Phát triển văn hóa đọc: Còn thách thức

Gia Khanh| 01/05/2022 01:00

Trong Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ hai (tháng 12/2021), nội dung về văn hóa đọc được xem là điểm nhấn quan trọng để góp phần gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Phát triển văn hóa đọc: Còn thách thức

Xây dựng văn hóa đọc

Nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 về việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam và lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Vừa rồi, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có Quyết định số 418/QĐ-BVHTTDL ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc” diễn ra từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 4.

Theo đó, từ trung tuần tháng 4 này, Thư viện Quốc gia và nhiều tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Nam, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị đều tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Trong đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tổ chức ở TP.HCM (từ ngày 19-24/4/2022) có hơn 500.000 đầu sách được trưng bày cùng các tọa đàm như “Về văn hóa đọc - thách thức, cơ hội và kiến nghị”, “Phát triển văn hóa đọc trong thanh niên”, “Phát triển tủ sách dành cho con trong gia đình” và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác. Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Hội sách Trực tuyến Quốc gia chủ đề “Thắp sáng tri thức 2022” cũng diễn ra từ ngày 19/4 - 20/5/2022, góp phần giữ lửa phong trào đọc sách và lan tỏa tri thức trong cộng đồng. Hội sách có nhiều chương trình và tọa đàm như “Nhà thông thái” (thi online), “Sách nói với phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”, “Doanh nhân với sách - Sách với doanh nhân”, “Chuyển đổi số trong xuất bản”.

Góp phần xây dựng nền tảng văn hóa đọc là hệ thống 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và hơn 10.000 thư viện hay tủ sách ở xã cùng hệ thống thư viện trường phổ thông, thư viện trường đại học, thư viện khoa học kỹ thuật, thư viện quân đội. Ngày 31/12/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn về đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông và mầm non. Trước thách thức và cơ hội từ sự phát triển của khoa học công nghệ, Internet và mạng xã hội, Thư viện Quốc gia và các thư viện tỉnh, trường đại học... đã có sự chuyển dịch từ mô hình thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số. Đồng thời, hệ thống thư viện còn chủ động đưa sách đến người đọc thông qua luân chuyển sách, tặng sách, xe thư viện thông tin lưu động hay tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách cho học sinh, sinh viên. Góp phần phát triển văn hóa đọc còn có hệ thống cửa hàng sách, siêu thị sách, nhà sách tư nhân hiện diện khắp các tỉnh, thành và đặc biệt tập trung đông đảo ở các thành phố lớn. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện ngày càng nhiều câu lạc bộ sách, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách giáo xứ, tủ sách trường học...

Để phát triển văn hóa đọc 

Theo số liệu năm 2017, Việt Nam có 90 triệu dân, doanh thu từ thị trường sách là 180 triệu USD, bình quân 2 USD/người/năm. Trong khi đó, Malaysia bình quân gần 9 USD/người/năm, Thái Lan bình quân hơn 10 USD/người/năm. Hàn Quốc bình quân hơn 104 USD/người/năm. Năm 2019, dân số Việt Nam là 97 triệu người, phát hành được 440 triệu bản (bao gồm sách giáo khoa, giáo trình), bình quân 1,4 bản sách/người/năm.   

Ở Indonesia, trẻ em có 15 phút đọc sách mỗi ngày trước khi vào giờ học chính thức. Ở Hàn Quốc, cha mẹ thường đọc sách cùng con 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Tại Thái Lan, kết quả khảo sát 55.920 hộ gia đình (năm 2015) cho thấy trẻ em dưới 6 tuổi trung bình đọc sách 71 phút/ngày, thanh niên đọc 94 phút/ngày, người trong độ tuổi lao động đọc 61 phút/ngày, người già đọc 44 phút/ngày. Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết tại tọa đàm “Xuất bản số trong phát triển văn hóa đọc”, số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ có 21% người Việt Nam đọc sách trong một năm. Tỷ lệ đọc sách thường xuyên rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5% dân số, trong đó đọc sách nhiều nhất là học sinh và sách các em đọc nhiều nhất là sách giáo khoa và các loại sách thiếu nhi. 

Vấn đề thúc đẩy văn hóa đọc một lần nữa được đặt ra tại tọa đàm “Văn hóa đọc: Cơ hội, thách thức và những kiến nghị” được tổ chức trực tuyến tối 15/4/2022 - sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022. Tọa đàm đã đưa ra đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc, đầu tư cho thư viện, đưa tiết đọc sách vào chương trình học, đào tạo đại sứ đọc; tiếp tục tổ chức hội sách đã có, tổ chức hội sách ở địa phương và các hội sách trực tuyến; các công ty phát hành sách địa phương, nhà xuất bản, công ty sách đưa sách về vùng sâu, vùng xa phục vụ bạn đọc, phát triển đường sách, phố sách tại các tỉnh, thành nhằm thúc đẩy thói quen đọc sách. “Muốn phát triển văn hóa đọc, chúng ta cần phải thúc đẩy đồng bộ ba yếu tố: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Việc đọc chỉ có thể trở thành thói quen khi được lặp đi lặp lại trong một thời gian nhất định với tần suất cố định”, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói. 

Tại tọa đàm “Xuất bản số trong phát triển văn hóa đọc” ngày 19/4/2022 do Cục xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Alpha Book tổ chức, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng cho rằng cần tạo ra sự nhận thức, sự thay đổi của cộng đồng xã hội về văn hóa đọc. Vì thế, nhiệm vụ tạo thói quen đọc sách là trước hết và cơ bản phải tạo ra khoảng thời gian để tạo lập thói quen đó. Đồng thời, cần khai thác triệt để nguồn lực về công nghệ, sử dụng các hình thức đa dạng trên không gian mạng để tổ chức các hoạt động quảng bá về văn hóa đọc. 

Cộng với rất nhiều thuận lợi và cơ hội, động lực kể ở phần trên, như vậy văn hóa đọc mới phát triển được trước sự lấn át của quá nhiều loại hình nghe nhìn và giải trí đang cạnh tranh khốc liệt trong việc lấy đi thời gian đọc và sự quan tâm của độc giả, nhất là giới trẻ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển văn hóa đọc: Còn thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO