Những chốn đi về...

VŨ LONG -VŨ LÂM| 27/05/2009 08:33

Nhiều ngôi nhà của các nghệ sĩ ở Hà Nội từ lâu không những trở thành nơi gặp gỡ và chia sẻ của những tâm hồn đồng điệu mà còn là nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa - văn nghệ. Hãy cùng DNSG thăm “chốn đi về” thấm đượm tính cách của nghệ sĩ Hà thành và khám phá nét độc đáo trong kiến trúc của mỗi công trình.

Những chốn đi về...

Nhiều ngôi nhà của các nghệ sĩ ở Hà Nội từ lâu không những trở thành nơi gặp gỡ và chia sẻ của những tâm hồn đồng điệu mà còn là nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa - văn nghệ. Hãy cùng DNSG thăm “chốn đi về” thấm đượm tính cách của nghệ sĩ Hà thành và khám phá nét độc đáo trong kiến trúc của mỗi công trình.

Studio Đào Anh Khánh (còn gọi là nhà sàn Đào Anh Khánh, P. Ngọc Thụy, Q.Long Biên)

Tọa lạc trên khu đất 1.750m2, đây là không gian thấm đẫm ý niệm phồn thực, thu hút khá nhiều văn nghệ sĩ và người nổi tiếng trong và ngoài nước ghé thăm.

Từ một người làm công tác văn hóa trong lực lượng vũ trang, Đào Anh Khánh lấy vợ họa sĩ rồi cầm bút vẽ. Thời gian gần đây, anh được biết đến nhiều hơn với loại hình nghệ thuật sắp đặt và trình diễn. Anh biểu diễn ở nhà ở một số sân khấu Thủ đô, đôi khi còn biểu diễn ở nước ngoài.

Con đường dọc lối đi vào cổng nhà anh Khánh là những bức tượng cao gần chục mét, biểu thị triết lý âm dương sinh tồn. Ấn tượng hơn cả là bức tường gắn hàng trăm tấm xi măng kích cỡ 20x20cm in dấu bàn tay và chữ ký của các nghệ sĩ, những người nổi tiếng trong và ngoài nước. Trong nhiều nghệ sĩ Sài Gòn đã ghé thăm nơi đây, có dấu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nội thất nhà sàn Đào Anh Khánh


Ngôi nhà nằm giữa khu đất, chia đôi hai “thế giới”: một bên là những sinh thực khí được dựng cao ngút, cỏ hoa nép mình bên tường; một bên là những loại cây hương đồng gió nội sum suê, quấn quýt. Không gian thấm đẫm chất quê với bờ ao, giếng nước dường như đối lập với bên kia mang dáng vẻ hiện đại... Phất phưởng đi trong không gian huyền bí ấy, Đào Anh Khánh lúc diện bộ đồ trắng toát, khi chơi độc màu đen với vòng với dây lắc lủng lẳng...

Nếp nhà sàn lãng mạn âm sắc Tây Nguyên từ tượng gỗ đến đủ thứ đồ lặt vặt lộn xộn ngổn ngang đầy gợi cảm được chủ nhân mua của bà con dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc. Ngoài sân là những pho tượng kỳ dị. Sàn nhà là xưởng vẽ của họa sĩ với hàng trăm bức tranh sơn dầu, màu nước và nhiều nhất vẫn là những bức chân dung tự họa khổ 30x50cm...

Hàng chục chiếc mõ trâu và những quả bầu khô hình nậm rượu treo dọc lối lên nhà sàn. Trong nhà, nhiều chiếc gùi lớn đựng quần áo như người Mường vẫn dùng, cho đến bức đại tự chạm trổ chữ Nho... Một bếp lửa phía cuối nhà với ấm nước treo cao và những bắp ngô nướng lủng lẳng phía trên. Cách đây gần chục năm, nhà sàn Đào Anh Khánh từng được ngã giá tới cả triệu đô!

Biệt thự Hoa Sen Trắng của nữ họa sĩ Văn Dương Thành (P.Yên Phụ, Q. Tây Hồ)

Đây là một không gian sen nên thơ nằm cách đường Nghi Tàm chỉ vài chục mét, trên một con phố rộng phía ngoài đê. Lấy ý tưởng chủ đạo là vẻ đẹp trang nhã và tinh khiết của hoa sen, toàn bộ trang trí và họa tiết trong ngôi nhà đều trung thành với mô-típ này.
Văn Dương Thành từng là họa sĩ trẻ tuổi nhất có tranh được Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua để trưng bày.

Nội thất nhà HS Văn Dương Thành


Đó là bức sơn dầu Hoa cúc trắng mà chị sáng tác năm 20 tuổi. Hai tác phẩm Làng cổ Việt Nam và Sự yên lặng của họa sĩ Văn Dương Thành là những tác phẩm xuất sắc nhất trong “Chương trình nghệ thuật quốc tế kiệt xuất” do các giám khảo Pháp và Mỹ chọn trong số 36 nước tham dự vào hai năm 1975 và 1977. Sau gần 20 năm định cư tại Thuỵ Sĩ, năm 2007, chị trở về Việt Nam và đón những mùa xuân ấm áp tại ngôi biệt thự này.

Chủ nhân dành cả năm trời cùng với kiến trúc sư tìm kiếm ý tưởng và thiết kế chi tiết cho ngôi nhà rộng 150m2 với mặt tiền dài 15m. Chất liệu đá cùng với hình tượng hoa sen xuất hiện ở nhiều mảng kiến trúc trong nhà. Tranh trên bức tường trước biệt thự được ghép bằng những mảnh đá nhiều màu.

Điều đặc biệt là họa sĩ chọn được khối đá to màu gạch với những thớ tự nhiên tạo hình những lớp cánh sen rất đẹp và sửa sang đôi chút là thành đài sen tươi tắn. Một bức tranh sen khác cũng bằng đá ở ngay trước sân với những hoa và lá nhỏ xinh trông rất sống động.

Bức tường xung quanh bể bơi được trang trí bằng những bức tranh sơn dầu cỡ lớn của Văn Dương Thành. Ở một góc bể bơi là hình thiếu nữ ngồi thiền được ghép bằng những phiến đá tự nhiên do họa sĩ chọn từ Hòa Bình, nước róc rách chảy qua vai thiếu nữ.

Biệt phủ Thành Chương (xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn)


Nằm sau lưng một quả đồi, tọa lạc trên khu đất hơn 10.000m2, biệt phủ là quần thể kiến trúc thấm đẫm văn hóa Việt. Nơi đây thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm mỗi năm.

Biệt phủ Thành Chương mang đậm kiến trúc đặc trưng của làng cổ người Việt với những chiếc cổng mang dáng dấp của làng Thổ Hà, Đường Lâm cùng nhiều kiến trúc của cung đình, cố đô Huế... Khuôn viên chia làm ba phần. Chính giữa là khu nhà 5 gian bằng gỗ lim đặc trưng của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ, được chuyển nguyên bản từ Nam Định về.

Phủ Thành Chương


Tiếp đó là ngôi nhà sàn của người Mường ở Hòa Bình. Khu ở của gia đình họa sĩ là ngôi nhà cổ năm gian hai chái bằng gỗ lim rộng 120m2 mang đậm dấu ấn của làng quê xưa. Những ngôi nhà năm gian, hai chái với nội thất hoàn toàn bằng gỗ xoan đào đang được cất lên. Một tháp nước trung tâm cao 25m được xây dựng theo kiến trúc chùa Dâu.

Một trong những điểm nhấn trong quần thể kiến trúc này là nhà nghỉ chân bên ao cá được làm bằng gỗ, lợp cói khô. Xung quanh nhà được tô điểm bằng màu xanh mướt của các loại cây trồng quen thuộc: tre, chuối, cau, nhãn lồng, vải thiều, khế, rồi các loại hoa, cây cảnh quý.

Những bức tranh sơn mài của Thành Chương là phần không thể thiếu hòa quyện với không gian trưng bày ở biệt phủ. Cũng như họa sĩ Văn Dương Thành, những tác phẩm này chính là tài sản quý giá nhất của chủ nhân. Sau một thời gian dài mở cửa miễn phí, bắt đầu từ cuối năm ngoái, khách muốn thăm quan biệt phủ phải mua vé với giá không “mềm”.

Ngôi nhà nghệ thuật (Maison des arts, 31A Văn Miếu, quận Ba Đình)

“Tôi ước mơ trong ngôi nhà này có các hoạt động nghệ thuật dân tộc”, chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, Việt kiều Pháp, đã thổ lộ về ngôi nhà nghệ thuật của vợ chồng chị như vậy. Chồng chị là đạo diễn Pháp Daniel Roussel, người đã làm phim về Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngôi nhà nghệ thuật ra đời vào tháng 5/2007. Chị Nga đã chọn được địa điểm đắc địa để “an cư lạc nghiệp” sau nhiều năm sống ở nước ngoài. Thả mình bên bộ bàn ghế gỗ ở sân thượng, khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn màu xanh mướt của những tán cây cổ thụ trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Là kiến trúc sư chuyên ngành quy hoạch đô thị, chị đã “quy hoạch” nội thất cho ngôi nhà bằng cả tình yêu nghệ thuật và ý thức trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa Việt.

Ngôi nhà nghệ thuật


Tầng một như một bảo tàng nhỏ giới thiệu về những giá trị văn hóa truyền thống; tầng hai và ba trưng bày các hiện vật mang giá trị nghệ thuật đương đại, là nơi triển lãm tranh và nghệ thuật sắp đặt; tầng bốn là nơi có thể đọc sách, nghe nhạc và tầng 5 với nội thất hoàn toàn bằng gỗ, được thiết kế theo nhà gỗ của người dân đồng bằng Bắc Bộ, là nơi giao lưu, trà đạo, ca trù, chầu văn...

Rất nhiều cá chép bằng gỗ sơn son treo lủng lẳng phía trên các đồ vật trưng bày trong nhà. Bà chủ giải thích: Biểu tượng cá chép hóa rồng thể hiện ước muốn của chị là nền nghệ thuật Việt Nam sớm hòa nhập với thế giới.

Điều khiến chị Nga hạnh phúc nhất là ngôi nhà, mà đúng hơn là các hoạt động nghệ thuật diễn ra tại đó, đã tạo cảm hứng và kích thích sáng tạo nơi các nghệ sĩ. “Khi mở triển lãm, nhiều họa sĩ nói với tôi, bây giờ họ phải quay về vẽ thật sự chứ không thể cứ vẽ kiếm sống mãi được”, chị tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những chốn đi về...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO