Đệ nhất nề vương

HÀN THƯ| 10/09/2010 02:36

Đệ nhất nề vương là danh hiệu đã có từ mấy trăm năm của làng Diêm Điền (nay là phường Đức Ninh Đông), thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Đệ nhất nề vương

Đệ nhất nề vương là danh hiệu đã có từ mấy trăm năm của làng Diêm Điền (nay là phường Đức Ninh Đông), thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Người làng, hơn 450 năm trước từ Thái Thụy, Thái Bình vào thượng nguồn sông Nhật Lệ lập nghiệp, sống với nghề làm muối nên tên làng được đặt là Diêm Điền. Nghề muối bấp bênh, không đủ sống, con dân của làng đành chuyển qua làm thợ nề, tay nghề của người làng muối làm nề bỗng nức tiếng khắp vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và được vua sắc phong “nề vương”.

Sự tích “nề vương”

Theo sử sách làng Diêm Điền còn chép lại, ông Bùi Cao Đạo, sinh năm 1765 thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, được nhà Nguyễn mời vào cố cung phục vụ việc xây dựng thành quách ở Đại Nội và phủ đệ, lăng tẩm cho vương tôn, công tử...

Bức tượng này được ông Bùi Quảng Đại làm theo công thức “nề vương” để lại từ năm 1987, đến nay vẫn còn mới, đẹp.

Tại đây, ông Đạo đã có sáng kiến dùng vôi hàu cùng với giấy bổi làm từ tre, điệp giã mịn trộn với mật mía tạo thành thứ kết dính vững chắc cho các công trình của triều đình. Chính vì tài năng làm nề mà năm 1802, vua Gia Long sắc phong cho ông là “nề vương” (vua nề). Sau khi ông qua đời, vua Tự Đức đã cấp tiền xây miếu thờ ông tại làng Diêm Điền, đặt tên là Miếu Hội, để ghi nhớ công trạng của ông.

Hằng năm, cứ đến ngày 24/11, ngày ông Bùi Cao Đạo mất, dân nề khắp các vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế lại đem lễ vật về cúng giỗ ông.

Ông Bùi Quảng Đại, cháu đời thứ năm của “nề vương”, kể: “Ngày giỗ ông Đạo, ngoài dân nề ở các vùng khắp bốn tỉnh lân cận đổ về cúng bái còn có dân nề các làng xung quanh như: Đức Phổ, Đồng Hới, Lý Ninh, Bình Phúc, Lộc Ninh, Phú Hải... cũng về Diêm Điền mua hương đăng trà quả cúng ông.

Riêng họ Bùi ở làng làm lễ giỗ rất to, với ba lợn, một bò, hoặc ba bò, sáu lợn. Các doanh nghiệp theo nghề nề ở xa không về cúng ông được, thì đến ngày giỗ ông cứ thắp hương khấn vái, lúc nào có dịp lại về thỉnh hương”.

Thoát nghèo nhờ nghề tổ phụ

Làng Diêm Điền coi nề là nghề phụ, nhưng có đến hơn 80% dân làng theo nghề do ông Bùi Cao Đạo để lại. Làng có 980 hộ dân mà dân số đến 9.000 người, diện tích đất nông nghiệp chỉ được 80ha, một phần trồng lúa, phần còn lại trồng hoa màu. Theo dân làng, từng đó đất không đủ nuôi 9.000 nhân khẩu, phải vận dụng thêm nghiệp nề của tổ tiên mới sống đủ, sống tốt được.

Ông Bùi Quảng Đại nói: “Dân làng tui hầu hết đều theo nghiệp nề cha ông truyền lại. Thợ nề cần khéo tay hay làm, làng tui khéo tay nhất nên mới được nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh tín nhiệm thuê dựng nhà, làm đình, xây lăng, tô vẽ lân phụng... với công thức chất kết dính gia truyền từ mấy trăm năm trước truyền lại.

Quảng Bình Quan, biểu tượng của Đồng Hới, được người làng Diêm Điền phục dựng

Nhiều công trình tô vẽ của làng khác học theo Diêm Điền chỉ một mùa mưa gió là phai, còn của người làng Diêm Điền kẻ vẽ thì tồn tại mãi cùng năm tháng, màu phẩm không phai nhạt mà để càng lâu càng đẹp ra, chú ạ”.

Vừa nói, ông Đại vừa chỉ căn nhà của ông được xây từ chất kết dính gồm mật mía, vôi hàu, giấy bổi, điệp giã mịn đã 30 năm nhưng vẫn còn chắc chắn, bức tượng Phật Quan âm Bồ tát ông dựng giữa sân từ năm 1987 với màu phẩm trắng tự ông chế theo công thức của cụ Bùi Cao Đạo để lại đến nay vẫn không suy suyển chút nào.

Người Diêm Điền ngày nay tham gia xây dựng khắp các làng, xã ở Quảng Bình, trên các công trình lớn, nhỏ của địa phương với kiểu thức chồng cha làm thợ, vợ con phụ hồ. Mỗi buổi sáng ở đầu làng, từng đoàn người tấp nập tỏa đi khắp các nơi trong vùng với bay, búa để phục vụ cho các công trình, nhà cửa đang xây.

Khi tỉnh Quảng Bình vừa tách ra khỏi Bình Trị Thiên cũ, thành phố Đồng Hới lúc đó rất hoang tàn, nhà cửa lụp xụp, công cuộc kiến thiết mới bắt đầu, thợ thầy lành nghề trong vùng không có ai, nên người làng Diêm Điền liền đứng ra nhận xây nhà cửa, các công trình công cộng.

Những công trình biểu tượng của Đồng Hới như Quảng Bình Quan, khu nhà Thị ủy... đều do người làng Diêm Điền khéo tay làm nên. Và bàn tay thợ nề của người Diêm Điền đã góp công rất lớn để có thành phố Đồng Hới với vô số nhà cửa san sát mọc lên nề nếp như hôm nay.

Khi công việc xây dựng ngày càng phát triển, làng Diêm Điền đã thành lập sáu công ty do người làng làm chủ, chuyên nhận xây các công trình trong và ngoài tỉnh. Những công ty này mỗi năm có doanh thu hàng trăm tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Người làng Diêm Điền còn rất tự hào khi làng của họ có 45 tổ thợ xây, bình quân mỗi tổ có từ 20 - 25 người, tạo được mức thu nhập ổn định cho mỗi người là 1,5 triệu đồng/tháng. Theo ông Bùi Quảng Đại, làng Diêm Điền rất tự hào về những tổ thợ này vì họ đã tạo được việc làm bền vững cho dân làng, mỗi năm có doanh thu hơn 26 tỷ đồng, giúp làng dần thoát khỏi đói nghèo. Bằng chứng là Diêm Điền hiện chỉ còn 3,6% hộ nghèo, một con số bất ngờ khi nói về một mảnh làng có đến 9.000 nhân khẩu với chỉ 80ha đất.

Thợ nề nuôi con vào đại học

Không chỉ giúp người làng Diêm Điền mưu sinh, nghề thợ nề còn giúp họ lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Con chữ với dân làng nề là thiêng liêng và đáng trọng, nhiều hộ gia đình chắt chiu từng đường xây, mảng vữa để nuôi con thành kỹ sư, cử nhân.

Hiện làng Diêm Điền đã có hơn năm trăm cử nhân đại học, hàng chục kỹ sư xây dựng đang công tác trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều gia đình thợ nề đã chăm chỉ làm nghề để nuôi con học đại học như nhà ông Bùi Thanh, Bùi Đức Huấn, Bùi Văn Nhân...

Ông Bùi Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND phường Đức Ninh Đông, cho biết: “Làng tui mọi sự đều nhờ vào nghề của nề vương để lại nên con cháu thoát mù chữ, học hành tấn tới. Nhà mô nghèo cũng gắng cho con học hết cấp III, chúng học được thì bố mẹ gắng thêm ngày công xây dựng, ngày công làm thuê để nuôi con học đại học. Rứa cho nên chừ làng tui cứ ra ngõ là gặp kỹ sư, cử nhân”.

Bây giờ, mỗi ngày trôi qua, Đồng Hới và vùng phụ cận nhà cửa mọc lên như nấm. Trong đó không thể không kể đến đôi tay, khối óc của người làng Diêm Điền đã âm thầm góp công tô vẽ, dựng xây nên những mái ấp gia đình của cư dân trong vùng, và danh tiếng “nề vương” luôn được hậu duệ của ông nhắc đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đệ nhất nề vương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO