 2,7%... cho thấy phim truyền hình Việt đã được cải thiện hơn về chỉ số người xem, cũng như có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Nhà sản xuất của phim Thương con cá rô đồng cho biết, qua các đợt bùng dịch Covid-19 phim truyền hình trở nên lợi thế hơn, vượt cả phim chiếu mạng cùng các nền tảng thu phí. Nếu tiếp tục được nâng cao hơn nữa về mặt chất lượng, phim truyền hình sẽ sớm lấy lại vị thế là “món ăn tinh thần” thiết yếu tại nhà. Cũng theo nhà sản xuất này thì chính hiệu ứng tốt từ dư luận cùng tỷ lệ người xem tăng đã trở thành động lực giúp các nhà đầu tư phim truyền hình tăng dần. Dù tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh đại dịch rất khó khăn, song nhà sản xuất nào cũng hiểu rõ do ảnh hưởng chung nên vẫn nỗ lực tạo ra sản phẩm tốt nhất để phim truyền hình khởi sắc hơn, như thế mới giữ được niềm tin với khán giả.