Cuộc đột kích chưa từng có tiền lệ của các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào dinh thự Mar-a-Lago của Donald Trump hôm 8/8 được cho là liên quan tới những tài liệu mà cựu tổng thống đã đưa ra khỏi Nhà Trắng khi rời nhiệm sở hồi tháng 1/2021.
Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ hồi tháng 2 thông báo cho quốc hội rằng họ đã thu hồi 15 thùng hồ sơ Nhà Trắng từ dinh thự Mar-a-Lago, một số trong đó là tài liệu mật. Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 4 đã mở cuộc điều tra việc những hồ sơ này bị đưa ra khỏi Nhà Trắng trái phép.
Những thùng đồ được chuyển khỏi Nhà Trắng trước khi Trump rời nhiệm sở ngày 14/1/2021. Ảnh: Reuters. |
Eric Trump - con trai của cựu tổng thống, đầu tuần này nói cuộc đột kích của FBI là nhằm tìm kiếm các tài liệu mật mà Cơ quan Lưu trữ Quốc gia cho là Trump đã không nộp lại theo quy định. Trong khi đó, Trump chỉ trích sự việc là "không cần thiết và không phù hợp", bởi ông đã phối hợp với các cơ quan hành pháp có liên quan.
Các chuyên gia cho rằng để thuyết phục được thẩm phán phê chuẩn lệnh khám xét dinh thự Mar-a-Lago, các đặc vụ FBI nhiều khả năng đã nắm trong tay một số manh mối cho thấy ông Trump đã xử lý tài liệu mật không đúng quy định của pháp luật. Nếu họ tìm thấy chứng cứ, cựu tổng thống có thể đối mặt với nhưng rắc rối pháp lý lớn.
Mỹ có nhiều đạo luật liên bang quy định về cách thức các cựu tổng thống xử lý hồ sơ, tài liệu từ thời họ tại nhiệm. Đạo luật hồ sơ Tổng thống quy định các tài liệu chính thức của Nhà Trắng, như biên bản cuộc họp, email, văn bản hoặc ghi chú viết tay do tổng thống và trợ lý hàng đầu viết ra hoặc nhận được đều là tài sản của nước Mỹ, không thuộc sở hữu của riêng tổng thống.
Luật này cũng cho phép Cơ quan Lưu trữ Quốc gia xử lý, bảo quản hồ sơ, tài liệu của các tổng thống sau khi họ mãn nhiệm. Bởi vậy, việc tự ý đưa hồ sơ, tài liệu từ Nhà Trắng về nhà riêng có thể khiến ông Trump bị cáo buộc tội cản trở hoạt động của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, theo Jeffrey Cohen, phó giáo sư Trường Luật của Đại học Boston và từng là công tố viên liên bang.
Cựu tổng thống cũng có thể bị truy tố theo đạo luật 2071, trong đó quy định việc che giấu hoặc phá hủy các tài liệu của chính phủ Mỹ là hành vi phạm tội. FBI cũng có thể dựa vào các điều luật về hành vi đánh cắp hoặc làm hư hỏng tài sản của chính phủ Mỹ để đưa ra cáo buộc đối với ông Trump.
Cựu tổng thống Donald Trump tại Memphis, Tennessee ngày 18/6. Ảnh: Reuters. |
Luật liên bang quy định việc cố ý mang hồ sơ mật đến một địa điểm không phù hợp là bất hợp pháp. Một nguồn tin am hiểu vấn đề đã xác nhận rằng cuộc tìm kiếm của FBI dường như gắn liền với việc Trump tự ý đưa các hồ sơ mật khỏi Nhà Trắng.
Đạo luật Hồ sơ Tổng thống loại trừ một số tài liệu "có tính chất hoàn toàn riêng tư hoặc không công khai", trong đó có các tài liệu liên quan tới chiến dịch bầu cử của tổng thống. Trump có thể lập luận rằng các tài liệu mà ông lưu giữ tại Mar-a-Lago thuộc danh sách miễn trừ.
Lara Trump - con dâu của ông Trump, hôm 8/8 cho biết cựu tổng thống đã đưa về dinh thự những kỷ vật cá nhân mà ông có quyền lấy. Nhưng luật pháp Mỹ cũng đề ra quy trình chặt chẽ để các cựu tổng thống tìm kiếm quyền miễn trừ đối với một số hồ sơ nhất định từ Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, theo Jennifer Beidel, cựu công tố viên liên bang và đối tác tại công ty luật Saul Ewing.
"Nếu có bất cứ ý kiến hoặc lo ngại gì về quyền miễn trừ này, cựu tổng thống vẫn phải tuân theo quy trình của luật", Beidel nói.
Tổng thống có quyền giải mật các tài liệu, làm dấy lên lo ngại ông Trump có thể đã làm như vậy trước khi đưa hồ sơ đến Mar-a-Lago. Song Trump cũng có thể bị buộc tội theo luật ngăn chặn sở hữu trái phép thông tin quốc phòng, bất kể đó có phải hồ sơ mật hay không, theo David Aaron, thành viên công ty luật Perkins Coie và là cựu công tố viên liên bang.
Ngoài những cáo buộc liên quan đến xử lý hồ sơ mật, vụ khám nhà của FBI còn có thể khiến ông Trump đối mặt với những cáo buộc khác, đặc biệt là khi cuộc điều tra vụ bạo loạn Đồi Capitol đang được thúc đẩy, theo Mitchell Epner, cựu công tố viên liên bang Mỹ.
"Một khi FBI bắt đầu xem xét các hồ sơ đã thu giữ, họ sẽ không bỏ qua các bằng chứng về hành vi phạm tội khác mà họ phát hiện được", Epner nói.
Đặc vụ Mỹ và cảnh sát Palm Beach đứng trước dinh thự của cựu tổng thống Donald Trump ở Mar-a-Lago, bang Florida hôm 8/8. Ảnh: AFP. |
Trước đây, Mỹ chưa ghi nhận trường hợp cựu tổng thống nào bị buộc tội vì xử lý hồ sơ sai cách sau khi rời nhiệm sở. Các quan chức cấp cao từng đối mặt cáo buộc tương tự gồm cựu giám đốc CIA David Petraeus - người vào năm 2015 nhận tội cung cấp thông tin mật cho một tình nhân phụ trách viết tiểu sử cho ông. Petraeus bị kết án hai năm án treo và bị phạt 100.000 USD.
Samuel Berger - cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống Bill Clinton, năm 2005 cũng từng thừa nhận lấy và lưu giữ trái phép hồ sơ mật. Ông bị phạt hơn 50.000 USD và 100 giờ lao động công ích, cùng 2 năm án treo. Một điều khoản của đạo luật 2071 nêu rõ bất kỳ ai bị kết án sẽ bị cấm giữ chức vụ liên bang và phải đối mặt với án tù lên tới 3 năm.
Nhưng các chuyên gia cho rằng điều khoản đó có thể không hợp hiến. Hiến pháp Mỹ quy định các tiêu chuẩn để giữ chức vụ liên bang được bầu. Các phán quyết trước đây của Tòa án Tối cao cho rằng quốc hội không thể hạn chế ai được phép tranh cử tổng thống hay chạy đua vào Thượng viện và Hạ viện. Nếu bị kết án theo đạo luật 2071 và bị cấm tái tranh cử năm 2024, ông Trump có thể kháng cáo. Điều này nhiều khả năng sẽ dẫn đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài, với kết quả khó có thể biết trước.
(Theo VnExpress)